Gói hỗ trợ lãi suất 2%: Nhiều khó khăn cần tháo gỡ

Thu Hằng 17:59, 01/09/2022

Mặc dù đã 3 tháng triển khai Nghị định số 31/2022/NĐ-CP (NĐ31) ngày 20/5/2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước đối với các khoản vay của doanh nghiệp (DN), hợp tác xã, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, song đến nay toàn tỉnh mới có 3/27 ngân hàng (NH) thực hiện việc hỗ trợ với 10 khách hàng. Còn tính chung cả nước, con số đến giữa tháng 8 mới đạt gần 550 khách hàng, với doanh số cho vay hỗ trợ lãi suất gần 4,1 nghìn tỷ đồng, số tiền hỗ trợ lãi suất chỉ 1 tỷ đồng. Vậy đâu là nguyên nhân?

Hết hoặc sắp chạm “room” tín dụng của nhiều ngân hàng là một trong những khó khăn khi triển khai Nghị định số 31 (ảnh minh họa).
Hết hoặc sắp chạm “room” tín dụng của nhiều ngân hàng là một trong những khó khăn khi triển khai Nghị định số 31 (ảnh minh họa).

Được biết, ngay khi có NĐ31về hỗ trợ 2% lãi suất từ ngân sách nhà nước (với tổng số tiền hỗ trợ lãi suất không vượt quá 40.000 tỉ đồng trong năm 2022 và 2023; trong đó, năm 2022 khoảng 16 nghìn tỷ đồng), cùng ngày, Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư số 03/2022/TT-NHNN để hướng dẫn NH thương mại thực hiện NĐ31.

NĐ31 được kỳ vọng tạo hiệu ứng tích cực cho việc phục hồi tăng trưởng của DN sau đại dịch, giúp DN bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp, từ đó mạnh dạn hơn trong triển khai kế hoạch sản xuất, kinh doanh…

Đối với hệ thống NH, việc triển khai chính sách hiệu quả cũng sẽ góp phần nâng cao hình ảnh, uy tín với khách hàng và nền kinh tế; có cơ hội gia tăng số lượng khách hàng tiềm năng, mở rộng quy mô tổng tài sản, gia tăng hiệu quả hoạt động…

Theo ông Hà Mậu Quý, Giám đốc NHTMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) Chi nhánh Thái Nguyên: Ngay sau khi có chỉ đạo của NHNN và Hội sở chính, đơn vị đã thực hiện đăng ký danh mục khách hàng được hưởng lãi suất hỗ trợ và tính toán dự kiến quy mô hỗ trợ gần 6.500 tỷ đồng dư nợ, tương đương số tiền hỗ trợ dự kiến là 122 tỷ đồng vào năm 2022 và hơn 7.000 tỷ đồng dư nợ, tương đương mức hỗ trợ hơn 140 tỷ đồng vào năm 2023. Tuy nhiên, tính đến ngày 25-8, đơn vị mới phê duyệt hỗ trợ cho 1 khách hàng với doanh số cho vay gần 81 tỷ đồng, số tiền đã hỗ trợ lãi suất là 137 triệu đồng.

Còn theo ông Bùi Trung Dũng, Phó Giám đốc NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Thái Nguyên: Mặc dù Chi nhánh đã thực hiện việc hỗ trợ cho 5 khách hàng, với tổng dư nợ hỗ trợ gần 60 tỷ đồng nhưng trong quá trình triển khai, đơn vị gặp không ít khó khăn và cả lo lắng, nhất là việc xác định đối tượng, khoản vay được hỗ trợ. Đơn cử như 1 DN nhập khẩu ngô, đỗ để sản xuất thức ăn chăn nuôi, theo quy định, nếu đưa vào sản xuất thì mới được hưởng hỗ trợ, còn nếu đưa vào thương mại (để bán) thì không. Vậy, quản lý thế nào đối với việc này; làm sao để xác định được có bao nhiêu ngô, đỗ được đưa vào sản xuất; bao nhiêu đưa vào thương mại? Trong khi đó, theo quy định, nếu hỗ trợ không đúng đối tượng thì NH thực hiện việc hỗ trợ phải hoàn trả ngân sách nhà nước…

Cũng chung nhận định “rất khó khăn”, theo lãnh đạo một chi nhánh Vietinbank trên địa bàn tỉnh: Hiện đơn vị cũng chưa thực hiện hỗ trợ được khách hàng nào, mặc dù đối tượng khá nhiều. Đơn vị rất lo hồ sơ của khách hàng được NH chấp nhận, nhưng có thể lại không được cơ quan thanh tra, kiểm toán đồng ý. Bởi không phải báo cáo nào của DN cũng chuẩn chỉ. Trong trường hợp DN nhận hỗ trợ rồi, sau đó vì một lý do nào đó mà ngừng hoạt động hoặc phá sản, vậy lúc đó sẽ xử lý ra sao, trách nhiệm của NH đến đâu? Vì tiền hỗ trợ là từ tiền ngân sách nên các quy trình, quy định rất khắt khe.

Sản xuất nông, lâm, nghiệp thủy sản tuy nằm trong lĩnh vực được hỗ trợ nhưng nếu là khách hàng cá nhân thì không được hưởng (ảnh minh họa).
Sản xuất nông, lâm, nghiệp thủy sản tuy nằm trong lĩnh vực được hỗ trợ nhưng nếu là khách hàng cá nhân thì không được hưởng (ảnh minh họa).

Ngoài những khó khăn nêu trên, theo đại diện một số NH trên địa bàn tỉnh, còn nhiều khó khăn khác khiến việc triển khai hỗ trợ gặp khó khăn, như: Chỉ hỗ trợ đối với những khách hàng có khả năng trả nợ đầy đủ khi đến hạn (khách hàng tốt), khách hàng khôi phục sản xuất, kinh doanh…

Vậy, thế nào là khách hàng tốt? Hôm nay họ tốt, mai họ khó khăn thì sao? Đối tượng được thụ hưởng rất rộng, việc áp dụng có thể không thống nhất. Cùng với đó, hạn mức tín dụng cho vay của nhiều NH đã chạm ngưỡng được tạm giao, trong khi NHNN lại chưa đồng ý tăng thêm.

Đó là chưa kể một số chương trình hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước mà các NHTN thực hiện từ nhiều năm trước vẫn chưa được quyết toán số tiền đã hỗ trợ lãi suất cho khách hàng.

Còn về phía khách hàng, nhất là DN, không ít người có tâm lý e ngại khi được nhận hỗ trợ sau đó lại phải thực hiện thủ tục thanh tra, kiểm toán của cơ quan có thẩm quyền.

Trước thực tế này, đại diện nhiều NH trên địa bàn tỉnh đề nghị: NHNN cần có hướng dẫn cụ thể hơn về đối tượng hưởng hỗ trợ; sớm xem xét nới “room” tín dụng đối với hệ thống NH, đặc biệt là đối với các hệ thống có quy mô hỗ trợ dự kiến lớn; quy định khách hàng được hưởng hỗ trợ phải thực hiện cam kết, nếu thực hiện kê khai sai sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự, nhằm nâng cao trách nhiệm, ý thức cho người được hỗ trợ.

Cùng với đó, các cơ quan chức năng của tỉnh sớm thực hiện việc thanh, kiểm tra các khoản được hỗ trợ để NH đã thực hiện hỗ trợ biết mình làm có sai không, sai ở đâu.

Vẫn biết, chính sách dù tốt đến mấy nhưng khi triển khai trên thực tế cũng thường có độ trễ nhất định. Tuy nhiên, trước nhiều khó khăn kể trên, các NH rất cần sự quan tâm, giải quyết của NHNN, sự phối hợp của các cơ quan chức năng để việc triển khai NĐ31 mang lại hiệu quả thiết thực, đạt được mục tiêu đã đề ra.

Được biết, ngày 26-8 vừa qua, Thống đốc NHNN đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc để giải đáp, tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai NĐ31. Thống đốc NHNN mong muốn ngành NH cùng các bộ, ngành sẽ vào cuộc mạnh mẽ, đồng thuận hơn nữa. NHNN sẽ có văn bản đề nghị các địa phương đồng hành, hỗ trợ tích cực để giải quyết những khó khăn trong triển khai gói hỗ trợ này.