Gần 8 năm nay, Quỹ Hỗ trợ hợp tác xã tỉnh đã tiếp sức cho nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã vượt qua khó khăn, vươn lên hoạt động hiệu quả. Qua đó đã góp phần xây dựng nhiều mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã điển hình tiên tiến trong các lĩnh vực trên địa bàn tỉnh...
Khi được Quỹ hỗ trợ HTX tỉnh cho vay vốn, hiệu quả hoạt động của HTX, THT đã được nâng cao rõ rệt. Tổng hợp chung các đơn vị vay vốn có doanh thu tăng 45,7%, lợi nhuận tăng bình quân 20,5% qua các năm, giải quyết thêm khoảng 35% số lao động có việc làm với mức thu nhập tăng cao hơn trên 10%, nộp ngân sách Nhà nước tăng 15,6%… |
Từ số vốn điều lệ được cấp ban đầu là 5 tỷ đồng, đến nay nguồn Quỹ Hỗ trợ hợp tác xã (HTX) tỉnh đã tăng lên gần 28 tỷ đồng. Số vốn này đã được quay vòng cho 297 lượt khách hàng vay với lãi suất ưu đãi. Khi chúng tôi hỏi về những lợi ích mà Quỹ Hỗ trợ hợp tác xã mang lại, bà Đỗ Thị Hiệp, Chủ nhiệm HTX Chè Tân Hương, xã Phúc Xuân (T.P Thái Nguyên) rất hào hứng. Bà chia sẻ: Thành lập từ năm 2001 với số vốn góp ban đầu chỉ có 150 triệu đồng, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, từ khi tiếp cận được với nguồn vốn của Quỹ (năm 2011) và được vay 100 triệu đồng, chúng tôi đã có kinh phí để đầu tư vào kỹ thuật chăm sóc, chế biến chè an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế UTZ. Nhờ đó, HTX đã xây dựng và phát triển thành công thương hiệu chè Tân Hương trên thị trường trong nước và quốc tế.
Không chỉ giúp HTX Chè Tân Hương xây dựng và phát triển thành công thương hiệu, Quỹ còn giúp HTX Miến Việt Cường mở rộng sản xuất, kinh doanh. Ông Nguyễn Văn Ba, Chủ nhiệm HTX Miến Việt Cường cho hay: Thành lập từ năm 2010, chúng tôi đã sớm tạo dựng được thương hiệu sản phẩm miến dong Việt Cường trên thị trường. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, HTX không có kinh phí để mở rộng thị trường vào các tỉnh miền Nam. Rất may mắn khi năm 2016, chúng tôi đã được Quỹ hỗ trợ HTX cho vay 500 triệu đồng. Từ số tiền này, chúng tôi đã đầu tư dây chuyền sản xuất miến dong tự động thay thế cho sản xuất thủ công trước đây. Nhờ đó, sản lượng, chất lượng miến của HTX đã nâng lên rõ rệt. Hiện nay, HTX sản xuất được 20 tấn miến/tháng, cao gấp đôi so với trước, đáp ứng được nhu cầu thị trường trong và ngoài tỉnh.
Ngoài HTX Tân Hương và miến Việt Cường, còn rất nhiều HTX trong tỉnh đã vượt qua khó khăn, hoạt động hiệu quả nhờ có sự tiếp sức từ nguồn Quỹ này. Có được kết quả đó là do những năm qua, Quỹ Hỗ trợ HTX đã thực hiện hỗ trợ vốn theo đúng định hướng chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Với 81% phương án cho vay bổ sung nguồn vốn lưu động sản xuất kinh doanh và 19% dự án cho vay đầu tư, nguồn vốn vay đã tập trung chủ yếu vào các ngành nghề như nông nghiệp (trồng trọt, chế biến và kinh doanh chè, nấm; chế biến và sản xuất kinh doanh miến dong, chăn nuôi gia súc, gia cầm, chế biến cao ngựa bạch thương phẩm, trồng hoa, chế biến lâm sản); công nghiệp; dịch vụ thương mại; xây dựng dân dụng...
Điều đáng nói là với trên 80% số vốn đầu tư cho các tổ hợp tác (THT), HTX ở khu vực nông thôn vay, Quỹ đã có nhiều đóng góp cho chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh, nhất là việc thực hiện tiêu chí tổ chức sản xuất (1 trong 19 tiêu chí nông thôn mới). Chị Vũ Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch Liên minh các HTX tỉnh, Giám đốc Quỹ thông tin: Cho khách hàng vay theo hình thức tín chấp hoặc thế chấp tài sản, từ khi đi vào hoạt động đến nay, Quỹ chưa bao giờ có nợ quá hạn; khách hàng luôn trả tiền gốc và lãi đúng hạn.
Để việc hỗ trợ đúng đối tượng, đúng mục đích, ngay khi tiếp nhận các trường hợp có nhu cầu vay vốn, Quỹ đã phân loại và lựa chọn những dự án, phương án khả thi để cho vay; hướng dẫn, giúp đỡ các khách hàng trong quá trình lập hồ sơ phương án, dự án vay vốn. Đặc biệt, trong quá trình khách hàng vay vốn, Quỹ luôn đồng hành và định hướng ngành nghề cho các khách hàng...
Thực tế cho thấy, việc hỗ trợ vốn kịp thời như một “nguồn năng lượng” vừa giúp các HTX tăng cường nguồn lực đầu tư, mở rộng sản xuất, vừa tăng sức cạnh tranh của các mô hình kinh tế tập thể, ổn định đời sống, thu nhập của thành viên và người lao động. Đồng thời, thúc đẩy kinh tế các thành viên phát triển, gắn kết thành viên các THT, HTX với nhau; hỗ trợ nâng cao đời sống, giải quyết lao động trong khu vực nông nghiệp nông thôn với tinh thần "tương thân, tương ái" vì cộng đồng. Đây là một hoạt động rất thiết thực, cần tiếp tục được duy trì và phát triển trong thời gian tới.