Những năm qua, nguồn vốn chương trình tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) triển khai đến đúng đối tượng đã góp phần giúp các hộ dân trên địa bàn huyện Phú Lương vươn lên phát triển kinh tế. Để có được kết quả đó, có sự đóng góp không nhỏ của các tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, họ là những người luôn sát cánh cùng bà con trong quá trình tiếp cận và sử dụng đồng vốn.
Chị Lã Thị Lền (áo xanh) cùng thành viên Tổ tiết kiệm và vay vốn xóm Làng Trò, xã Phấn Mễ (Phú Lương) trao đổi kinh nghiệm sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích để phát triển kinh tế gia đình. |
Mặc dù mới gắn bó với hoạt động của NHCSXH huyện Phú Lương được 2 năm, nhưng chị Lã Thị Lền, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn xóm Làng Trò, xã Phấn Mễ (Phú Lương), được bà con nhân dân hết mực tin tưởng và yêu mến.
Những ngày đầu nhận nhiệm vụ, chị Lền còn bỡ ngỡ, khó khăn trong việc ghi chép hồ sơ và nắm bắt các nghiệp vụ của Ngân hàng. Nhưng qua các lớp tập huấn và được sự giúp đỡ, hướng dẫn nhiệt tình của cán bộ tín dụng phụ trách địa bàn, chị Lền đã quen dần và hiểu được rất nhanh các nghiệp vụ quản lý, vay vốn của NHCSXH.
Kết quả đến nay, Tổ tiết kiệm và vay vốn do chị Lền quản lý có 60 thành viên, với 40 thành viên đang vay vốn, tổng dư nợ gần 1,7 tỷ đồng. Trong đó gồm nhiều chương trình vay vốn của NHCSXH như: cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, giải quyết việc làm, chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường…
Nói về những đóng góp của chị Lền với hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn, chị Dương Thị Hiên, xóm Làng Trò, xã Phấn Mễ, chia sẻ: Không chỉ năng động, nhiệt tình trong công tác vay vốn của Tổ, chị Lền còn chịu khó học hỏi, sâu sát với từng thành viên để kịp thời giúp các hộ gia đình khó khăn được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi sớm nhất. Từ đó, giúp các hộ có thêm điều kiện để phát triển kinh tế.
Đối với chị Nguyễn Thị Hạnh, năm 2019, chị được bà con nhân dân xóm Cọ 1, xã Phấn Mễ tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn. Nhận nhiệm vụ mới, chị Hạnh luôn xác định, Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động hiệu quả không chỉ là “cánh tay nối dài” của NHCSXH, giúp chuyển nguồn vốn chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, mà còn giúp bà con tính toán, trao đổi kinh nghiệm sản xuất kinh doanh, cách sử dụng vốn vay hiệu quả.
Chị Hạnh cho hay: Thời gian đầu, với vai trò là Tổ trưởng, tôi gặp không ít khó khăn, do nhận thức của các thành viên trong Tổ về vay vốn ưu đãi và sử dụng vốn vay còn hạn chế. Nhiều hộ nghèo không dám vay vì sợ không trả được nợ gốc và lãi cho ngân hàng. Tôi luôn suy nghĩ là phải làm sao vận động các hộ gia đình trong xóm hiểu được cách sử dụng đồng vốn ưu đãi đúng mục đích, có hiệu quả để từ đó, tích cực tham gia vào Tổ tiết kiệm và vay vốn.
Trong quá trình bình xét cho vay, chị Hạnh tôn trọng các thành viên trong Tổ, lấy ý kiến công khai. Đồng thời, phân tích để các thành viên hiểu từng trường hợp, hoàn cảnh khó khăn cần ưu tiên cho vay với nguồn vốn cao nhất. Sau khi giải ngân, chị cũng không bỏ mặc các hộ tự tìm hướng phát triển kinh tế mà thường xuyên bám sát, gần gũi, động viên các thành viên tham gia lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, định hướng những mô hình phát triển kinh tế phù hợp. Nhờ đó, các hộ thuộc Tổ do chị Hạnh quản lý giờ đã có cuộc sống ổn định hơn so với trước khi được tiếp nhận nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH.
Chị Lền, chị Hạnh chỉ là hai trong rất nhiều tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn huyện Phú Lương có tinh thần trách nhiệm cao, tận tâm, nhiệt huyết với hoạt động được NHCSXH huyện Phú Lương ủy nhiệm. Hoạt động của các tổ trưởng đã góp phần tích cực đưa nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ đến với đối tượng thụ hưởng, góp phần cùng chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin