Ngày 5-12, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương, Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam đồng tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 với chủ đề “Phục hồi và phát triển bền vững”. Diễn đàn được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại Hà Nội đến 57 điểm cầu trong cả nước, 3 điểm cầu quốc tế (Hoa Kỳ, Pháp, Thái Lan). Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội chủ trì Diễn đàn.
Tham dự tại điểm cầu Thái Nguyên có đồng chí Đoàn Thị Hảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; các đại biểu Quốc hội tỉnh cùng đại diện các sở, ngành, đơn vị liên quan (ảnh)…
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, Diễn đàn là cơ hội để Quốc hội, các cơ quan hữu quan lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, các đối tác của Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp và cử tri về những giải pháp tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giải pháp huy động, sử dụng tối đa nguồn lực, đồng thời đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp, cơ chế thực hiện cụ thể gắn với nguồn lực kèm theo.
Những giải pháp này phải có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các chính sách ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, có tác động đến động lực tăng trưởng nền kinh tế và gắn kết hữu cơ với giải quyết những vấn đề xã hội. Bên cạnh đó, các chính sách tài khóa, tiền tệ trong Diễn đàn lần này cho phép nằm ngoài các chính sách mà Quốc hội đã ban hành, cho phép tìm kiếm những dư địa mới của nền kinh tế.
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 được chia thành 2 phiên. Phiên toàn thể buổi sáng là tọa đàm cấp cao với chủ đề “Một số gợi ý đối với chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam”. Hàng loạt các khó khăn, rủi ro được các diễn giả, chuyên gia đề cập; các giải pháp hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và kích thích tăng trưởng kinh tế cũng được nêu ra. Trong đó, vấn đề quan trọng nhất là phục hồi kinh tế, đảm bảo sản xuất và tiêu dùng có thể bình thường trở lại…
Phiên buổi chiều gồm 2 chuyên đề: “Phối hợp các chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, tạo nguồn lực ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi kinh tế”, “Bảo đảm an sinh xã hội và nguồn cung lao động trong quá trình phục hồi kinh tế”…