Thời gian qua, khu vực kinh tế tập thể của tỉnh nói chung, các hợp tác xã (HTX) nói riêng đang có sự lớn mạnh đáng kể về cả số lượng và chất lượng. Thế nhưng, bên cạnh những HTX đã xây dựng được thương hiệu, vận hành hiệu quả thì vẫn còn không ít đơn vị đang loay hoay tìm và giữ chân người tài.
Mức thu nhập còn hạn chế khiến phần lớn người lao động chưa mặn mà với kinh tế tập thể, HTX (ảnh mang tính chất minh họa). |
Với ngành nghề kinh doanh đa dạng, doanh thu trung bình đạt khoảng 1,5 tỷ đồng/tháng, vậy nhưng, từ khi thành lập (năm 2019) đến nay, HTX Nông nghiệp xây dựng Đông Bắc, ở xã Tân Linh (Đại Từ) vẫn chưa tìm được nhân viên kế toán phù hợp.
Anh Nguyễn Văn Quảng, Giám đốc HTX, chia sẻ: Để khắc phục, chúng tôi đang thuê 2 nhân viên hợp đồng thời vụ làm kế toán kho, xử lý các nội dung về thuế, theo dõi công nợ. Song, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời, bởi nhiều khi rất khó trao đổi, xử lý công việc khi nhân viên không có mặt tại HTX.
Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt của thị trường như hiện nay, các HTX không chỉ chú tâm vào sản xuất sản phẩm, mà còn phải năng động trong khâu tìm kiếm thị trường, xúc tiến thương mại, đầu tư cải tiến mẫu mã... Do vậy, rất cần nhân lực chất lượng cao. Hiện nay, tỷ lệ nhân lực đang tham gia công tác quản lý trong các HTX (gồm HĐQT, giám đốc, phó giám đốc, thành viên ban kiểm soát...) có trình độ chuyên môn từ Cao đẳng trở lên cũng chỉ chiếm trên 7%. Ngoài ra, nguồn nhân lực này đều có độ tuổi trung bình khá cao. Điều này chi phối khả năng tiếp nhận khoa học - công nghệ.
Ông Ma Tiến Kốp, Phó phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Lương, cho biết: Nguyên nhân khiến người lao động chưa mặn mà với HTX là vì đa số các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, đòi hỏi nhiều thời gian lao động, tâm huyết, trong khi thu nhập lại không cao (3-4,5 triệu đồng/người/tháng). Đặc biệt, những năm gần đây, thị trường bao tiêu sản phẩm bấp bênh cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của người dân khi tham gia sản xuất nông nghiệp.
Một nguyên nhân nữa khiến các HTX khó thu hút nguồn nhân lực trẻ về làm việc là do ở một số địa phương, hay ngay tại HTX không đáp ứng ngành nghề mà người lao động được đào tạo. Chính vì vậy, nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp thường phải tìm kiếm cơ hội ở các thành phần kinh tế khác. Thêm vào đó, sự phát triển nhanh chóng của các khu, cụm công nghiệp, nhà máy đã “hút” khá nhiều lực lượng lao động trẻ.
Để hỗ trợ các HTX, thực hiện Đề án phát triển kinh tế tập thể, từ năm 2017 đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều giải pháp thiết thực, trong đó có chính sách hỗ trợ thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Cán bộ được thu hút về làm việc phải đảm bảo các điều kiện, như: Tốt nghiệp từ hệ Cao đẳng trở lên, trình độ chuyên môn phù hợp với ngành nghề kinh doanh của HTX, tuổi đời không quá 40, sức khỏe tốt, cam kết làm việc lâu dài cho HTX. Mức hỗ trợ theo mức lương tối thiểu vùng, trung bình khoảng 3 triệu đồng/người/tháng; thời gian hỗ trợ tối đa là 36 tháng.
Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có 36 người là cán bộ, nhân viên thuộc 34 HTX được nhận hỗ trợ từ chính sách này. Năm 2022, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục đề nghị phê duyệt hỗ trợ thêm 10 HTX trên địa bàn. Tuy vậy, con số này vẫn còn khá khiêm tốn so với nhu cầu hỗ trợ lao động của các HTX.
Anh Dương Đình Quang, Giám đốc HTX Nông nghiệp Quang Hà (Phú Bình), cho hay: HTX hiện có 25 thành viên và người lao động, cùng trên 100 hộ dân liên kết. Chúng tôi đang cần tuyển thêm nhân viên làm thị trường, xúc tiến thương mại. Với vị trí này, mức lương thường dao động từ 10 đến 12 triệu đồng/người/tháng, do vậy, HTX mong muốn được hỗ trợ để có thêm điều kiện tuyển dụng.
Thực tế, chính sách của Nhà nước, địa phương cũng chỉ là động lực hỗ trợ HTX trong giai đoạn nhất định. Về lâu dài, HTX cần chủ động tạo dựng môi trường làm việc tốt mới có thể thu hút và giữ chân các trí thức trẻ lâu dài. Từ đó, thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển bền vững, trở thành trụ cột của nền kinh tế địa phương.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin