Từ nguồn lực của Chương trình hỗ trợ bò cái nuôi sinh sản thuộc Dự án “Phát triển nông thôn miền núi” do Tổ chức Korea Food For the Hungry International (KFHI) tài trợ, nhiều hộ nghèo trên địa bàn huyện Phú Lương đã có thêm điều kiện ổn định kinh tế gia đình và vươn lên thoát nghèo.
Tại địa bàn huyện Phú Lương, Dự án được thực hiện từ năm 2012, ở 4 xã: Ôn Lương, Phủ Lý, Hợp Thành và Phú Đô. Trong đó, Ôn Lương là địa phương có số hộ được hỗ trợ vay bò cái nuôi sinh sản nhiều nhất. Từ năm 2012 đến nay, toàn xã có 77 hộ nghèo được hỗ trợ bò cái giống.
Theo ông Đào Quốc Tấn, Phó Chủ tịch UBND xã Ôn Lương: Cách thức hỗ trợ của Tổ chức KFHI rất thiết thực và sát với nhu cầu sản xuất thực tế của người dân. Vì vậy, khi tham gia Chương trình, bà con đều phấn khởi vì có thêm sinh kế để phát triển kinh tế. Đến nay, 100% hộ được thụ hưởng từ Chương trình hỗ trợ bò cái nuôi sinh sản trên địa bàn xã đã thoát nghèo.
Chị Nguyễn Thị Tâm, xóm Khau Lai, xã Ôn Lương, chia sẻ: Trước đây, kinh tế gia đình tôi chỉ trông chờ vào mấy sào lúa nên thu nhập không cao, đời sống khá khó khăn. Đầu năm 2015, tôi được tham gia Chương trình hỗ trợ bò cái nuôi sinh sản và được vay 1 con bò, hỗ trợ tập huấn quy trình chăn nuôi bò sinh sản. Sau gần 1 năm chăm sóc, con bò đã sinh ra con bê đầu tiên. Con bê này đã được gia đình tôi trả cho Dự án để chuyển giao cho hộ nghèo khác nuôi theo hợp đồng. Sau khi hoàn thành việc trả bò vay, tôi tiếp tục chăm sóc và phối giống cho bò mẹ theo đúng quy trình. Nhờ vậy, từ năm 2016 đến nay, bò mẹ đã sinh được 5 con bê con. Nhờ được hưởng lợi từ Chương trình, gia đình tôi có thêm nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống và vươn lên thoát nghèo.
Chương trình hỗ trợ bò cái nuôi sinh sản được triển khai với cách thức là cho vay bò cái giống. Đối tượng được thụ hưởng là hộ nghèo. Theo đó, mỗi hộ tham gia sẽ được vay 1 con bò cái giống sinh sản từ 8-10 tháng tuổi, khối lượng trung bình từ 110-120kg; tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò cái sinh sản; quy trình trồng cỏ làm thức ăn và cách làm chuồng trại.
Sau khi nhận được bò giống, các hộ phải cam kết chăn nuôi theo quy trình, không được bán hay làm thịt. Sau thời gian nuôi dưỡng, nếu bò mẹ đẻ lứa đầu là bê cái, hộ hưởng lợi sẽ tiếp tục chăm sóc bê con đến 8 tháng tuổi và trả lại cho Dự án để chuyển giao cho hộ nghèo khác nuôi. Trong trường hợp là bê đực, người dân sẽ tiếp tục nuôi đủ 12 tháng, sau đó trả lại cho Dự án. Lúc đó, con bò mẹ chính thức thuộc quyền sở hữu của gia đình.
Theo quy trình như vậy, số lượng bò giống không ngừng được gia tăng, đồng nghĩa với việc ngày càng có thêm nhiều hộ nghèo được tiếp cận bò cái giống để phát triển kinh tế, giảm nghèo. Từ năm 2012 đến nay, Chương trình đã hỗ trợ 153 con bò cái giống cho 153 hộ nghèo. Trong đó, thực cấp 93 con bò giống; số bò còn lại được cấp từ nguồn quỹ thanh lý bò và bò cái luân chuyển thế hệ 2, 3. Đến nay, 100% hộ được hưởng lợi từ Chương trình đã thoát nghèo.
Ông Nguyễn Huy Hà, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Lương - đơn vị thường trực quản lý Dự án, cho biết: Với cách triển khai hiệu quả, khách quan, Chương trình hỗ trợ bò cái sinh sản đã tạo được niềm tin và sự hưởng ứng tích cực của người dân. Từ những hiệu quả thiết thực đó, huyện đang tiếp tục phối hợp với Tổ chức KFHI triển khai nhân rộng Chương trình trên địa bàn xã Yên Trạch. Đến nay, huyện đã phối hợp với chính quyền xã rà soát, lựa chọn các hộ nghèo tham gia Chương trình. Hiện, chúng tôi đang hoàn thiện các thủ tục mua bò giống để bàn giao cho người dân.