Vùng sườn Đông Tam Đảo: Giao thông “đi trước một bước”

07:54, 15/05/2021

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), các xã thuộc vùng sườn Đông dãy núi Tam Đảo ở huyện Đại Từ đã được đầu tư để từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông. Từ đó, góp phần quan trọng đẩy mạnh thông thương hàng hóa giữa các vùng, thay đổi diện mạo khu vực nông thôn miền núi và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển

Trên địa bàn huyện Đại Từ có 11 xã, thị trấn thuộc vùng sườn Đông Tam Đảo, gồm: Khôi Kỳ, Phú Xuyên, La Bằng, Hoàng Nông, Văn Yên, Mỹ Yên, Ký Phú, Cát Nê, Yên Lãng, Quân Chu và thị trấn Quân Chu. Trước đây, phần lớn những xã trên thuộc diện đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo khá cao. Nguyên nhân chủ yếu là do cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực này còn hạn chế, trong đó hạ tầng giao thông còn khá yếu.

Vì vậy, bà con chưa có điều kiện phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Theo người dân sinh sống ở khu vực này, khoảng trước năm 2005, tuyến đường từ các xã vùng sườn Đông Tam Đảo đến trung tâm huyện chỉ là đường đất, chưa được thảm nhựa hoặc đổ bê tông (trừ xã Yên Lãng và Phú Xuyên do có Quốc lộ 37 chạy qua). Đó là rào cản trong phát triển kinh tế - xã hội ở những địa phương này.

Vào thời điểm đó, Chương trình xây dựng NTM như một “làn gió mới”, tạo động lực để chính quyền và người dân cùng chung sức, đồng lòng đóng góp xây dựng, hoàn thiện các tuyến đường giao thông. Ông Ngô Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Văn Yên chia sẻ: Gần chục năm trước, toàn bộ hệ thống đường giao thông nông thôn của xã là đường đất nên bà con đi lại rất khó khăn.

Nhờ được nguồn hỗ trợ xi măng của Nhà nước và đóng góp của người dân để thực hiện  xây dựng NTM, đến nay, hơn 90% các tuyến đường xóm, ngõ xóm (gần 40km) đã được bê tông hóa. Đây là một trong những yếu tố quan trọng giúp địa phương phát triển kinh tế, mở rộng giao thương. Hiện nay, thu nhập bình quân của người dân đạt gần 40 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 4%.

Tuyến đường vành đai chân Tam Đảo đi qua các xã Văn Yên - Mỹ Yên - Khôi Kỳ Ký Phú (Đại Từ) đã được quy hoạch để cải tạo, nâng cấp thành đường tỉnh. Ảnh: D.H

Cũng giống như Văn Yên, xã Mỹ Yên có diện tích rộng, nằm trải dài dưới chân dãy núi Tam Đảo và bị chia cắt bởi nhiều khe suối. Vì vậy, việc phát triển hạ tầng giao thông ở xã gặp khá nhiều khó khăn. Tuy tuyến đường trục chính của xã đã được thảm nhựa từ năm 2005 theo Chương trình đường vành đai chân Tam Đảo, nhưng đến năm 2010, các tuyến đường liên xã, liên xóm vẫn là đường đất.

 Thực hiện Chương trình xây dựng NTM, bà con tích cực đã đóng góp tiền của, ngày công, tự nguyện hiến đất để cũng Nhà nước bê tông hóa 100% tuyến đường liên xã, liên xóm trên địa bàn. Ông Nguyễn Quang Khê, Chủ tịch UBND xã Mỹ Yên cho hay: Các tuyến đường được đổ bê tông giúp việc đi lại của nhân dân giữa các xã, xóm được nhanh chóng, thuận tiện hơn trước rất nhiều. Cùng với đó, hệ thống cầu, cống qua suối được xây dựng nên bà con còn không bị cô lập trong mùa mưa.

Còn đối với xã La Bằng (1 trong 3 xã đầu tiên của huyện Đại Từ về đích NTM vào năm 2015), khi thực hiện XDNTM, xã chưa đạt tiêu chí giao thông. Nhưng với sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động, bà con đã tự nguyện đóng góp hàng ngàn ngày công lao động, hiến hơn 10.000m2 đất để xây dựng đường giao thông nông thôn. Nhờ vậy, giao thông trở thành một trong những tiêu chí được hoàn thành từ rất sớm của xã La Bằng.

 Ông Triệu Văn Đông, Chủ tịch UBND xã cho biết: Hạ tầng giao thông được hoàn thiện, sản phẩm chè đặc sản của xã được tiêu thụ thuận lợi hơn. Không chỉ vậy, nhờ giao thông thuận tiện, nhiều hộ còn đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, tham quan, trải nghiệm các làng nghề chè kết hợp với giới thiệu sản phẩm.

Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Trọng Hiếu, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Đại Từ thông tin: Khi bắt tay vào xây dựng NTM, tiêu chí giao thông của các xã vùng sườn Đông Tam Đảo mới chỉ đạt khoảng 30-40%. Do vậy, để hoàn thành tiêu chí này, cùng với việc Nhà nước hỗ trợ hàng vạn tấn xi măng, chính quyền các địa phương đã huy động người dân đóng góp đối ứng, hiến đất. Đến cuối năm 2020, hàng trăm ki-lô-mét đường giao thông nông thôn ở các xã thuộc vùng sườn Đông Tam Đảo đã được bê tông hóa.

Việc hoàn thiện mạng lưới giao thông đã góp phần giúp người dân các xã thuộc vùng sườn Đông Tam Đảo đi lại thuận tiện, đẩy mạnh giao thương. Đây là điều kiện quan trọng để các địa phương phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân. Hiện nay, tại một số xã như Ký Phú, Văn Yên, Mỹ Yên, Hoàng Nông, Khôi Kỳ, Phú Xuyên, Yên Lãng… đã hình thành khu thương mại - dịch vụ; nhiều địa phương có tỷ trọng thương mại - dịch vụ chiếm từ 20-25% trong cơ cấu kinh tế. Đến nay, thu nhập bình quân của người dân trong khu vực đã tăng lên, đạt hơn 40 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4-7%...