Những ngày giáp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, chúng tôi có dịp đến xóm vùng cao Thắng Lợi của xã Tràng Xá (Võ Nhai). Mới chỉ đôi ba năm trước đây, để đến được các xóm thuộc vùng Đông Bo như Thắng Lợi là cả một hành trình gian nan. Từ cuối năm 2020, tuyến đường Tràng Xá - Liên Minh hoàn thành, đưa vào sử dụng đã như một làn gió xuân thổi về vùng đất đầy khó khăn này. Cuộc sống của người dân nơi đây đang mở sang một trang mới.
Các xóm đặc biệt khó khăn của xã Tràng Xá thường được nhắc đến là Chòi Hồng, Nà Lưu, Mỏ Bễn… Đây là những xóm thuộc vùng sâu vùng xa, giao thông khó khăn, kinh tế - xã hội kém phát triển và đời sống của người dân rất thiếu thốn. Xóm Thắng Lợi ít được nhắc đến, bởi xóm mới chỉ được thành lập từ năm 2019, do sáp nhập hai xóm khó khăn, Mỏ Bễn và Nà Lưu.
Trong suy nghĩ của chúng tôi, hình ảnh về xóm vùng cao có gần 130 hộ dân đang nằm trong danh sách 142 xóm đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 này khá ảm đạm. Song, hóa ra tại chính vùng đất đầy gian khó này đã có không ít hộ dân thực sự khá giả, thu nhập tiền tỷ mỗi năm nhờ sản xuất, kinh doanh giỏi.
Gia đình đầu tiên chúng tôi đến thăm là gương hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh, anh Tạ Đăng Phước (47 tuổi), được bà con trong xóm trầm trồ là người làm ăn giỏi nhất của xóm, mỗi năm “để ra” trên dưới nửa tỷ đồng là chuyện trong tầm tay. Xác nhận có thu nhập cao từ vườn bãi, anh Phước rủ rỉ trải lòng, rằng sinh sống ở vùng cao thiệt thòi nhiều thứ nhưng lại có cái lợi về đất đai. Khu vực gia đình anh đang canh tác vốn dĩ ngày xưa là vùng chân núi đá rất hoang vu và hẻo lánh, cha ông của anh là những người dân từ miền xuôi lên khai hoang làm kinh tế mới, cặm cụi từ đời này sang đời khác, đến nay là vợ chồng anh. Đá thấm mồ hôi các thế hệ trong gia đình không chỉ trong mùa Hè mà cả những ngày Đông buốt giá để có được thành quả như ngày hôm nay.
Trên diện tích đất đai canh tác, trước đây, anh chủ yếu trồng mía và trồng ngô, năm 2012 anh quyết định cải tạo đất chuyển đổi sang trồng thử 140 cây bưởi Diễn. Năm 2015, bưởi bắt đầu cho thu hoạch hơn 3.000 quả, thu lãi khoảng 50 triệu đồng. Từ đó, anh tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích trồng bưởi và nhãn an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và trở thành mô hình để bà con trong và ngoài xóm học tập. Đến nay, gia đình anh Phước đã có gần 3ha bưởi với hơn 1.500 gốc và hơn 1ha nhãn đã cho thu hoạch. Riêng về bưởi, có những năm anh có đến hơn 30 nghìn quả phục vụ thị trường Tết Nguyên đán.
Cây bưởi đã đem lại cuộc sống ấm no nhiều hộ dân ở vùng cao Tràng Xá, Võ Nhai. Trong ảnh: Vườn bưởi của gia đình bà Đặng Thị Lan, xóm Thắng Lợi
Còn rất trẻ, mới ở tuổi 30, song anh Hoàng Ngọc Giang cũng đã là một trong những người giỏi làm ăn nhất của xóm Thắng Lợi. Năm 2019, anh Giang là gương sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu, được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh.
Chuyên tâm vào trồng bưởi, Hoàng Ngọc Giang trồng trên 10.000 cây bưởi Diễn và bưởi da xanh trên diện tích 3ha. Vườn bưởi của Giang được đánh giá là mô hình đẹp nhất, được chăm sóc tốt nhất của xã. Nhờ rất chịu khó nghiên cứu kiến thức về quy trình chăm sóc bưởi từ quá trình chăm cây non đến khi trưởng thành, ra hoa, đậu quả, kỹ thuật cắt tỉa, bón phân cũng khá bài bản nên bưởi của gia đình Giang to quả, mọng nước, ngọt và thơm. Nhiều người trong và ngoài xã coi đây là “vườn mẫu” để đến học tập kỹ thuật chăm sóc và tạo tán cho bưởi.
Đi một vòng quanh xóm Thắng Lợi, chúng tôi không chỉ ngỡ ngàng với những vườn quả sai trĩu cành đang chờ thu hái mà còn hết sức bất ngờ với những ngôi biệt thự nhà vườn hiện đại. Anh Trần Ngọc Sơn, Bí thư chi bộ xóm cho biết: Tài sản của các hộ dân hầu hết đều từ cây ăn quả và cây lấy gỗ, riêng rừng sản xuất những năm gần đây rất phát triển, có nhà có tới 25ha. Về cây bưởi thì hàng chục hộ trồng, từ vài trăm đến cả vạn cây. Hầu hết đều áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo hướng an toàn nên chất lượng bưởi ngọt, thơm, cạnh tranh được với nhiều vùng trồng bưởi khác. Nhiều người còn trẻ tuổi nhưng làm ăn phát triển kinh tế khá vững như: Nguyễn Văn Hiển, Hoàng Ngọc Thịnh, Hoàng Văn Trường…
Chúng tôi đã được nghe câu chuyện của cụ Nguyễn Thị Tín, 88 tuổi, một trong những người cao niên nhất của xóm, cũng là một trong những người đầu tiên lên khai hoang lập xóm, kể về những năm tháng ngặt nghèo trước đây. Đó là vào năm 1962, các hộ dân xã Đồng Tiến, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên nghe theo tiếng gọi của Đảng xung phong lên mảnh đất hoang vu đầy hùm beo này để xây dựng quê hương mới với mục đích góp phần phát triển miền núi tiến kịp miền xuôi.
Trong ký ức cụ Tín và những người dân trong xóm, hồi mới lên vùng đất này còn là những khu rừng già hoang vu lắm, hùm beo thường xuyên về làng. Hễ nghe tiếng hổ gầm là cả làng mang xoong nồi ra gõ ầm ĩ để xua đuổi chúng. Thế rồi trong nửa thế kỷ qua, bằng ý chí, sự cần cù và sáng tạo của người dân, mảnh đất ấy đã trở thành xóm Thắng Lợi hôm nay, là xóm của những nông dân tỷ phú. Tuy vẫn còn nhiều khó khăn nhưng Thắng Lợi hôm nay đã không còn nét nào của vùng đất nghèo khó nhất của tỉnh Thái Nguyên trước đây. Con cháu cụ Tín đều là những nông dân sản xuất giỏi, cuộc sống khá giả, xây nhà đẹp, mua được cả xe ô tô đắt tiền, có của ăn của để.
Anh Trần Ngọc Sơn tâm sự rằng người dân xóm Thắng Lợi vô cùng tự hào vì đã thực hiện được mong ước của ông cha họ từ ngày đầu đi khai khẩn rừng hoang, đó là ước vọng lập một làng quê mới thật giàu đẹp trên mảnh đất cách mạng.