Hiện đại hóa công nghệ truyền thống trong các làng nghề

Vi Vân 07:25, 23/11/2022

Nhằm đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách hàng, những năm gần đây, các làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện Phú Bình đã chủ động đầu tư thiết bị, máy móc hiện đại phục vụ sản xuất. Qua đó góp phần nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm và thu nhập cho các hộ dân trong làng nghề.

Gia đình ông Dương Đình Tuyến, ở xóm Tân Sơn 8, xã Xuân Phương (Phú Bình) đã đầu tư 700 triệu đồng để mua 4 máy đục gỗ vi tính, phục vụ sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ.

Có dịp ghé thăm Làng nghề mộc mỹ nghệ Phương Độ, ở xóm Tân Sơn 8, xã Xuân Phương, chúng tôi nhận thấy nhiều cơ sở đầu tư hệ thống máy móc hiện đại phục vụ quy trình sản xuất đồ gỗ.

Ông Dương Đình Hiệp, Trưởng Ban Quản lý Làng nghề, thông tin: Làng nghề hiện có 58 hộ, với khoảng 230 lao động tham gia sản xuất, kinh doanh. Trước đây, để sản xuất các sản phẩm bàn ghế, tủ thờ, giường, kệ… người thợ mộc mất rất nhiều công sức và thời gian, tùy thuộc vào độ tinh xảo của từng sản phẩm. Vì các công đoạn đều được làm một cách thủ công, không có máy móc hỗ trợ. Khoảng 5 năm trở lại đây, với sự ra đời của nhiều loại máy móc tiên tiến, chúng tôi đã vận động các hộ dân trong làng nghề đầu tư thiết bị hiện đại vào sản xuất.

Là người có kinh nghiệm sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ đã 30 năm nay, ông Dương Đình Tuyến, cơ sở sản xuất đồ gỗ Tuyến Liễu, thuộc Làng nghề mộc mỹ nghệ Phương Độ, chia sẻ: Trước yêu cầu ngày càng cao của khách hàng, nếu các cơ sở sản xuất đồ mộc mỹ nghệ không cải tiến thiết bị, máy móc sẽ không thích ứng được với thị trường. Do đó, năm 2017, tôi đã mạnh dạn đầu tư 700 triệu đồng để mua 4 máy đục vi tính, không những phục vụ sản xuất tại gia đình mà còn "chạy" thuê cho các cơ sở khác có nhu cầu. Nhờ có những máy đục vi tính này, thời gian để làm ra một sản phẩm nhanh hơn gấp 5 lần so với trước đây, độ chính xác của sản phẩm cao hơn…

Đến nay, Làng nghề mộc mỹ nghệ Phương Độ đã có 18 máy đục gỗ CNC (máy gia công tự động được điều khiển bằng máy tính theo lập trình có sẵn, dùng để khắc các sản phẩm từ gỗ); 3 máy xẻ gỗ… Việc đầu tư máy móc cũng giúp các hộ phục vụ nhu cầu của khách hàng nhanh chóng hơn, tạo điều kiện mở rộng thị trường kinh doanh. Doanh thu của Làng nghề hiện đạt trên 60 tỷ đồng/năm. Trung bình mỗi hộ bán khoảng 50 sản phẩm/năm, với giá trung bình 22 triệu đồng/sản phẩm. 

5 năm trở lại đây, gia đình ông Dương Văn Đây, ở xóm Ngoài, xã Úc Kỳ (Phú Bình) đã đầu tư tủ nấu cơm, rang đỗ để phục vụ sản xuất tương.

Còn tại Làng nghề mộc mỹ nghệ An Châu, xã Nga My (Phú Bình), ông Tạ Văn Hưng, Trưởng làng nghề, cho biết: Trước đây, để làm các mặt hàng giả cổ từ gỗ như nhà cổ, đồ thờ, sập, trường kỷ…, chúng tôi phải đục bằng tay, có khi vài tháng mới xong một sản phẩm. Nhưng những năm gần đây, một số hộ dân đã chủ động đầu tư máy móc hiện đại phục vụ sản xuất. Hiện, Làng nghề có 6 máy đục CNC, 12 máy xẻ gỗ... Máy móc không những “giải phóng” sức lao động của thợ mà còn góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

Không chỉ các làng nghề mộc mỹ nghệ, nhiều hộ làm tương tại Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, xã Úc Kỳ (Phú Bình) cũng mạnh dạn đầu tư các thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất. Ông Dương Văn Đây, hộ làm tương ở xóm Ngoài, cho hay: 5 năm trước, gia đình tôi đã đầu tư 1 tủ nấu cơm (nấu được 40kg gạo/lần), 1 tủ rang đỗ (rang 20kg đỗ/mẻ). Nhờ đó, các công đoạn làm tương của gia đình được rút ngắn cũng như đảm bảo về chất lượng. Hiện nay, trung bình mỗi năm, gia đình tôi sản xuất được khoảng 70.000-80.000 lít tương, thu lãi từ 250-300 triệu đồng/năm. 

Các làng nghề trên địa bàn huyện Phú Bình hiện có 300 hộ tham gia sản xuất, kinh doanh; đảm bảo việc làm cho khoảng 1.000 lao động tại địa phương. Mức thu nhập trung bình đạt từ 12-15 triệu đồng/người/tháng đối với thành viên tham gia sản xuất tại làng nghề mộc mỹ nghệ; 10-12 triệu đồng/người/tháng đối với thành viên tham gia sản xuất tại Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ…

Huyện Phú Bình hiện có 9 làng nghề được UBND tỉnh công nhận. Ngoài 3 làng nghề chè ở các xóm: Cả, Kê và Na Ri (xã Tân Khánh) hiện không phát triển do thiếu lao động, các làng nghề còn lại là: Làng nghề mộc mỹ nghệ Phương Độ (xã Xuân Phương); Làng nghề mộc mỹ nghệ An Châu (xã Nga My); Làng nghề mộc mỹ nghệ Phú Lâm (xã Kha Sơn); Làng nghề chăn nuôi và chế biến các sản phẩm từ ngựa (xã Dương Thành); Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ (xã Úc Kỳ)… đều phát triển. 

Từ thực tế có thể thấy, với việc sử dụng hợp lý các máy móc hiện đại vào sản xuất, cùng sự sáng tạo của nghệ nhân, tính truyền thống trong các làng nghề tại Phú Bình vẫn được bảo tồn và phát triển. Song song với đó, việc áp dụng khoa học kỹ thuật cũng giúp công việc sản xuất trong làng nghề phát triển mạnh hơn, với sản lượng tăng cao, sản phẩm phong phú hơn, xuất hiện nhiều sản phẩm mới. Từ đó, năng suất lao động được nâng cao, thu nhập của người thợ thủ công cũng tăng lên. Nhiều làng nghề đã "bật" lên so với giai đoạn trước đó. 

Điều này cũng chứng tỏ, nhiều hộ dân tại các làng nghề trên địa bàn huyện Phú Bình đã dần thích ứng với thị trường, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu ngày càng cao của khách hàng trong và ngoài tỉnh; từng bước nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm; tăng năng suất lao động, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất… Qua đó, góp phần gìn giữ, phát triển các nghề truyền thống và làng nghề.