Để có hơn 1.000 gốc đào phai, đào bích, đào thế như hiện tại, anh Phương Quốc Chủ, 36 tuổi, ở xóm Làng Cháy, xã Khe Mo (Đồng Hỷ) đã kỳ công ươm tạo, ghép mắt và đến tận những xóm bản vùng cao của các huyện Bắc Sơn, Cao Lộc, Hữu Lũng (Lạng Sơn) để mua, thuê xe chuyển về. Thấy anh say mê với đào, nhiều người dân trong vùng đã ví von, gọi anh là "người mang đào về rừng".
Anh Phương Quốc Chủ chăm sóc vườn đào Tết. |
Để đến được nhà anh Phương Quốc Chủ, chúng tôi phải trải qua một quãng đường loắc ngoắc đầy cua dốc, nhiều đoạn luồn dưới tán rừng. Đến cuối xóm Làng Cháy, một khung cảnh thanh bình chợt hiện ra với mít Thái, bưởi vàng trĩu cành, nổi bật hơn cả là vườn đào rất rộng được trồng theo hàng lối thắng tắp, cây nào cũng chúm chím, e ấp nụ, báo hiệu mùa Xuân đã rất gần.
Đang bận rộn với công việc chăm sóc vườn đào, nhưng anh Chủ không ngần ngại kéo chúng tôi đi tham quan một lượt “cơ đồ”. Anh cho biết: Hơn 4.000m2 đất tôi sở hữu hiện nay là của bố mẹ chia cho. Đã có lúc tôi “coi như quên” để thực hiện giấc mơ thoát ly, làm một chân công chức Nhà nước. Nhất là sau tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên), tôi làm giáo viên hợp đồng được 1 năm. Song vì xa nhà, lại làm việc theo cơ chế “giáo viên thời vụ”, nên tôi quay về với nghề cầm cuốc.
Nhìn những lộc, nụ đào chúm chím đợi hơi ấm mùa Xuân, tôi liên tưởng đến những mầm sống tươi mới của thiên nhiên đang ngậm giọt mồ hôi đắng đót của người chủ vườn. Qua câu chuyện rủ rỉ của “anh giáo rẽ ngang”, tôi hiểu: Đây là một khu đất cằn cỗi, hơn 10 năm trước là chỗ ngập cỏ dại, đầy lau, chít và là bãi chăn thả gia súc tự do. Một ngày, anh Chủ nhận ra mình đang bỏ lãng phí cơ hội làm giàu ngay trên mảnh đất mình có. Vậy là buông bỏ “khát vọng” thoát ly như bao trai làng, trở về với mảnh vườn bằng quyết tâm “Bàn tay ta làm nên tất cả”.
Có bằng cử nhân sư phạm, nhưng không đứng bục giảng, cầm phấn cũng là điều anh Chủ áy náy vì lãng phí tiền của cha mẹ nuôi ăn học. Có những lúc anh nghĩ như thế, song anh quyết lập nghiệp, vươn lên bằng công việc của một người làm vườn.
Anh chia sẻ: Thuận là 8 sào ruộng năm cấy 2 vụ, thu 3 tấn thóc/năm nên gia đình không lo thiếu lương thực. Thực phẩm thì gà nuôi vài chục, lợn vài con cũng đủ dùng… Giây lát dừng lời, anh tiếp tục câu chuyện: Nhưng cái khó với nông dân như tôi là đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Tôi từng liên tiếp thất bại khi đưa một số cây được quảng bá là “kinh tế mũi nhọn”vào trồng nhưng không bán được. Bắt đầu là trồng chuối, đến gừng, tiếp là chanh. Chuối quả to, buồng dài cả mét; gừng cay nhức mắt, mũi và chanh mọng chua đầy quả nặng trĩu cành, nhưng bán rẻ như cho.
Khi nải chuối, củ gừng, quả chanh khó có đầu ra, anh trồng thay thế bưởi Diễn, bưởi Da xanh; mít Thái, chè và đào chơi Tết. Anh nhẩm đếm: Đến nay, tôi có 230 gốc bưởi, gần 100 cây mít Thái, 10 sào chè đang cho thu hoạch ổn định. Mừng là diện tích đào Tết ngày càng được mở rộng. Đến nay, gia đình tôi có hơn 1.000 gốc đào các loại. Để cây phát triển tốt, đầu năm 2022, tôi đầu tư xây dựng một bể chứa nước lớn, theo đó là hệ thống dẫn tưới nhỏ giọt cho vườn cây ăn quả, chi phí đầu tư khoảng 30 triệu đồng.
Tết đã rất gần. Vùng đất cuối xóm Làng Cháy chợt trở nên sôi động bởi thương lái nhiều vùng tìm về đây đặt cọc mua, hoặc thuê đào Tết. Cứ để khách thỏa sức thăm vườn, anh Chủ vẫn mang bộ bảo hộ lao động, cặm cụi với công việc cùng những thợ làm vườn. Cũng khi ấy, tôi nhận ra cái thú chơi đào thật lắm công phu. Đào thế, đào cổ thụ có nhiều loại; đào phai, đào bích còn có cánh đơn, cánh kép; rồi màu sắc từ phơn phớt, hồng nhạt, đến màu nhung đỏ. Có gốc đào trị giá hàng chục triệu đồng; có gốc chỉ vài trăm nghìn đồng. “Lựa cơm, gắp mắm”, anh Chủ vui vẻ nói khi chia tay với tôi: Toàn bộ vườn đào sẽ trở thành hàng hóa của gia đình bán trong dịp Tết Nguyên đán này.
Tôi cũng nói vui: Lớn nhỏ bù cho nhau, bình quân 1 triệu đồng/gốc, vườn đào nhà anh đã có hơn 1 tỷ đồng… Anh cười hiền khô: Tôi cũng mong đào nhà tôi được góp Xuân với nhiều mái ấm trong những ngày Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, và những độ Xuân sau.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin