"Chất" như nông sản ATK

Hoàng Anh 09:14, 21/01/2023

Không chỉ duy trì những sản phẩm truyền thống, Tết này, một số làng nghề, cơ sở sản xuất, chế biến nông sản ở huyện miền núi Định Hóa còn tạo ra những sản phẩm mới, lạ để cung cấp ra thị trường. Nhờ nét đặc trưng, có uy tín, thương hiệu nên sản phẩm làm ra dù nhiều đến đâu cũng chỉ đủ đáp ứng các đơn hàng đã đặt trước.

Mỳ ngũ sắc - sản phẩm mới, đặc trưng của Cơ sở sản xuất mỳ gạo Xoan Hạnh, ở xã Trung Lương.

Đến Cơ sở sản xuất mỳ gạo Xoan Hạnh, ở xóm Tân Lợi, xã Trung Lương, nhìn từ ngoài vào, chúng tôi đã thấy những sào mỳ bắt mắt, đủ loại màu sắc đang hong trong nắng, gió. Tuy đã là những ngày giáp Tết Nguyên đán nhưng những nhân công ở đây đang tất bật với công việc. Người nhào bột, người thì bưng bê… Máy nghiền bột, máy ép sợi vẫn nổ đều, tuôn ra những sợi mỳ đều tăm tắp. Còn ở gian phòng khách của ngôi nhà 2 tầng, nhân công cũng đang khẩn trương cân mỳ, đóng gói và dán tem mác cho mỗi túi sản phẩm.

Bà Ma Thị Chanh, phụ trách Cơ sở sản xuất mỳ gạo Xoan Hạnh, phấn khởi: Nhà tôi làm mỳ gạo bao thai đã nhiều năm, nhưng chỉ là mỳ trắng. Sang năm nay, gia đình đã nghiên cứu, thử nghiệm thành công và chính thức sản xuất thêm mỳ ngũ sắc từ gạo và các loại rau, củ, quả để tạo điểm khác biệt, nhất là cho thị trường Tết Nguyên đán. Trung bình mỗi tháng, cơ sở sản xuất được 2,5-3 tấn mỳ thành phẩm. Do đã có uy tín nên từ khoảng tháng 10/2022 Âm lịch, gia đình chỉ tập trung làm hàng để trả đơn mà khách đã đặt trước.

Đến bên những sào mỳ đầy màu sắc, bà Chanh giới thiệu: Mỳ đỏ được làm từ gạo bao thai và thịt quả gấc, còn những màu khác như xanh, vàng, tím… thì được làm từ gạo và các loại củ, quả như bí đỏ, hoa đậu biếc, gạo lứt, rau chùm ngây. Tất cả đều từ nông sản an toàn mà bà con địa phương làm ra, không có chất bảo quản. Mỳ gạo ngũ sắc không chỉ mang nét đặc trưng của Định Hóa mà còn rất phù hợp, bắt mắt và hấp dẫn trên mâm cỗ ngày Tết. Chúng tôi cũng đã làm hồ sơ đăng ký sản phẩm OCOP trong năm 2023.

Thành viên Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Phú Hội, xã Sơn Phú (Định Hóa) đóng gói sản phẩm chè phục vụ thị trường Tết.

Rời Trung Lương, chúng tôi đến xóm Đình Phỉnh, xã Phượng Tiến, nơi có cơ sở sản xuất mỳ gạo có tuổi đời gần 10 năm của anh Nguyễn Hoàng Long. Gia đình anh Long chuyên làm mỳ, bún từ gạo bao thai Định Hóa. Sản phẩm của anh được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến.

Anh Long chia sẻ: Định Hóa có đặc sản gạo bao thai và cũng đã có rất nhiều cơ sở sản xuất mỳ từ loại gạo này. Tuy nhiên, sản phẩm này vẫn luôn đắt khách, được thị trường ưa chuộng. Chất gạo ngon, nguồn nước sạch, không chất phụ gia, chất bảo quản cộng với kinh nghiệm của người dân đã tạo ra sản phẩm mỳ trắng, dai, với vị ngon riêng đặc trưng của vùng ATK. Trung bình mỗi tháng, nhà tôi làm ra khoảng 3 tấn mỳ, bún khô. 2-3 tháng gần Tết, tôi phải làm đến 4 tấn những cũng chỉ đủ đáp ứng những đơn hàng mà các đại lý đã đặt trước. 

Ngay cạnh nhà anh Long là cơ sở sản xuất mỳ phở của chị Nguyễn Thị Trang. Tại đây, không khí làm việc đang rất khẩn trương, từ làm bột, chạy máy tráng, phơi, thu, cắt, phơi lần 2, đóng gói. Những nhân công phải luôn tay theo 1 dây chuyền chạy liên tục.

Chị Trang cho hay: Để làm được trên 300kg phở khô mỗi ngày, gia đình phải thuê 6-8 người làm và trả lương theo ngày công. Đặc biệt, vào “vụ Tết” nhiều đơn đặt hàng với lượng lớn, chúng tôi phải nâng công suất tối đa mới có thể giao hàng đúng hẹn.

Người lao động tại cơ sở sản xuất mỳ gạo của chị Nguyễn Thị Trang, xóm Đình Phỉnh, xã Phượng Tiến, luôn tay với công việc.

Trái với các cơ sở làm mỳ phở, thời điểm cuối năm, không khí làm việc tại một số làng nghề chè ở Định Hóa có vẻ thanh nhàn hơn. Anh Đặng Ngọc Hà, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Phú Hội, xã Sơn Phú, nói: Cuối năm, nguyên liệu chè không dồi dào như những tháng Hè nên chúng tôi chủ yếu lên hương, đóng gói và gửi hàng cho các đầu mối. Riêng với gia đình tôi, đợt này chỉ sản xuất được khoảng 3 tạ chè Long Vân để phục vụ khách dịp Tết. Bù lại, chè Tết uống sẽ ngon và bán được cao hơn so với bình thường từ 200-300 nghìn đồng/kg. 

Theo ông Mông Đình Tinh, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Định Hóa: Trên địa bàn hiện có 23 làng nghề, làng nghề truyền thống và nhiều cơ sở sản xuất, chế biến nông sản. Thời gian qua, Định Hóa đã triển khai nhiều chương trình, dự án để hỗ trợ, phát triển các làng nghề, cơ sở sản xuất bằng các hình thức đa dạng, như hỗ trợ về vốn, máy móc thiết bị, kỹ thuật, xây dựng quảng bá thương hiệu…

Đến năm 2022, huyện Định Hóa đã có 5 sản phẩm được chứng nhận OCOP. Bên cạnh đó, Phòng Nông nghiệp và PTNT cũng đã chủ động tham mưu cho UBND huyện thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm tại các làng nghề, cơ sở sản xuất, chế biến nông sản, đặc biệt là dịp trước trong và sau Tết. Từ đó, để các sản phẩm đảm bảo an toàn, chất lượng khi đưa ra thị trường.