Cựu chiến binh trên "mặt trận" kinh tế

08:14, 05/07/2022

Những năm gần đây, bên cạnh công tác xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Đồng Hỷ còn tuyên truyền, vận động hội viên tích cực tham gia các phong trào thi đua. Trong đó, nổi bật là phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” đã góp phần giúp nhiều hộ cán bộ, hội viên CCB vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Hội CCB huyện Đồng Hỷ hiện có gần 5.000 hội viên, tham gia sinh hoạt tại 15 tổ chức hội cơ sở với 142 chi hội. Để thúc đẩy phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, Hội đã xây dựng kế hoạch giảm nghèo theo từng năm; tập trung nguồn vốn chính sách, vốn đóng góp của hội viên để tạo điều kiện cho CCB vay vốn phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, Hội thường xuyên tuyên truyền, vận động hội viên mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật sản xuất, tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện địa phương. Với sự hỗ trợ, động viên của Hội, nhiều CCB đã mạnh dạn đưa những mô hình mới, từng bước áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Ví như CCB Phạm Văn Cương, ở xóm Làng Cháy, xã Khe Mo. Cách đây 5 năm, ông Cương mạnh dạn chuyển 0,3ha đất đồi sang trồng các loại cây ăn quả như: Ổi, bưởi, nhãn; chuyển hơn 0,4ha ruộng trũng, thấp thành ao nuôi cá, tận dụng bờ bãi trống để trồng cỏ làm thức ăn cho cá. Ngoài ra, ông san đất đồi để trồng hơn 0,5ha chè chất lượng cao, nuôi trên 200 thùng ong và trồng 2ha rừng keo… Nhờ năng động trong phát triển kinh tế, mỗi năm, trừ chi phí, vợ chồng ông Cương thu trên 200 triệu đồng.

Hay như CCB Vũ Chí Long, ở tổ 5, thị trấn Sông Cầu lại chia sẻ: Giai đoạn 2004-2009, với 5 lần vay vốn xoay vòng của Chi hội CCB, tôi có nguồn lực để đầu tư chăn nuôi bò. Từ 1 cặp bò ban đầu, đàn bò của tôi phát triển lên hàng chục con, gia đình đã thoát nghèo. Đến năm 2009, tôi chuyển sang nuôi lợn rừng và nuôi hươu. Hơn chục năm nay, đàn hươu của nhà tôi duy trì khoảng gần 20 con. Tùy theo nhu cầu thị trường, tôi cung cấp nhung hươu, thịt hươu và con giống. Từ nuôi hươu, thu nhập của gia đình tôi luôn ổn định từ 300-400 triệu đồng/năm.

Cũng nỗ lực làm giàu chính đáng, CCB Nguyễn Đức Thiện, xóm Na Đành, xã Hóa Trung lại lựa chọn lối đi riêng. Ông đầu tư vào nhiều lĩnh vực: Thành lập công ty chuyên khai thác vật liệu xây dựng; thành lập công ty vệ sĩ, rồi quay về làm các dịch vụ thể thao; ẩm thực... Từ cuối năm 2015 đến nay, được sự ủng hộ giúp đỡ của chính quyền, Hội CCB và người dân địa phương, ông Thiện bỏ vốn xây dựng lò đốt rác, đạt công suất 8 tấn/ngày, vừa giúp tăng thu nhập, tạo việc làm cho lao động địa phương, vừa giúp môi trường xanh, sạch, đẹp.

Và còn rất nhiều tấm gương CCB làm kinh tế giỏi ở Đồng Hỷ, trong số đó, gây ấn tượng mạnh với chúng tôi là nghị lực vượt khó của CCB Hoàng Văn Sính, xóm An Thái, xã Hóa Thượng. Rời quân ngũ năm 1974, thương binh hạng 1/4 Hoàng Văn Sính trở về quê hương với tình trạng mất 1 chân, hỏng 1 mắt, cơ thể nhiễm chất độc hóa học dioxin. Ông xin được vào học nghề tại Trường dạy nghề cho thương binh (tiền thân của Công ty TNHH MTV X20 Thái Nguyên). Đây là ngôi trường chủ yếu dạy nghề cho thương binh và may quân trang phục vụ cho công tác quốc phòng. Với bàn tay khéo léo và nhạy bén với thời cuộc, sau khi học nghề, ông đã mở một tiệm may tại nhà để thêm nguồn thu nhập cho gia đình. Do sản phẩm may đẹp, tiệm may của ông ngày càng đông khách và ngoài sản phẩm là những bộ quân phục, ông may thêm quần áo dân sự để đáp ứng thị hiếu của khách hàng. Việc nhiều, một mình làm không làm xuể, ông phải thuê thêm 20-30 thợ. Ông Sính ưu tiên tuyển những người là hội viên Hội CCB hoặc con em của họ hay những người có hoàn cảnh khó khăn với mong muốn giúp họ có một việc làm ổn định và thêm thu nhập.

Nói về phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, ông Vũ Văn Ân, Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Đồng Hỷ, cho biết: Mỗi CCB chọn một cách “khởi nghiệp” khác nhau, nhưng điểm chung là họ luôn phát huy bản chất “Bộ đội Cụ Hồ”. Phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” đã góp phần tích cực giải quyết hiệu quả bài toán giảm nghèo, nâng cao đời sống, thúc đẩy kinh tế và xây dựng nông thôn mới ở địa phương ngày càng phát triển. Nếu như năm 2017, Hội CCB huyện còn 252 hộ hội viên nghèo (chiếm 5,4%); 265 hộ cận nghèo (chiếm 5,7 %) thì đến hết năm 2021, giảm còn 37 hộ nghèo (chiếm 0,78%); 97 hộ cận nghèo (chiếm 2,07%); số hội viên giàu và khá là 486 hộ, chiếm 9,8%. Đến nay, có 3 xã, thị trấn không còn hộ hội viên CCB nghèo, 5 xã không có hộ hội viên CCB cận nghèo...