Để sản phẩm OCOP “rộng đường” vào siêu thị

Lương Hạnh 15:42, 03/09/2022

Thái Nguyên hiện có 129 sản phẩm OCOP, trong đó có 54 sản phẩm được xếp hạng 3 sao, 73 sản phẩm 4 sao và 2 sản phẩm 5 sao. Thời gian qua, các chủ thể OCOP đã nỗ lực nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, bao bì và tìm giải pháp đưa sản phẩm OCOP vào hệ thống các siêu thị. Hiện nay, một số sản phẩm OCOP của tỉnh đã xuất hiện ở các kênh phân phối hiện đại, như siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng tự chọn… Tuy nhiên, số lượng sản phẩm cũng như diện tích được bày bán còn khá khiêm tốn.

Người tiêu dùng chọn mua ổi Linh Sơn - sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP - tại Siêu thị GO (TP. Thái Nguyên).
Người tiêu dùng chọn mua ổi Linh Sơn - sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP - tại Siêu thị GO (TP. Thái Nguyên).

Chủ động tìm kiếm thị trường

Miến Việt Cường - sản phẩm OCOP 5 sao của HTX miến Việt Cường, ở xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ) hiện đang được bày bán tại một số siêu thị trên địa bàn TP. Thái Nguyên, như Aloha, Lan Chi, Minh Cầu, GO… Anh Nguyễn Văn Ba, Giám đốc HTX chia sẻ: Ngoài việc bán hàng theo phương thức truyền thống, mấy năm gần đây, chúng tôi đã tiếp cận với người tiêu dùng thông qua các trung tâm thương mại, siêu thị trong và ngoài tỉnh. Thông qua giới thiệu, bán sản phẩm tại hệ thống siêu thị, cửa hàng tự chọn, các sản phẩm của HTX đã đến gần hơn với khách hàng và đón nhận sự phản hồi tích cực từ người tiêu dùng. Do vậy, trong năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng HTX vẫn duy trì sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ổn định.

Tương tự, sản phẩm chè của HTX chè Thịnh An, ở thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ) hiện cũng đã có mặt tại một số siêu thị, cửa hàng trong tỉnh. Bà Vũ Thị Thanh Hảo, Giám đốc HTX cho biết: Hiện nay, chúng tôi có 50ha chè được chăm sóc theo quy trình VietGAP, hữu cơ. Đây là điều kiện tiên quyết để sản phẩm của HTX có mặt tại một số siêu thị. Tham gia hợp đồng cung ứng với các siêu thị, ngoài việc bảo đảm chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn theo quy định, chúng tôi còn phải duy trì nguồn hàng ổn định, không để bị “đứt” nguồn cung…

Cùng với chè, miến thì ổi cũng là sản phẩm OCOP đang được bày bán và tiêu thụ khá tốt tại Siêu thị GO Thái Nguyên. Chị Ngô Thị Lý, Giám đốc Siêu thị GO cho biết: Hiện nay, Siêu thị có 4 sản phẩm OCOP của tỉnh Thái Nguyên được bày bán trong cả hệ thống của Tập đoàn Central Retail là ổi Linh Sơn, miến Việt Cường và các sản phẩm chè của HTX chè Thịnh An, Công ty TNHH trà Hùng Thái. Chúng tôi cũng đang đẩy mạnh tìm kiếm, mở rộng thêm các nhà cung cấp tại Thái Nguyên để đưa các sản phẩm như rau, củ, quả… đến với người tiêu dùng, trong đó việc xúc tiến tiêu thụ, quảng bá sản phẩm OCOP là ưu tiên hàng đầu. 

HTX chè La Bằng, ở xã La Bằng (Đại Từ) có sản phẩm Đinh Tâm Trà đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao và Thanh Hải Trà đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao.
HTX chè La Bằng, ở xã La Bằng (Đại Từ) có sản phẩm Đinh Tâm Trà đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao và Thanh Hải Trà đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao.

Số lượng sản phẩm còn ít

Bên cạnh kết quả đạt được, số lượng sản phẩm OCOP của tỉnh được tiêu thụ qua các kênh thương mại hiện đại còn khá khiêm tốn. Tìm hiểu chúng tôi được biết, trong tổng số 129 sản phẩm OCOP được xếp hạng từ 3 đến 5 sao thì mới có khoảng 30 sản phẩm đang được bày bán tại các siêu thị, cửa hàng tự chọn, như: GO, Vinmart, Minh Cầu, Aloha, Lan Chi… (trong đó chủ yếu là sản phẩm chè búp khô, số lượng cũng không nhiều). 

Khảo sát tại nhiều siêu thị trên địa bàn tỉnh, chúng tôi nhận thấy các sản phẩm được tiêu thụ mạnh như thịt gà, thịt lợn, trứng gà, rau, củ, quả và các loại hoa quả tươi (như bưởi, nhãn, dưa hấu…) hầu như được nhập về từ các tỉnh bạn. Trong khi đó, đây lại là những sản phẩm có thế mạnh của Thái Nguyên. 

Lý giải về điều này, chị Phạm Thị Ngọc Hà, quản lý Siêu thị Minh Cầu cho biết: Mặc dù trên địa bàn tỉnh có nhiều HTX, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp nhưng để sản phẩm vào được siêu thị thì cần bảo đảm các tiêu chuẩn theo quy định và cung cấp đủ sản lượng theo yêu cầu. Đơn cử như với sản phẩm rau, ngoài việc thu mua của Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn xóm Cậy, xã Huống Thượng (TP. Thái Nguyên), chúng tôi vẫn phải nhập hàng từ các tỉnh bạn thì mới đủ sản lượng và chủng loại cung ứng theo nhu cầu của người tiêu dùng. Nguyên nhân chính là các sản phẩm của bà con còn mang tính mùa vụ, quy mô sản xuất không lớn, sản lượng lại không đều giữa các tháng trong năm. Ngoài ra, chủ thể tham gia OCOP là các hộ sản xuất, doanh nghiệp, HTX có quy mô sản xuất nhỏ nên rất khó kết nối với các siêu thị và chuỗi bán lẻ.

Có thể thấy, hiện nay, vấn đề tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm OCOP là bài toán được quan tâm nhất, đặc biệt là các thị trường tiêu thụ, kênh bán hàng ổn định, bền vững. Theo đại diện một số siêu thị, trung tâm thương mại, nhiều sản phẩm OCOP của Thái Nguyên có tiềm năng để vào các kênh phân phối này. Tuy nhiên, các bên cần thời gian để đánh giá tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm và lựa chọn các mặt hàng phù hợp với nhu cầu của thị trường thì mới có thể ký kết hợp đồng tiêu thụ…

Mở “đường ra” cho sản phẩm OCOP

Để các sản phẩm OCOP của tỉnh nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường và có chỗ đứng trong các siêu thị, hiện nay, tỉnh đang đẩy mạnh và tạo điều kiện cho các chủ thể tham gia các chương trình quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh. 

Về phía Sở Công Thương đã và đang tích cực triển khai việc kết nối, hỗ trợ để các loại nông sản của tỉnh tham gia vào chuỗi cung ứng của các siêu thị, trung tâm thương mại trong và ngoài tỉnh; tư vấn, hỗ trợ hệ thống kỹ thuật tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm; tổ chức cho các chủ thể OCOP tham gia hội chợ triển lãm, hội nghị, hội thảo trong và ngoài nước. Ngoài ra, Sở tiếp tục đưa sản phẩm na và các loại nông sản có thế mạnh của tỉnh tiêu thụ trên Sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh và các sàn thương mại điện tử khác (như Voso.vn, Postmart.vn…). Cùng với đó, khuyến khích các chủ thể có sản phẩm OCOP hoàn thiện những yêu cầu cần thiết (như tem truy xuất nguồn gốc, hóa đơn và mẫu mã, bao bì sản phẩm) để khi đưa vào hệ thống siêu thị sẽ thu hút được người tiêu dùng.

Theo ông Trần Nho Hưởng, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh: Cùng với hướng dẫn, công nhận sản phẩm OCOP thì việc các ngành chức năng, chính quyền địa phương đẩy mạnh hoạt động kết nối giao thương và đưa sản phẩm vào hệ thống các siêu thị, kênh phân phối hiện đại là giải pháp quan trọng để sản phẩm OCOP có thị trường tiêu thụ ổn định. Về phía các chủ thể OCOP cũng cần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; thực hiện việc đăng ký, công bố chất lượng, an toàn thực phẩm theo quy định; cải tiến, nâng cao chất lượng bao bì, tem nhãn sản phẩm phục vụ nhu cầu ngày càng cao của thị trường...