Cuộc sống mới ở Lát Đá

Trịnh Phương 08:18, 28/12/2022

Những năm qua, người dân xóm Lát Đá, xã Bình Sơn (TP. Sông Công) đã phát huy tinh thần đoàn kết, vượt khó vươn lên xây dựng cuộc sống mới. Từ một xóm nghèo, Lát Đá trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Tuyến đường trục ở xóm Lát Đá với chiều dài gần 600m đang được đổ bê tông, đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa của nhân dân.
Tuyến đường trục ở xóm Lát Đá với chiều dài gần 600m đang được đổ bê tông, đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa của nhân dân.

Vươn lên từ nội lực

Xóm Lát Đá hiện có 90 hộ dân, trên 400 nhân khẩu, trong đó trên 95% là người dân tộc Sán Dìu. Theo ông Trần Văn Quốc, Trưởng xóm Lát Đá: Dù cách trung tâm xã không xa, song Lát Đá có địa hình phức tạp, dân cư sinh sống thưa thớt, phát triển kinh tế còn hạn chế do thiếu vốn, kỹ thuật và giao thông đi lại khó khăn. Vì thế, tỷ lệ hộ nghèo của xóm luôn ở mức cao. Những năm gần đây, cùng với sự quan tâm của Nhà nước, các cấp chính quyền thông qua những chương trình, dự án giảm nghèo, nhân dân trong xóm cũng đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khai thác thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế gia đình.

Xác định rừng là một trong những lợi thế để phát triển kinh tế, hằng năm, bà con xóm Lát Đá đã tập trung mở rộng diện tích trồng rừng với những loại cây có năng suất, chất lượng cao. Toàn bộ diện tích rừng trồng bạch đàn năng suất kém trước đây đã được thay thế bằng giống keo lai, với tổng diện tích hơn 100ha. Theo tính toán, sau 6-7 năm trồng, mỗi hecta rừng mang lại doanh thu từ 90-100 triệu đồng, góp phần giải quyết việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương. Nguồn lợi từ rừng mang lại không chỉ giúp nhiều hộ thoát nghèo mà một số gia đình còn vươn lên có cuộc sống khấm khá.

Điển hình phải kể đến hộ ông Trần Văn Mạnh. Nhờ trồng rừng, gia đình ông đã thoát nghèo, xây dựng được nhà ở khang trang, kiên cố. Ông Mạnh chia sẻ: Vào mỗi vụ trồng rừng mới, gia đình tôi đều được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí để mua cây giống. Nhờ đó, diện tích rừng của gia đình đã được nhân rộng lên 2ha. Trong quá trình trồng, chăm sóc, tôi được cán bộ nông, lâm nghiệp của xã hướng dẫn, tư vấn tận tình theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây. Sau mỗi vụ thu hoạch, chất lượng cây rừng luôn đảm bảo, cho thu nhập ổn định.

Cùng với kinh tế rừng, các mô hình chăn nuôi gà, lợn, nuôi ong lấy mật... ở Lát Đá cũng từng bước phát triển. Đặc biệt, bà con đã mạnh dạn chuyển hướng từ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ sang phát triển trang trại liên kết với các doanh nghiệp (hình thức chăn nuôi gia công). Chăn nuôi theo hình thức này, người dân không những hạn chế được rủi ro về dịch bệnh, đầu ra mà còn yên tâm khi giá cả sản phẩm luôn ổn định.

Toàn xóm hiện có 5 trạng trại gà (quy mô hơn 1.000m2/trang trại), thu nhập bình quân đạt trên 500 triệu đồng/năm/trang trại. Hằng năm, cùng với hỗ trợ bà con tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, TP. Sông Công và xã Bình Sơn cũng tích cực tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật giúp người dân yên tâm phát triển kinh tế, chăn nuôi hiệu quả.

Nuôi ong lấy mật là một trong những hướng phát triển kinh tế gia đình đang được xóm Lát Đá nhân rộng.
Nuôi ong lấy mật là một trong những hướng phát triển kinh tế gia đình đang được người dân xóm Lát Đá nhân rộng.

Diện mạo mới nơi vùng khó

Theo ông Nguyễn Hoài Phương, Chủ tịch UBND xã Bình Sơn: Với đặc thù có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, những năm qua, xã đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân Lát Đá thay đổi tập quán canh tác, bài trừ hủ tục lạc hậu; tích cực xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ hộ nghèo vươn lên bằng các mô hình kinh tế phù hợp, hiệu quả…

Với những giải pháp phù hợp cùng sự nỗ lực của người dân, diện mạo Lát Đá đang dần thay đổi, cuộc sống ấm no đã bao trùm khắp xóm làng. Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của xóm ước đạt 50 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 3,3% (năm 2015 là 8%); gần 100% hộ dân trong xóm có xe máy, ti vi và mua sắm được các tiện nghi hiện đại phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình; 100% hộ đã xây được nhà kiên cố và bán kiên cố...

Đặc biệt, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, cơ sở hạ tầng của Lát Đá từng bước được hoàn thiện. Tỷ lệ đường giao thông được cứng hóa đạt 95%; các công trình công cộng được đầu tư xây dựng khang trang; vệ sinh môi trường được đảm bảo…

Năm 2023, xóm Lát Đá phấn đấu thu nhập bình quân đầu người đạt 55 triệu đồng/người/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 2%; 100% hộ dân đạt danh hiệu Gia đình văn hóa…

Vui mừng khi tuyến đường trục xóm (dài gần 600m) đang được hoàn thành, ông Trương Văn Tư, người dân xóm Lát Đá, hào hứng: Cách đây 5 năm, tuyến đường này chỉ rộng chừng 2,5m, lởm chởm sỏi đá nên việc đi lại, giao thương của bà con gặp khó khăn. Năm 2022, xóm được Nhà nước hỗ trợ xi măng để nâng cấp, mở rộng mặt đường lên 5m, bà con ai nấy cũng phấn khởi, đồng thuận mỗi nhân khẩu đóng góp 300 nghìn đồng và ngày công lao động để thực hiện. Đặc biệt, các hộ dân hai bên đường đã tự nguyện hiến hàng trăm mét vuông đất để mở rộng đường.

Rời Lát Đá, chúng tôi như cảm nhận rõ hơn luồng sinh khí mới đang bừng trỗi dậy. Ở Lát Đá, cái khó, cái nghèo dần được đẩy lùi, cuộc sống sung túc đang đến gần hơn với bà con. Với sự quan tâm của Nhà nước, cùng tinh thần cần cù, chịu khó của người dân và phát huy những thế mạnh của xóm, chúng ta có thể tin tưởng rằng thời gian tới, Lát Đá sẽ còn có những thay đổi ấn tượng, ngày càng giàu đẹp, phát triển hơn.