Phát triển nông nghiệp hữu cơ không chỉ tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe con người mà còn góp phần bảo vệ môi trường, hệ sinh thái đồng ruộng. Nhận thức được điều đó, những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ được ngành Nông nghiệp và bà con nông dân trong tỉnh quan tâm triển khai. Qua đó góp phần nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản, đáp ứng nhu cầu sử dụng sản phẩm sạch ngày càng cao của người tiêu dùng.
Tăng giá trị sản phẩm
Sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, Công ty CP Ntea Thái Nguyên ở xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ) tiêu thụ 14 tấn chè búp khô/năm, với các dòng sản phẩm như: Trà matcha, trà xanh, trà sữa, trà túi lọc… Hiện, trà xanh tôm nõn của bà con có giá từ 300 đến 500 nghìn đồng/kg nhưng sản phẩm đã qua chế biến của Công ty như trà túi lọc, trà sữa có giá trung bình 1 triệu đồng/kg.
Anh Nguyễn Kim Công, người phụ trách sản xuất của Công ty chia sẻ: Chúng tôi đã được cấp chứng nhận đạt chuẩn nông nghiệp hữu cơ châu Á Ifarm. Ngoài tiêu thụ trong nước, sản phẩm của Công ty còn được xuất khẩu sang các nước như: Anh, Australia…
Đối với Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản tỉnh, năm 2021, đơn vị cũng đã triển khai mô hình trồng dưa lê Hàn Quốc theo hướng hữu cơ trong nhà kính với quy mô 2.000m2 tại xã Điềm Thụy (Phú Bình). Kết quả cho thấy, năng suất dưa đạt 720 kg/sào, quả ngọt, thơm, sau khi trừ chi phí, Trung tâm thu lãi 11,4 triệu đồng/sào/vụ.
Ông Nguyễn Thành Nam, Giám đốc Trung tâm cho biết: Giống dưa lê có thể trồng 4 vụ/năm, lợi nhuận thu được khoảng 45,6 triệu đồng/sào/năm, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa.
Ngoài 2 đơn vị nói trên còn có một số doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất theo hướng hữu cơ, trong đó có thể kể tên một số mô hình tiêu biểu như: Trang trại nông nghiệp sạch của Doanh nghiệp tư nhân Cao Bắc ở xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ); mô hình sản xuất chè theo hướng hữu cơ tại các huyện: Đại Từ, Phú Lương, Đồng Hỷ và T.P Thái Nguyên với diện tích 60ha.
Lợi ích lâu dài và bền vững
Với tiêu chuẩn "5 không" (không thuốc diệt cỏ, không thuốc trừ sâu, không chất bảo quản, không chất kích thích tăng trưởng và không dư lượng hóa chất độc hại), các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ tạo ra sản phẩm an toàn cho cả người sản xuất và người tiêu dùng.
Bà Đào Thị Thoi, Tổ trưởng Tổ sản xuất chè hữu cơ Chính Phú, xã Phú Xuyên (Đại Từ), cho biết: Trước đây, bà con thường lạm dụng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ và phân hóa học để bón cho cây. Sau gần 2 năm canh tác theo hướng hữu cơ, hệ vi sinh vật trong đất đã sinh sôi trở lại, môi trường cũng đã trong lành hơn, không còn mùi thuốc sâu. Hiện, chúng tôi có 22 thành viên sản xuất 5ha chè hữu cơ.
Cánh đồng lúa sản xuất theo hướng hữu cơ tại xã Tân Đức (Phú Bình).
Còn anh Diệp Ngọc Cảnh, công nhân trang trại nông nghiệp sạch của Doanh nghiệp tư nhân Cao Bắc, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ) chia sẻ: Sản xuất rau theo hướng hữu cơ, chúng tôi không còn phải mặc trang phục bảo hộ kín mít để phun thuốc trừ sâu như trước. Ngoài ra, rau được trồng trong nhà lưới cũng hạn chế sâu bệnh gây hại.
Nhận thấy lợi ích bền vững của việc canh tác theo hướng hữu cơ nên ngày càng có nhiều tổ chức, hộ dân tham gia sản xuất để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Mặc khác, sản phẩm hữu cơ cũng ngày càng phong phú và đa dạng; ngoài rau, chè còn có gạo, sản phẩm chăn nuôi.
Nhân rộng mô hình hữu cơ
Thái Nguyên có nhiều trường học, nhà máy, lại tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội - thị trường tiêu thụ tiềm năng đối với các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh mới chủ yếu dừng lại ở phạm vi nhỏ. Thêm vào đó, người tiêu dùng cũng chưa thực sự tin tưởng các sản phẩm nông sản an toàn.
Trước thực trạng trên, nhằm xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hàng hóa, sản xuất an toàn, hữu cơ, cùng với chính sách hỗ trợ của Chính phủ, tỉnh cũng đã có cơ chế riêng. Cụ thể, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 33/NQ-HĐND ngày 23/7/2019, thông qua Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” tỉnh giai đoạn 2019-2025; Nghị quyết số 15/2020/NQ-HĐND ngày 11/12/2020 thông qua Đề án Phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Ngoài ra, từ năm 2020 đến nay, trong Phương án Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, tỉnh cũng bố trí kinh phí để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Ông Hà Trọng Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất hữu cơ; từ đó từng bước thay đổi phương thức sản xuất của người nông dân, tạo ra sản phẩm chất lượng, phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và hướng tới xuất khẩu.