Những năm gần đây, một phần nhờ vào nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội, các hộ dân ở xóm Bo, xã Đồng Liên (T.P Thái Nguyên) đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Qua đó, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Ông Nguyễn Văn Học, Trưởng xóm Bo cho biết: Đất đai trong xóm chia làm 2 phần, một bên là đất đồi rừng, phần còn lại là đất trồng lúa, trồng màu. Trước đây, do thiếu kinh nghiệm canh tác nên bà con chủ yếu trồng lúa 1 vụ và rừng bạch đàn. Nhưng trồng lúa thì chỉ đủ ăn chứ không có dư, còn bạch đàn thì cả chục năm vẫn chưa được thu hoạch nên kinh tế của các gia đình cứ bế tắc mãi. Nhiều hộ trong xóm đã nghĩ đến cách chuyển đổi sang loại cây trồng, vật nuôi khác nhưng do thiếu vốn nên việc sản xuất gặp không ít khó khăn. Khoảng vài năm trở lại đây, nhờ vào nguồn vốn vay lãi suất thấp của Ngân hàng Chính sách - Xã hội, nhân dân trong xóm đã thuận lợi hơn trong đầu tư phát triển sản xuất.
Anh Trần Xuân Hùng, người dân xóm Bo cho biết: Trước đây, hai vợ chồng tôi đi buôn bán xa nhà, cuộc sống khá vất vả. Sau này, chúng tôi bàn nhau trở về địa phương sinh sống và làm kinh tế. Tuy vậy, tiền vốn của hai vợ chồng khi đó chẳng còn là bao, trong khi đồng đất sau nhiều năm bỏ hoang cần đầu tư cải tạo. Thông qua Tổ vay vốn của xóm, gia đình tôi được vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội. Số tiền này tôi dùng để đầu tư trồng hơn 300 gốc táo và chăn nuôi gia cầm. Từ mô hình này, mỗi năm, tôi thu lãi gần 200 triệu đồng, kinh tế gia đình ngày càng khấm khá.
Còn chị Nguyễn Thị Toàn chia sẻ: Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, đơn thân nuôi con nên kinh tế hết sức khó khăn. Cuối năm 2017, tôi được vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn vay đối với hộ nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư chăn nuôi bò sinh sản. Đến nay, bò nhà tôi đã đẻ được 1 lứa và chuẩn bị được bán. Ngoài ra, tôi sử dụng vốn vay để cải tạo đất, đầu tư trồng rau xanh theo vụ. Nhờ đó, kinh tế của gia đình tôi ngày càng ổn định. Cuối năm 2018, tôi cùng 2 gia đình khác trong xóm là những hộ cuối cùng của xóm Bo thoát nghèo.
Có thể nói, nguồn vốn tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã in dấu đậm nét trong hành trình vươn lên phát triển kinh tế ở xóm Bo. Xóm có 35 hộ thì hiện có đến 27 hộ được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng dư nợ 680 triệu đồng. Các khoản vay đa dạng, như: Giải quyết việc làm, nước sạch - vệ sinh môi trường, hộ nghèo… Qua kiểm tra, đánh giá hàng năm cho thấy, trong xóm không có nợ xấu, nợ quá hạn phát sinh, không có hiện tượng chiếm dụng vốn. Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, các hộ dân ở xóm Bo đã có điều kiện đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển gia trại, thay đổi ngành nghề... góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo ở địa phương, nâng cao chất lượng cuộc sống. Bên cạnh đó, khi tham gia sinh hoạt Tổ vay vốn, các hộ dân trong xóm thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt nhằm chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm của nhau để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Các thành viên cũng tích cực tuyên truyền, vận động nhau tham gia gửi tiền tiết kiệm thông qua tổ trên tinh thần tự nguyện. Qua đó, vừa hình thành thói quen tiết kiệm cho hộ vay vốn, giảm bớt khó khăn khi trả nợ, vừa bổ sung vào nguồn vốn cho vay hỗ trợ thành viên khó khăn trong tổ phát triển sản xuất.
Ông Lê Văn Hồng, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho biết: Không chỉ mang tới hiệu quả ở một địa phương như xóm Bo, có thể khẳng định, nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực sự tiếp thêm nguồn lực giúp người nghèo tự tin phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.