Góp phần cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

11:09, 12/04/2017

Ngày 14-3-2017, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã công bố kết quả khảo sát Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016, theo đó, Thái Nguyên vinh dự được đứng trong tốp 10. Đó là kết quả sự nỗ lực của các cấp, các ngành, sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên. Tuy nhiên, để tiếp tục cải thiện, nâng cao chỉ số PCI của tỉnh rất cần những giải pháp trước mắt cũng như lâu dài.

Có thể khẳng định, cùng với quyết tâm của Chính phủ về cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh theo hướng thuận lợi cho doanh nghiệp (DN), Tỉnh ủy Thái Nguyên đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện. Điều đó cho thấy sự quyết tâm cao của các cấp chính quyền tỉnh trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Bằng các hoạt động thiết thực như: triển khai thực hiện đồng bộ các kế hoạch đề ra; tổ chức các hội nghị đối thoại với DN, tổ chức các buổi Café doanh nhân để lắng nghe ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp... Kiểm tra thường xuyên, đột xuất, toàn diện tới cấp huyện, thành phố, thị xã trong thực hiện kế hoạch để thúc đẩy các chương trình hỗ trợ DN như hỗ trợ đào tạo nghề; tổ chức các lớp tập huấn kế toán, đấu thầu qua mạng; nâng cao kỹ năng bán hàng và chăm sóc khách hàng, kỹ năng thiết kế sản phẩm; chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, hội chợ triển lãm giới thiệu sản phẩm... Đã có nhiều nhà đầu tư lớn đầu tư vào tỉnh như: Dự án Khu du lịch Hồ Núi Cốc, Đề án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông... mang diện mạo mới cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

 

Song nhìn lại tổng thể các vị trí xếp hạng 3 năm qua của Thái Nguyên, tuy đã đứng trong TOP 10 nhưng theo kết quả khảo sát của các DN lựa chọn, thì Thái Nguyên lại không nằm trong TOP 10 địa điểm đầu tư hấp dẫn. Nguyện vọng và kỳ vọng của cộng đồng DN tỉnh và các nhà đầu tư là môi trường sản xuất kinh doanh, môi trường đầu tư cho DN phải thật công khai, minh bạch, thông thoáng và cạnh tranh nhất. Không có bất kỳ vướng mắc gì trong quá trình thực hiện sản xuất kinh doanh, thực hiện đầu tư, chi phí tài chính và chi phí thời gian cho quá trình này là thấp nhất và DN phải được thật sự hài lòng với sự lãnh đạo, chỉ đạo, sự đồng hành chia sẻ của các cấp chính quyền. Đạt được điều này thì cộng đồng DN tỉnh và các nhà đầu tư chắc chắn sẽ ghi nhận, đánh giá cao, chấm điểm cao thông qua phiếu khảo sát PCI và thứ hạng PCI của tỉnh chắc chắn sẽ đạt cao hơn nữa và là địa điểm đầu tư hấp dẫn đối với DN và nhà đầu tư.

 

Để tiến tới mục tiêu có được 1 triệu DN hoạt động hiệu quả vào năm 2020 theo Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ và để tiếp tục cải thiện, nâng cao chỉ số PCI của tỉnh, chúng tôi cho rằng cần thực hiện một số phần việc sau:

 

Thứ nhất, nên nâng Chỉ thị số 19/CT-TU ngày 18-4-2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) lên thành nghị quyết chuyên đề để huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

 

Thứ hai là, các cấp lãnh đạo và đặc biệt là Ban Chỉ đạo PCI của tỉnh nên chỉ đạo các cấp thực hiện đồng bộ chương trình "3 đồng hành, 5 hỗ trợ" DN, doanh nhân.

 

Thứ ba, UBND tỉnh cũng nghiên cứu và cải cách hơn nữa bộ phận một cửa và có những biện pháp tăng cường giáo dục, quản lý và yêu cầu cụ thể về năng lực làm việc, chuyên môn, kỷ luật, tính chuyên nghiệp, thái độ tận tâm với người dân và DN của đội ngũ công chức.

 

Thứ tư là tiếp tục tăng cường các hỗ trợ dịch vụ cho DN như hỗ trợ xúc tiến đầu tư, hỗ trợ khởi nghiệp, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư về nông nghiệp nông thôn, hỗ trợ về bảo lãnh tín dụng cho DN vừa và nhỏ…

 

Thứ năm, quán triệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 4-2017 của Chính phủ, về “Chính phủ kiến tạo”: Chính phủ đẩy mạnh việc chuyển phương thức chỉ đạo điều hành từ mệnh lệnh hành chính sang Chính phủ kiến tạo và phục vụ. Đối với địa phương, là thay đổi tư duy của cán bộ công chức, coi DN và người dân từ đối tượng quản lý sang đối tượng phục vụ, nhiệm vụ của Chính phủ và địa phương là tạo tiền đề để người dân, DN có thể làm ăn ổn định, phát triển và tạo ra tăng trưởng, kích thích mọi công dân và DN thuộc các thành phần kinh tế - xã hội cùng tham gia khởi nghiệp, làm giàu chính đáng và đóng góp cho sự thịnh vượng chung của quốc gia. Thứ sáu là đề nghị với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tiếp tục đề nghị với Chính phủ giao cho VCCI chấm điểm đánh giá các Bộ ngành về hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh và môi trường đầu tư như chỉ số PCI đối với các tỉnh thành.

 

Về phía Hiệp hội DN tỉnh, chúng tôi cam kết luôn là cầu nối lắng nghe tập hợp tâm tư, nguyện vọng, những ý kiến vướng mắc, những khó khăn còn tồn tại của các DN trong quá trình sản xuất kinh doanh, quá trình thực hiện đầu tư để đề xuất kiến nghị tới các cấp lãnh đạo của tỉnh đồng thời truyền tải những chính sách về cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh, môi trường đầu tư của tỉnh tới DN.