“Xóm xuất khẩu lao động” là biệt danh người dân xã Thanh Định (Định Hoá) đặt cho xóm Nguyên Bình. Nguyên do bởi đây là có số người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) nhiều nhất trên địa bàn xã. Cũng nhờ XKLĐ, bộ mặt nông thôn nơi đây đã có nhiều đổi thay, đời sống người dân ngày càng được nâng cao.
Khi đến xóm Nguyên Bình, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước khung cảnh nông thôn hiện đại, khang trang của vùng đất này. Suốt 2 bên con đường dài hơn 1km chạy dọc xóm là những ngôi nhà cao tầng, nhiều nhà được xây theo lối biệt thự. Chỉ tay về những dãy nhà khang trang, ông Nguyễn Đức Muôn, Bí thư Chi bộ phấn khởi: Xóm Nguyên Bình có 142 hộ với 450 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (Tày, Dao, Nùng, Sán Chí) chiếm 38%. Trước đây, cuộc sống của người dân trong xóm chủ yếu là sản xuất nông, lâm nghiệp. Nhưng cả xóm chỉ có 3ha ruộng, 13ha trồng chè và 5ha trồng rừng nên cuộc sống của người dân quanh năm khó khăn. Nhiều người tha hương đi làm thuê ở khắp nơi trong, ngoài tỉnh nhưng đời sống vẫn thiếu thốn đủ bề. Những năm qua, nhờ vào XKLĐ nên cuộc sống ở Nguyên Bình đã có nhiều đổi thay. XKLĐ đã mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân trong xóm. Nhiều lao động thuộc diện hộ nghèo sau khi có người đi XKLĐ trở về đã thoát nghèo, trở thành hộ khá, giàu.
Trong câu chuyện với ông Muôn, chúng tôi được biết, khoảng năm 2015 trong xóm bắt đầu có người đi XKLĐ với mong muốn thay đổi cuộc sống gia đình. Từ sự khởi đầu ấy, phong trào XKLĐ phát triển mạnh mẽ ở Nguyên Bình kể từ năm 2018. Hiện nay, cả xóm có khoảng 30 người đang làm việc tại các Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản và có hơn 20 người đã đi XKLĐ trở về. Nhiều hộ có 2-3 thành viên đi XKLĐ. Những kết quả tích cực từ XKLĐ đã giúp kinh tế - xã hội của xóm ngày càng khởi sắc. Từ chỗ có gần 50% hộ nghèo và cận nghèo vào năm 2016, đến nay, xóm Nguyên Bình chỉ còn 2 hộ nghèo và 10 hộ cận nghèo, số hộ khá, giàu ngày càng tăng. Ngay như gia đình ông Muôn cũng có 3 người con đã và đang đi XKLĐ. Anh Nguyễn Huy Hoàng, người con trai thứ 2 của ông sau 3 năm đi lao động tại Nhật Bản trở về đã mua được đất để mở cửa hàng kinh doanh về đồ dùng trang trí nội thất, ngay gần trung xã và mua được ô tô để làm phương tiện vận chuyển hàng hoá.
Cũng như gia đình ông Muôn, gia đình ông Nguyễn Văn Dinh cũng có vợ chồng người con trai đang đi XKLĐ tại Đài Loan. Ông Dinh chia sẻ: Sau hơn 2 năm đi lao động, vợ chồng con trai tôi đã gửi tiền về và trả hết được số tiền 300 triệu đồng vay ban đầu để đi XKLĐ. Còn dư tiền, gia đình tôi đã xây dựng được ngôi nhà khang trang và dành dụm chút vốn để sau này con trở về có thể lập nghiệp.
Từ đầu năm đến nay, mặc dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ở nhiều nước trên thế giới nhưng thông qua các kênh khác nhau, xóm Nguyên Bình vẫn có 8 người đi XKLĐ và trong cuối tháng 5 sẽ tiếp tục có 3 người sang Đài Loan lao động. Ông Ma Đình Trường, Chủ tịch UBND xã Thanh Định cho biết: Không chỉ có xóm Nguyên Bình mà các xóm khác trên địa bàn xã cũng có người đi XKLĐ tại các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Tính từ năm 2018 đến nay, toàn xã có 22 người đã và đang đi XKLĐ thông qua Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội), còn đi theo sự hỗ trợ của các công ty, trung tâm ngoài tỉnh là khoảng trên 50 người. Sau khi đi XKLĐ trở về, nhiều gia đình đã xây dựng được nhà cửa khang trang, đầu tư vào chăn nuôi, sản xuất kinh doanh, cuộc sống ngày càng khá hơn. Ngoài việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho gia đình, nhiều người đi XKLĐ về còn tích cực đóng góp xây dựng các công trình văn hóa, phúc lợi của địa phương, hỗ trợ tích cực cho chương trình xây dựng nông thôn mới.
Qua ví dụ ở xóm Nguyên Bình, có thể thấy, XKLĐ đã mang lại những kết quả tích cực, đóng góp trực tiếp vào phát triển của địa phương. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội phát triển. Có thể khẳng định, nếu thực hiện tốt chủ trương của Đảng, Nhà nước về hoạt động XKLĐ thì việc đưa người ra nước ngoài làm việc là con đường giảm nghèo nhanh và bền vững đối với những xóm, bản còn nhiều khó khăn trên địa bàn tỉnh.