Khoảng 1 tháng trở lại đây, giá thép xây dựng tăng cao khiến cho nhiều doanh nghiệp (DN) thi công trong lĩnh vực xây dựng cơ bản trở nên lao đao do vốn công trình bị đội gấp nhiều lần. Trước khó khăn này, các nhà thầu phải thỏa thuận với chủ đầu tư xin giãn tiến độ thi công hoặc chấp nhận bù lỗ để hoàn thành tiến độ theo kế hoạch.
Hơn 1 tháng nay, giá thép trên địa bàn tỉnh dao động từ 15.000-16.500 đồng/kg, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2020. Mức tăng cao này đã ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành các công trình xây dựng khiến cho các nhà thầu lao đao. Bà Phạm Thị Thanh Huệ, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và XNK 168 Thái Nguyên (xã Thịnh Đức, T.P Thái Nguyên) bày tỏ: Hiện nay, chúng tôi đang thi công hạ tầng, nhà xưởng cho Dự án MDF Dongwha Việt Nam của nhà đầu tư Dongwha Enterprise CO, LTD (trụ sở chính tại Incheon, Hàn Quốc) tại Khu công nghiệp Sông Công II (T.P Sông Công). Hiện nay, Công trình mới hoàn thành 90% khối lượng các hạng mục và chậm tiến độ hơn 1 tháng. Nguyên nhân là do giá vật liệu xây dựng tăng cao khiến cho nhà thầu bị đội vốn lên gần 2 tỷ đồng. Vì thế, Công ty đang đề nghị chủ đầu tư gia hạn thời gian sang quý I/2021 hoặc cấp thép cho đơn vị để tiếp tục thi công công trình.
Ngay cả đối với một số DN lớn trên địa bàn T.P Thái Nguyên như Công ty TNHH Bê tông Xây dựng Việt Cường, Công ty TNHH xây dựng Hà Long cũng gặp phải khó khăn tương tự. Ông Nguyễn Tiến Hùng, Phó Giám đốc Công ty TNHH xây dựng Hà Long cho hay: Đây là một trong những lần giá thép tăng cao trở lại trong vòng nhiều năm nay. Điều này khiến cho các công trình mà chúng tôi đang thi công vào đầu năm 2021 đều đội chi phí lên từ 500 triệu -1 tỷ đồng. Dù vậy, nhưng Công ty vẫn đành phải chấp nhận bù lỗ vì giao dịch hợp đồng đã ký kết và công trình cũng đã thực hiện được hơn 2/3 tiến độ. Còn ông Đoàn Văn Tùng, Giám đốc Công ty TNHH Bê tông xây dựng Việt Cường chia sẻ: Hiện nay, Công ty đang bị lỗ khoảng 1 tỷ đồng đối với công trình thi công Dự án nhà xưởng tuyển và hệ thống đường ống của Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo. Hiện nay, Công ty đang đề nghị phía chủ đầu tư điều chỉnh giá hợp đồng để giảm bớt khó khăn, áp lực cho DN.
Giá thép tăng cũng khí cho các đơn vị DN hoạt động trong lĩnh vực cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng thêm khó khăn. Ông Phạm Văn Khánh, đại diện của Công ty CP kết cấu thép và xây dựng Tân Khánh (T.X Phổ Yên) cho biết: Cùng với dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và giá thép tăng cao khiến cho các nhiều công trình xây lắp nhà xưởng sẽ bị chững lại. Bằng chứng là từ đầu năm đến nay, Công ty chúng tôi không ký được một đơn hàng nào mới, doanh thu sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2020.
Tương tự đối với các đơn vị sản xuất gạch xây dựng như Công ty TNHH Quang Trung, Công ty CP xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng Thái Nguyên, Doanh nghiệp tư nhân Hậu Thủy (huyện Định Hóa)... sản lượng gạch tiêu thụ cũng giảm từ 20-30% so với cùng kỳ năm 2020. Ông Đào Xuân Thiệp, Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây lắp Hải Anh Chi nhánh Thái Nguyên giải thích: So với giá thép hiện nay thì trung bình mỗi một công trình nhà xưởng của DN sẽ tăng thêm khoảng 30% giá trị xây dựng, tương tự đối với công trình xây dựng dân dụng cũng tăng thêm từ 20-30%. Điều này trực tiếp ảnh hưởng đến “túi tiền” của chủ đầu tư nên thời điểm này, phần lớn các nhà đầu tư sẽ không chọn khởi công xây dựng vào thời gian này.
Có thể thấy, để tháo gỡ khó khăn trên, giải pháp mà các DN thực hiện chủ yếu là duy trì sản xuất cầm chừng, chấp nhận bù lỗ. Vì thế, về lâu dài, đại diện một số nhà thầu kiến nghị, Chính phủ và Bộ Công Thương cần có biện pháp bình ổn và kiểm soát giá thép ở thị trường trong nước. Vì giá thép tăng cao khiến các dự án bị đội vốn, kéo dài thời gian thi công, dẫn đến nhà thầu có thể bị phạt do chậm tiến độ.