Theo báo cáo của Cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 giảm 0,46% so với tháng trước và bình quân 9 tháng năm 2021 chỉ tăng 0,83% so với cùng kỳ, thấp hơn nhiều so với mức tăng 5,12% của năm 2020.
Có nhiều yếu tố tác động đến chỉ số CPI 9 tháng qua. Trước hết là do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã tác động đến tâm lý người tiêu dùng cũng như nhu cầu sử dụng một số loại hàng hóa, dịch vụ. Cùng với đó, Nhà nước điều chỉnh tăng giá xăng dầu, gas theo giá nhiên liệu thế giới; giá học phí năm học 2020-2021 tăng theo lộ trình của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ.
Ở chiều ngược lại, một số mặt hàng lương thực, thực phẩm và mặt hàng đồ dùng, trang thiết bị gia đình, các mặt hàng nhóm văn hóa, giải trí, du lịch có xu hướng giảm…
Các nhóm có chỉ số giá tăng cao, tác động đến mức tăng CPI bình quân 9 tháng năm 2021 gồm: Nhóm giao thông tăng 8% (do nhóm nhiên liệu tăng 23,83%); nhóm giáo dục tăng 5,06% (do nhóm dịch vụ giáo dục tăng 5,81%); nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 3,22% (do nhóm đồ uống không cồn tăng 11,2%); nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 1,98%; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép và nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,02%…
Các nhóm hàng hoá, dịch vụ có chỉ số giảm so với bình quân cùng kỳ, từ 0,4-2,05%, theo thứ tự từ thấp đến cao, gồm: Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình; nhóm bưu chính viễn thông; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống.