Những năm qua, nhờ tích cực chuyển đổi, thay thế diện tích chè trung du già cỗi bằng các giống chè cành có năng suất và chất lượng cao, người dân xã Sơn Phú (Định Hóa) đã thu được nguồn lợi lớn từ cây chè, đóng góp tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, giảm nghèo ở địa phương.
Vui vẻ tiếp đón chúng tôi trong căn nhà khang trang đượm hương chè mới, chị Đặng Thị Tuất, xóm Sơn Thắng chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi làm chè theo kinh nghiệm là chính, nên mấy chục năm làm nghề cũng chỉ giúp cả nhà đủ ăn, không có tiền dư. Thời điểm năm 2015, chè búp khô của nhà tôi bán với giá cao nhất cũng chỉ được khoảng 100 nghìn đồng/kg. Đến năm 2018, được sự vận động của huyện, xã, gia đình tôi đã chuyển đổi toàn bộ 1,4 mẫu chè trung du sang trồng chè lai cho năng suất và chất lượng cao, đồng thời áp dụng tiêu chuẩn VietGAP vào quy trình sản xuất. Đến nay, giá chè búp khô được thương lái mua tại nhà với giá khoảng 300 nghìn đồng/kg. Nhờ đó, gia đình tôi thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Rời nhà chị Tuất, chúng tôi đến thăm những đồi chè xanh ngát ở Làng nghề chè Phú Hội, nơi cung cấp nguyên liệu cho Hợp tác xã (HTX) nông sản Phú Đạt. Đi trên con đường bê tông nằm giữa những đồi chè trải rộng ngút tầm mắt, chúng tôi thấy được cuộc sống của bà con nơi đây có sự đổi thay rõ rệt. Đan xen giữa các đồi chè là những ngôi nhà khang trang, không còn sự xuất hiện của những căn nhà mái lá, vách đất lụp xụp như cách đây chừng hơn chục năm trước.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt, Giám đốc HTX Phú Đạt nói: Với mong muốn nâng cao giá trị cây chè ở Sơn Phú, HTX ra đời từ năm 2018 với 9 thành viên. Hiện nay, mỗi tháng, HTX cung ứng ra thị trường khoảng 2 tấn chè búp khô sản xuất theo quy trình VietGAP. Doanh thu của HTX đạt khoảng trên 2 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho trên 30 lao động với mức lương trung bình trên 5 triệu đồng/người/tháng.
Theo thống kê, hiện nay, Sơn Phú có trên 320ha chè, là xã có diện tích chè lớn nhất huyện Định Hóa. Trong tổng số trên 1.400 hộ dân của xã thì có đến gần 80% các hộ có thu nhập từ cây chè. Trong khoảng 5 năm trở lại đây, nhờ tích cực đưa các giống chè lai vào trồng thay thế diện tích chè trung du giã cỗi và đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất chè của địa phương tăng mạnh (đạt khoảng 130 tạ/ha), sản lượng ước đạt 3.380 tấn/năm (tăng gấp gần 1,5 lần so với năm 2015).
Các giống chè chủ yếu được bà con đưa vào trồng có thể kể đến như: LDT1, TRI 777, Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên… Xã hiện có 4 làng nghề chè (Phú Hội 1, Phú Hội 2, Sơn Thắng, Vũ Quý) và 2 HTX sản xuất chè (HTX nông sản Phú Đạt và HTX nông sản Sơn Thắng) đều đã được cấp chứng chỉ VietGAP. Theo đánh giá của chính quyền địa phương, cây chè có đóng góp tích cực vào đời sống của người dân Sơn Phú, qua đó, giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo từ trên 30% (năm 2015) xuống còn 2,75% (ước đến hết năm 2021).
Có thể thấy, trong thời gian qua, giá trị kinh tế của cây chè tại Sơn Phú đã gia tăng đáng kể, đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân, tuy vậy, vấn đề xây dựng thương hiệu và tìm đầu ra vẫn là bài toán khó đối với địa phương. Ông Âu Văn Được, Chủ tịch UBND xã Sơn Phú cho biết: Những gia đình làm chè có mức thu nhập trên 200 triệu đồng/năm ở Sơn Phú giờ đây không hiếm. Tuy nhiên, vấn đề thương hiệu vẫn đang là điều mà đông đảo người làm chè ở xã cũng như các vùng chè khác của Định Hóa trăn trở. Cũng vì chưa có thương hiệu nên hiện nay, người dân vẫn chủ yếu bán cho các lái buôn, chứ chưa có đầu ra ổn định. Vì vậy, bên cạnh những nỗ lực của địa phương, Sơn Phú rất cần sự quan tâm, giúp đỡ từ các ngành chức năng để xây dựng chè thành sản phẩm OCOP và tìm đầu ra cho sản phẩm.