Sức sống mới trên quê lúa Phú Bình

Vi Vân 16:19, 03/01/2023

Đón Xuân Quý Mão 2023, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Phú Bình như vui hơn vì địa phương đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí của huyện nông thôn mới (NTM) theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2020-2025, đề ra. Đây là kết quả từ sự nỗ lực của các cấp, ngành, sự đồng lòng của nhân dân địa phương. Qua đó góp phần tạo nên sức sống mới, diện mạo mới trên vùng quê lúa. 

Đến nay, các tuyến đường trục xã trên địa bàn huyện Phú Bình đã được cứng hóa 100%. Trong ảnh: Tuyến đường ở xã Dương Thành được đổ bê tông rộng rãi, bảo đảm cho người dân đi lại, giao thương hàng hóa thuận tiện. 
Đến nay, các tuyến đường trục xã trên địa bàn huyện Phú Bình đã được cứng hóa 100%. Trong ảnh: Tuyến đường ở xã Dương Thành được đổ bê tông rộng rãi, bảo đảm cho người dân đi lại, giao thương hàng hóa thuận tiện. 

Những ngày cuối tháng 12-2022, đến Phú Bình, vùng đất có thế mạnh về phát triển nông nghiệp, chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay rõ rệt trên vùng quê này. Các tuyến đường trục xã, xóm được được đổ bê tông bằng phẳng, rộng rãi, bảo đảm cho 2 xe ô tô tránh nhau an toàn; phần lề đường mỗi bên được trồng những hàng cây, hoa nhiều màu sắc, tạo cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp… 

Đồng chí Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch UBND huyện Phú Bình cho biết: Xác định việc hoàn thành các tiêu chí huyện NTM là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, thời gian qua, Huyện ủy, UBND huyện đã chủ động xây dựng, chỉ đạo triển khai các chương trình, kế hoạch về xây dựng NTM trên địa bàn. Đồng thời, phát động phong trào thi đua “Phú Bình chung sức xây dựng NTM” đến các cấp, ngành, địa phương và mọi tầng lớp nhân dân cùng chung sức thực hiện. 

Để hoàn thành các tiêu chí huyện NTM, Phú Bình đã huy động được gần 5.400 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ gần 237 tỷ đồng, ngân sách tỉnh và địa phương là 1.102 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 520 tỷ đồng… Từ đó toàn huyện đầu tư cải tạo, nâng cấp gần 900km đường giao thông nông thôn; sửa chữa, cải tạo trên 210 công trình thủy lợi, bảo đảm diện tích tưới tiêu chủ động trong sản xuất nông nghiệp đạt trên 80%; lắp đặt mới, nâng cấp trên 50 trạm biến áp và 500km đường dây điện; khởi công xây dựng 117 công trình nhà lớp học với gần 1.000 phòng học.  19/19 xã đều có nhà văn hóa, trung tâm văn hóa bảo đảm diện tích với quy mô từ 300-500 chỗ ngồi; 273/276 xóm, tổ dân phố có nhà văn hóa xóm, điểm sinh hoạt cộng đồng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. 

Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, đúng hướng của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự đồng lòng của nhân dân, đến nay, 19/19 xã ở huyện Phú Bình đã đạt chuẩn NTM, xã Tân Đức đạt chuẩn NTM nâng cao; huyện đã hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện NTM. Các xã: Dương Thành, Xuân Phương, Tân Khánh và Úc Kỳ được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; thị trấn Hương Sơn được công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh... 

Mô hình trồng cây ăn quả của gia đình ông Nguyễn Văn Thân, ở xóm La Đao, xã Tân Kim (Phú Bình) cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. 
Mô hình trồng cây ăn quả của gia đình ông Nguyễn Văn Thân, ở xóm La Đao, xã Tân Kim (Phú Bình) cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. 

Quán triệt quan điểm “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là chiến lược, xây dựng NTM là căn bản, tái cơ cấu nông nghiệp là then chốt, người nông dân là chủ thể” và “Xây dựng NTM là quá trình liên tục, lâu dài, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”, giai đoạn 2023-2025, huyện Phú Bình phấn đấu mỗi năm có 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, lũy kế đến năm 2025 có 10 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 2 xã NTM kiểu mẫu, huyện đạt chuẩn NTM nâng cao; kết cấu hạ tầng nông thôn được xây dựng đồng bộ, bảo đảm kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các vùng miền; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện, nâng cao; môi trường, cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp; nông thôn văn minh, giàu bản sắc văn hóa truyền thống; an ninh chính trị, an toàn xã hội được giữ vững… 

Để hoàn thành những mục tiêu trên, các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể, Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM của huyện sẽ tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện tốt các nghị quyết, chương trình, kế hoạch về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền những thành quả trong xây dựng NTM để tạo niềm tin, cổ vũ, động viên nhân dân tiếp tục hăng hái thực hiện chương trình quan trọng này, coi xây dựng NTM là công việc lâu dài; đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng sản xuất tập trung, quy mô lớn, công nghệ cao… Từ đó nâng cao giá trị sản phẩm và sức cạnh tranh trên thị trường, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống của nhân dân.

Năm 2022, thu nhập bình quân ở huyện Phú Bình đạt 70 triệu đồng/người/năm (tăng 12 triệu đồng so với năm 2020); giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 2.520 tỷ đồng; giá trị sản phẩm trên đất nông nghiệp trồng trọt đạt 123 triệu đồng/ha (tăng gần 22% so với năm 2020); thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 700 tỷ đồng (tăng trên 400% so với năm 2020)…

Từ khóa:

Phú Bình

quê lúa

sức sống mới