Thời gian qua, môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam đã có bước cải thiện tích cực và mạnh mẽ, được giới doanh nghiệp doanh nghiệp (DN) trong nước và nước ngoài đánh giá cao. Mặc dù đại dịch COVID-19 đã làm chậm đà cải cách ở một mức độ nào đó, nhưng Việt Nam vẫn luôn được coi là điểm đến đầu tư hấp dẫn với nền kinh tế sôi động và luôn có tốc độ tăng trưởng cao trên thế giới. Vì vậy, hơn bao giờ hết, cộng đồng DN đang mong muốn có những nỗ lực hơn nữa trong việc cải cách thể chế để có môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn và giảm chi phí không cần thiết, nhất là khi toàn bộ nền kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi và bứt phá.
Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh không chỉ giúp Việt Nam tăng cơ hội thu hút đầu tư mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh của DN và của cả nền kinh tế trong điều kiện bình thường mới, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đây được coi là động lực và là “chìa khóa” cho sự tăng trưởng trong năm 2022 và những năm tới.
Nhiều tín hiệu tích cực
Xác định việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hướng tới phát triển bền vững là một trọng tâm cải cách, là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Do đó, hằng năm Chính phủ đã ban hành nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia: Nghị quyết số 19/NQ-CP (từ năm 2014-2018) và Nghị quyết 02/NQ-CP (từ năm 2019-2022). Với sự quyết tâm đó, môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam đã đạt những kết quả khá tích cực, không chỉ thể hiện ở sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương mà còn thể hiện qua các chỉ số đạt được.
Theo đó, các tiêu chí đánh giá môi trường kinh doanh của Việt Nam liên tục được cải thiện như: Năng lực cạnh tranh 4.0 (của Diễn đàn Kinh tế thế giới-WEF) xếp thứ 67/141 năm 2019, tăng 10 bậc so với năm 2018 (năm 2022, 2021 không đánh giá do dịch COVID-19); Ðổi mới sáng tạo (của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới-WIPO) xếp ở vị trí 44/132; Chính phủ điện tử (của Liên hợp quốc) xếp thứ 86 năm 2020, tăng 2 bậc so năm 2018 (hai năm công bố một lần); Phát triển bền vững (của Liên hợp quốc) giữ vị trí 51/165 năm 2021, tăng 37 bậc so với năm 2016...
Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), giai đoạn 2017-2019, Chính phủ ban hành 40 văn bản về cải thiện môi trường kinh doanh; đến năm 2019, cắt giảm đến hơn 50% số điều kiện kinh doanh theo báo cáo của các bộ, ngành. Cùng với đó, nhiều chỉ số về môi trường kinh doanh được cải thiện tích cực, số lượng ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện được thu gọn, từ 267 ngành nghề vào năm 2014 giảm xuống còn 243 ngành nghề vào năm 2016 và giảm tiếp xuống còn 227 ngành nghề vào năm 2020...
Đây được xem là điểm sáng trong cải cách môi trường kinh doanh thời gian qua. Và số liệu thống kê từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN cũng cho thấy, từ đầu năm đến nay, có hơn 62 nghìn DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động (tăng 38,2% so với cùng kỳ năm trước), tăng ở tất cả các lĩnh vực. Trong đó, với DN lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19 như dịch vụ lưu trú và ăn uống đã tăng tới 170,6%. Bên cạnh đó, trong hai tháng đầu năm vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam ước đạt 2,68 tỷ USD (tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước). Những tín hiệu tích cực nêu trên phản ánh sự chủ động và năng lực thích ứng của cộng đồng DN cũng như sự điều hành linh hoạt và quyết đoán của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong hoạt động kinh tế những năm qua.
Mới đây, tại Diễn đàn DN Việt Nam (VBF), Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Alain Cany cho biết, hơn 1.200 thành viên EuroCham đều đưa ra tín hiệu lạc quan, tin tưởng vào trạng thái “bình thường mới” của Việt Nam, thể hiện qua Chỉ số Môi trường kinh doanh của EuroCham (BCI) đã tăng từ 42 điểm lên 61 điểm vào tháng 1/2022. Khi dịch COVID-19 đang dần được kiểm soát, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) sớm được thực hiện, Việt Nam sẽ có cơ hội thu hút làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài từ các quốc gia châu Âu.
Thúc đẩy phát triển và phục hồi sản xuất
Tại hội thảo công bố báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh 2021 do VCCI tổ chức ngày 29-3 vừa qua, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công đánh giá, “dòng chảy” chính sách cải thiện môi trường kinh doanh vẫn đang được thúc đẩy nhưng vẫn còn nhiều thách thức. Mấy năm gần đây, Nhà nước luôn chú trọng cải cách thể chế. Nhiều đợt rà soát, cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính đã được tiến hành. Năm nay, hoạt động cắt giảm chi phí tuân thủ theo chỉ đạo Nghị quyết 60/NQ-CP của Chính phủ được thúc đẩy mạnh mẽ. Hầu hết các bộ đã đưa ra các phương án cắt giảm chi phí tuân thủ với mục tiêu cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ trong các văn bản hiện hành. Môi trường đầu tư, kinh doanh sẽ phần nào thuận lợi hơn từ những đề xuất cắt giảm này.
Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), TS Nguyễn Minh Thảo lại cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức khi tốc độ và mức độ cải thiện đang chững lại do những tác động của dịch COVID-19. Điều này thể hiện qua mức độ lạc quan của thị trường giảm, năng suất lao động bị ảnh hưởng, nguy cơ đứt gãy của chuỗi cung ứng vì những bất ổn chính trị trên thế giới, gia tăng các khoản vay... Do vậy, vấn đề cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cần được Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện một cách thực chất hơn nữa. Các bộ, ngành và địa phương phải coi đó là nhiệm vụ xuyên suốt để tiến đến mục tiêu tăng trưởng cao và bền vững trong giai đoạn phục hồi của nền kinh tế hiện nay.
Tại Diễn đàn DN Việt Nam (VBF) vừa được tổ chức mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu phải xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, phục hồi nhanh, phát triển bền vững trong bối cảnh “bình thường mới”. Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội với quy mô 350 nghìn tỷ đồng đang được triển khai sẽ tập trung cho các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính như mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh; bảo đảm an sinh xã hội, việc làm; hỗ trợ phục hồi DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng vào các dự án quan trọng, cấp thiết, có tính lan tỏa lớn; cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Hiện Việt Nam đang tập trung cho ba khâu đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực nhằm tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.
Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh phòng chống tiêu cực tham nhũng, làm trong sạch bộ máy, giảm phiền hà cho người dân và DN. Do đó, Thủ tướng giao các bộ, ngành, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu, phản hồi và xử lý các ý kiến, kiến nghị xác đáng của các DN, chuyên gia, các tổ chức, hiệp hội trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, giải quyết những bất cập, hạn chế trong khâu thực thi, tháo gỡ các rào cản về thể chế, quy định pháp luật, hỗ trợ tốt hơn cho cộng đồng DN và các tổ chức quốc tế, thúc đẩy phát triển và phục hồi chuỗi sản xuất.
Vì vậy, để “giữ lửa” cho đà cải cách, nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thì yếu tố quan trọng nhất là phải luôn tạo thuận lợi cho các DN và nền kinh tế nhằm nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh, tận dụng cơ hội tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư hậu COVID-19. Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nhanh chóng sửa đổi ngay những điều kiện kinh doanh đang gây khó cho DN và triển khai nghiêm túc, đầy đủ những nghị quyết về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đã ban hành, nhằm tạo ra những đột phá cho môi trường kinh doanh giai đoạn tới.