Thị trường sắt thép: Nhiều cơ hội bứt phá

Hạ Liên 07:47, 10/02/2023

Sau chuỗi ngày dài giá sắt thép liên tục giảm, khiến nhiều nhà máy phải dừng sản xuất thì từ giữa tháng 12/2022 đến nay, mặt hàng này đã có 4 kỳ điều chỉnh tăng giá. Và hiện nay, giá mặt hàng này được cho là khó dự báo. Thực tế này giúp sức mua và bán trên địa bàn tỉnh những ngày trước và sau Tết diễn ra khá sôi động. 

Trước sự điều chỉnh tăng giá nhiều lần trong gần 2 tháng trở lại đây, các doanh nghiệp kinh doanh sắt thép trên địa bàn tỉnh đã nhập một lượng hàng lớn để đáp ứng khi thị trường có nhu cầu.

Ngày 6/2/2022, Công ty CP Gang Thép Thái Nguyên (TISCO) có Quyết định số 81/QĐ-GTTN về việc ban hành giá bán thép cốt bê tông. Theo đó, thép cuộn CB240 có giá bán mới là 16.200.000 đồng/tấn; thép thanh vằn CB300-V D9 có giá 16.550.000 đồng/tấn… (chưa bao gồm thuế VAT và phải thanh toán ngay; nếu thanh toán chậm có bảo lãnh thì giá sẽ cao hơn 120.000 đồng/tấn).

So với mức giá được đưa ra hồi cuối tháng 1, mỗi tấn thép của TISCO được điều chỉnh tăng 300.000 đồng/tấn. Lý giải về nguyên nhân tăng giá, đại diện TISCO nêu rõ: Do tình hình biến động của thị trường, phôi thép, thép phế và các nguyên liệu đầu vào tăng cao, Công ty điều chỉnh tăng giá bán sản phẩm thép cốt bê tông so với giá bán hiện hành (cả dạng cây và cuộn) là 300 nghìn đồng/tấn (mức tăng trên chưa bao gồm VAT).

Đây là lần thứ tư TISCO thông báo điều chỉnh tăng giá kể từ giữa tháng 12/2022 đến nay. Mỗi lần điều chỉnh, đơn vị này tăng thêm từ 200.000-300.000 đồng/tấn. Theo đó, giá bán được các đại lý bán đến người tiêu dùng phổ biến ở mức 17.400.000-17.500.000 đồng/tấn (đã bao gồm thuế VAT).

Cũng như TISCO, các thương hiệu thép khác như: Hòa Phát, Việt Sing, Việt Mỹ… cũng đưa ra bảng giá mới với mức tăng tương tự.

Bà Nguyễn Thị Hà, quản lý một doanh nghiệp (DN) sắt thép ở phường Tân Thành (TP. Thái Nguyên), chia sẻ: Từ trước Tết, chúng tôi đã nắm bắt được khả năng mặt hàng sắt thép sẽ tiếp tục tăng giá nên cố gắng nhập hàng nhiều nhất có thể. Những ngày sau Tết, chúng tôi vẫn tiếp tục nhập để bán cho các đại lý cấp 3. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, so với số lượng đăng ký, chúng tôi chỉ được đại lý phân phối cấp 1 của TISCO đáp ứng khoảng 70% nhu cầu. Dù vậy, DN vẫn cơ bản vẫn đủ hàng bán. Tuy nhiên, thời gian này, các giao dịch vẫn chủ yếu diễn ra giữa đại lý cấp 2 với cấp 1, cấp 3 với cấp 2 nhằm tích trữ, do đầu năm, các công trình nhà dân hầu như chưa xây dựng. Theo thường lệ, phải sang đầu tháng 2 Âm lịch, các hộ mới bắt đầu xây tiếp hoặc khởi công mới nhà ở, công trình.

Nhờ thị trường sắt thép sôi động, từ cuối năm 2022, các đơn vị sản xuất của TISCO đã hoạt động ổn định trở lại. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Nhà máy Cán thép Lưu Xá.

Còn theo chị Trần Thu Minh, Kế toán trưởng một DN sắt thép ở phường Gia Sàng (TP. Thái Nguyên): Cứ khi sắt thép có hiện tượng tăng giá là nhu cầu mua vào của cả đại lý cấp 2, cấp 3 và khách hàng lại tăng lên. Nhiều DN, người dân mới dự kiến ngày khởi công cũng đã mang tiền đặt trước để tránh phải mua với giá cao. Về cơ bản, việc bán hàng trong thời kỳ giá tăng là khá tốt, song cũng tiềm ẩn những rủi ro nhất định cho các đại lý. Có những đơn hàng nhận tiền cọc của khách rồi nhưng có khi chưa lấy được mà giá lại tăng tiếp khiến chúng tôi phải bù lỗ. Dù vậy, việc tăng giá luôn khiến DN kinh doanh sắt thép hoạt động sôi động hơn.

Chị Minh cũng chia sẻ thêm: Từ ngày 8-2, thị trường thép đã bớt sôi động, một phần là do các đại lý cấp 2, cấp 3 cơ bản đã nhập đủ lượng hàng tích trữ; phần còn lại do có thông tin giá phôi và thép phế có dấu hiệu "hạ nhiệt". Ngoài ra, các DN kinh doanh cũng đang nghe ngóng thêm diễn biến của thị trường.

Đối với các đơn vị xây dựng, việc sắt thép hay bất cứ nguyên vật liệu nào tăng giá cũng đều là điều không mong muốn. Bà Nguyễn Thị Thủy, Kế toán trưởng một DN xây dựng, cho hay: Tuy giá thép được các thương hiệu đồng loạt điều chỉnh tăng trong thời gian gần đây, song cơ bản đơn vị không gặp phải khó khăn nào đáng kể. Do giá tăng ở mức vừa phải và hầu hết các công trình của DN mới làm thầu nên được tính theo giá mới. Với một số công trình cũ, việc xác định giá thời điểm làm thầu cũng cơ bản như hiện tại. Tuy nhiên, nếu giá thép tiếp tục tăng và cao như cuối quý I, đầu quý II/2022 thì DN chắc chắn sẽ gặp khó khăn, thậm chí là thua lỗ.

Theo các nhà phân tích, nguyên nhân chính khiến giá thép tăng trong vòng gần 2 tháng qua là do giá quặng sắt, than, thép phế liệu tăng cao (khoảng 5 đến trên 10%). Vì thế, việc các DN sản xuất phải điều chỉnh tăng giá là điều dễ hiểu. Đối với thị trường Thái Nguyên, việc TISCO - thương hiệu chiếm thị phần lớn nhất trên địa bàn tỉnh, chủ động được khoảng 50% nguồn nguyên liệu trong sản xuất thì việc thép tăng giá được xem là tín hiệu tốt. Cùng nhờ đó, các nhà máy của Công ty đã hoạt động ổn định trở lại từ cuối năm 2022 và người lao động đã được đảm bảo việc làm, với mức lương ổn định.

Mặc dù chưa định hình một cách rõ rệt về diễn biến giá thép thời gian tới, song với việc Trung Quốc (một trong những thị trường lớn của ngành Thép Việt Nam) mở cửa nền kinh tế sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, sắt thép và nhiều mặt hàng khác của Thái Nguyên được dự báo sẽ hưởng lợi và có những dấu hiệu khởi sắc trở lại. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn sẽ có những khó khăn tiềm ẩn trước sự suy thoái của nhiều nền kinh tế lớn. Thực tế này đặt ra cho các DN nói chung, DN kinh doanh sắt thép nói riêng sự chủ động trong thích ứng để đạt được hiệu quả cao nhất trong hoạt động.