Trong những năm qua, các chủ thể OCOP tại Thái Nguyên đã triển khai ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần xây dựng và phát triển thương hiệu. Cùng với đó, hoạt động quảng bá sản phẩm, giao thương qua kênh thương mại điện tử cũng được các đơn vị chú trọng khai thác để mở rộng thị trường tiêu thụ.
Các sản phẩm chè của Thái Nguyên được bày bán tại Siêu thị GO!, ở phường Tân Lập (TP. Thái Nguyên). |
Là đơn vị chuyên sản xuất tinh bột từ các loại rau như: Cải bó xôi, diếp cá, cần tây, cải xoăn, bột trà xanh matcha…, thời gian qua, Công ty TNHH Sản xuất và Phát triển thương mại Nguyên Việt, ở xã Minh Đức (TP. Phổ Yên) đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để bắt nhịp chuyển đổi số.
Anh Bùi Minh Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Phát triển thương mại Nguyên Việt, cho biết: Hiện nay, tinh bột rau diếp cá của Công ty đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Cùng với phương thức bán hàng truyền thống, chúng tôi cũng đẩy mạnh việc giới thiệu, quảng bá về sản phẩm OCOP và bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội… Do vậy, sản phẩm của Công ty không chỉ được tiêu thụ trên toàn quốc, mà đã xuất khẩu sang nhiều nước trong khu vực.
Tương tự, đối với Hợp tác xã chè Hảo Đạt, ở xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên), đơn vị đã mạnh dạn đầu tư lập website nhằm quảng bá sản phẩm chè OCOP 5 sao. Ngoài ra, Hợp tác xã còn tham gia xây dựng và được cấp mã số vùng trồng chè; quản lý và cập nhật đầy đủ quy trình sản xuất, vật tư đầu vào, đầu ra, thống kê các sản phẩm; tem truy xuất nguồn gốc QR trên website. Qua đó, đảm bảo người tiêu dùng có thể kiểm tra đầy đủ thông tin về nguồn gốc xuất xứ khi tìm hiểu và mua sản phẩm trên các sàn thường mại điện tử.
Theo bà Đào Thị Hảo, Giám đốc Hợp tác xã chè Hảo Đạt: Sau khi dịch COVID-19 xuất hiện và bùng phát, việc bán hàng qua các kênh thương mại điện tử dần chiếm ưu thế. Vì vậy, ngoài đầu tư nhân lực sản xuất trực tiếp, đơn vị cũng tập trung đầu tư nhân lực phụ trách mảng tiếp nhận và xử lý đơn hàng.
Qua tìm hiểu chúng tôi nhận thấy, thời gian qua, bên cạnh sự đầu tư của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, việc phát triển kênh tiêu thụ qua sàn thương mại điện tử cũng được các cơ quan chức năng của tỉnh chú trọng triển khai.
Ông Nguyễn Công Dũng, Trưởng phòng Hành chính - Tổng hợp, Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh, chia sẻ: Trong năm 2022, chúng tôi đã tổ chức các lớp tập huấn về các giải pháp livestream và bán hàng trên Tiktok shop cho trên 100 lượt chủ thể sản phẩm OCOP. Ngoài ra, chúng tôi cũng phối hợp với các cơ quan chuyên môn hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã đăng tải, vận hành gian hàng trên các sàn thương mại điện tử như: Sendo, Voso, Postmart, Shopee… để quảng bá sản phẩm.
Đối với Sở Công Thương, đơn vị cũng đã hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã áp dụng các giải pháp công nghệ như tem điện tử, hóa đơn điện tử, công nghệ mã vạch, QR Code... Ngoài ra, Sở cũng tiếp tục duy trì, vận hành, nâng cấp và bổ sung tính năng hoạt động cho Sàn giao dịch thương mại điện tử có địa chỉ https://thainguyentrade.gov.vn, giúp Sàn hoạt động ổn định, hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, hợp tác xã và người tiêu dùng.
Thái Nguyên hiện có 129 sản phẩm OCOP, trong đó có hai sản phẩm 5 sao, 73 sản phẩm 4 sao, còn lại là 3 sao. Thời gian qua, đã có hơn 60.000 hộ sản xuất nông nghiệp mở gian hàng, với khoảng 1.500 sản phẩm được bán trên sàn thương mại điện tử Postmart. Các sản phẩm OCOP của Thái Nguyên cũng đang tiếp cận và khẳng định lên “sàn” là nhiệm vụ hàng đầu để mở rộng thị trường. Nhiều cơ sở sản xuất đã mạnh dạn đầu tư chi phí để lập fanpage, website, chạy quảng cáo trên các mạng xã hội…
Thông qua các trang thương mại điện tử, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng sẽ nắm bắt được những thông tin phong phú về thị trường, giảm chi phí tiếp thị, giao dịch, nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin