Nâng mức hài lòng của người dân, doanh nghiệp

05:45, 29/12/2021

Năm 2020, các chỉ số liên quan đến đánh giá cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh Thái Nguyên đều được cải thiện, tăng hạng so với cùng kỳ và vươn lên ở vị trí tốp đầu cả nước. Có được điều này là do tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp, lấy thước đo sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm phương châm điều hành, chỉ đạo...

Cải thiện thứ bậc, vươn lên nhóm đầu

Năm 2020, các chỉ số CCHC của Thái Nguyên liên tục được cải thiện về thứ hạng, vươn lên nhóm đầu của các tỉnh miền núi phía Bắc. Trong đó, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) của tỉnh tăng ngoạn mục tới 36 bậc so với năm 2019, vươn lên xếp thứ 3 cả nước; chỉ số CCHC (Par Index) xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố (tăng 2 bậc so với năm 2019); năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố (tăng 1 bậc so với năm 2019).

Nhờ nỗ lực cải thiện các chỉ số CCHC, Thái Nguyên trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều doanh nghiệp FDI. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam – Thái Nguyên, Khu công nghiệp Yên Bình (T.X Phổ Yên).  

Có được kết quả này, những năm qua, Đảng bộ tỉnh đã ban hành các chị thị, nghị quyết về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Trên cơ sở đó, các sở, ban, ngành tích cực vào cuộc, nâng cao vai trò của mình trong đồng hành, hỗ trợ các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Tỉnh cũng đã ban hành Đề án CCHC giai đoạn 2016-2020, đầu tư trên 300 tỷ đồng cho hoạt động này. Trên cơ sở Đề án, các ngành, địa phương xây dựng và ban hành văn bản để hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật; đơn giản hóa TTHC; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC... Kết quả, đến nay, toàn tỉnh cung cấp 1.231 thủ tục hành chính đủ điều kiện ở mức độ 4 (bằng 100%) trên cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh.

Ông Nguyễn Trọng Hiếu, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Sở thực hiện công khai 127 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết trên trang thông tin điện tử và niêm yết tại bộ phận “1 cửa”; đồng thời cắt giảm thời gian thực hiện của một số TTHC từ 3 ngày xuống 2 ngày.

Chuyển đổi số - nền tảng vững chắc

Mặc dù các chỉ số CCHC của tỉnh hiện nay đang giữ ở tốp đầu trong toàn quốc nhưng một số chỉ số thành phần còn giảm điểm và chậm thay đổi do trách nhiệm thực thi công vụ của một số cán bộ, công chức ở một số nơi chưa cao; vẫn còn đơn vị, địa phương để hồ sơ quá hạn, việc cung ứng các dịch vụ công hạn chế... Để khắc phục tình trạng này, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết chuyên đề về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 với 3 trụ cột chính: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Kết quả cho thấy ngay từ đầu nhiệm kỳ đó là khai thác, vận hành Trung tâm Điều hành thông minh IOC tại trụ sở UBND tỉnh; xây dựng ứng dụng C-Thái Nguyên; Trung tâm Giám sát an toàn thông tin tỉnh...

Anh Nguyễn Văn Bình, người dân xã Điềm Thụy (Phú Bình) chia sẻ: Khi sử dụng ứng dụng C-Thái Nguyên trên điện thoại di động tôi thấy khá đơn giản, hữu ích. Người dân có thể phản ánh các vấn đề dân sinh đến các cấp chính quyền giúp tiếp nhận, xử lý thông tin được nhanh chóng, kịp thời… Cùng với chuyển đổi số, tỉnh xây dựng Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2021-2025, định hướng năm 2030. Trong đó tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công, viên chức chuyên nghiệp, có năng lực, phẩm chất đạo đức, có số lượng, cơ cấu hợp lý; đầu tư con người, cơ sở vật chất, trang thiết bị để vận hành bộ máy hành chính các cấp theo xu thế số hóa...

Với những kết quả có được cùng với sự nỗ lực quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền các cấp trong việc đề ra giải pháp trúng hướng sẽ tạo nền tảng để tỉnh triển khai thực hiện công tác CCHC ở mức độ cao hơn trong giai đoạn tiếp theo.

*Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, thành viên Ban Chỉ đạo PCI: Năm 2021, Hiệp hội tham mưu cho tỉnh hoàn thiện và triển khai bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương nhằm cải thiện các chỉ số thành phần thấp điểm trong bộ chỉ số CCHC.

*Ông Võ Tiến Dũng, Giám đốc Đối ngoại, Cộng đồng và Môi trường, Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo: Trong thời gian qua, tỉnh đã tạo lập được môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, đồng hành cùng DN trên nguyên tắc tuân thủ pháp luật và tôn trọng các cam kết. Điều này thể hiện trên các kết quả đạt được trong xây dựng kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

*Ông Lý Thái Việt, Chủ tịch UBND phường Đồng Tiến (T.X Phổ Yên): Để tiếp tục nâng cao hiệu quả dịch vụ công trực tuyến từ mức độ 3 lên mức độ 4, sang năm 2022, địa phương sẽ được T.X Phổ Yên đầu tư kinh phí để xây dựng mới bộ phận “một cửa” và nhiều trang thiết bị hỗ trợ công chức và người dân trong thực hiện giải quyết các TTHC...

*Ông Ma Khánh Thắng, xóm Đồng Ban, xã Phú Đình (Định Hóa): Đến bộ phận “một cửa” của xã, huyện để chứng thực hồ sơ, tôi được cán bộ hướng dẫn nhiệt tình, chu đáo. Đặc biệt có một số thủ tục đã được rút ngắn thời gian hơn trước, được giải quyết nhanh, gọn, không phải chờ lâu. Tôi thấy rất hài lòng.

Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh