Đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp thông qua chế biến

Hoàng Hưng 08:07, 21/03/2023

Đa dạng hóa nông sản thông qua chế biến là một trong những giải pháp nhằm nâng cao giá trị hàng hóa, định hình chuỗi kết nối cung - cầu trong sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, nhiều hợp tác xã (HTX), cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện Võ Nhai đã chú trọng chế biến nông sản để tạo ra các sản phẩm đặc trưng, từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ và tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho lao động nông thôn.  

HTX Mì bún khô Tiến Diện hiện có 7 sản phẩm các loại, trong đó có 2 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của huyện Võ Nhai là bún khô và bún khô ngũ sắc được sản xuất từ gạo và nông sản sau thu hoạch tại địa phương
HTX Mỳ, bún khô Tiến Diện, ở xã Tràng Xá (Võ Nhai) hiện có 7 sản phẩm các loại, trong đó có 2 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP là bún khô và bún khô ngũ sắc, được sản xuất từ gạo và nông sản địa phương.

Năm 2020, chị Thạch Thị Hương cùng một số người thân liên kết thành lập ra HTX Mỳ gạo Tiền Phong, tại xóm Tiền Phong, thị trấn Đình Cả. HTX đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để làm nhà xưởng, với hệ thống máy móc chuyên nghiệp như: máy xay công suất lớn, máy tráng mỳ, máy cắt sợi mỳ, máy đóng gói, máy sấy theo công nghệ bơm nhiệt hút ẩm… Nhờ đó, công suất sản xuất đạt 3 tấn sản phẩm/tháng.

Với kỹ thuật gia truyền cộng với quy trình sản xuất mới, HTX Mỳ gạo Tiền Phong đã cho ra thị trường các sản phẩm bánh phở, bún, mỳ khô Tiền Phong đảm bảo an toàn thực phẩm và đặc biệt là chất lượng của đặc sản gia truyền. Đồng thời, sản phẩm được đóng gói với bao bì đẹp, đầy đủ mã QR truy xuất nguồn gốc. Đặc biệt, năm 2021, sản phẩm Mỳ gạo Tiền Phong của HTX đã được công nhận là sản phẩm OCOP của huyện Võ Nhai. Qua đó, HTX có cơ hội quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Hiện nay, trung bình mỗi tháng, HTX Mỳ gạo Tiền Phong sản xuất 2 tấn mỳ gạo và khoảng 1 tấn bánh phở, bánh cuốn xuất bán ra thị trường. HTX đạt doanh thu trên 150 triệu đồng/tháng, tạo việc làm cho 5 lao động địa phương, với thu nhập trung bình 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Chị Thạch Thị Hương, Giám đốc HTX Mỳ gạo Tiền Phong, cho biết: Để làm ra sản phẩm mỳ với sản lượng cao nhưng vẫn bảo đảm chất lượng vốn có của đặc sản, chúng tôi chọn loại gạo bao thai ngon nhất được gieo cấy và chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP tại một số xã phía Nam của huyện để làm nguyên liệu.

Năm 2022, huyện Võ Nhai đã đầu tư hàng trăm triệu đồng hỗ trợ bà con nông dân xã Bình Long khôi phục giống đậu tương đặc sản để duy trì, phát triển nghề làm đậu truyền thống.

Cũng giống như mỳ gạo Tiền Phong, các sản phẩm của HTX Mỳ, bún khô Tiến Diện, ở xóm Cầu Nhọ, xã Tràng Xá, cũng được làm từ loại gạo bao thai gieo cấy theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Bình Long và xã Dân Tiến.

Đi vào hoạt động từ năm 2021, HTX này đã đầu tư trên 1 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng rộng 800m2, với hệ thống máy móc hiện đại như: máy xay công suất lớn, máy trộn, máy ép sợi, phòng sấy sản phẩm, máy đóng gói… với công suất tối đa đạt trên 20 tấn sản phẩm/tháng. Không chỉ sản xuất các loại bún, mỳ gạo thông thường, HTX Tiến Diện còn chế biến đa dạng sản phẩm từ những nông sản an toàn được trồng tại địa phương, như: bún gấc, bún bí đỏ, bún gạo lứt, bún ngũ sắc... Nguyên liệu của các sản phẩm này là bí đỏ, gấc, gạo, cây lá cẩm được trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ ngay tại địa phương.

Với những nỗ lực đó, vào những thời gian cao điểm, trung bình mỗi tháng HTX Mỳ, bún khô Tiến Diện sản xuất, tiêu thụ khoảng 3 tấn bún khô, phở khô; đạt doanh thu 150-200 triệu đồng; tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 5 lao động địa phương, với mức lương trung bình khoảng 5 triệu đồng/người/tháng .

Hiện, HTX Mỳ, bún khô Tiến Diện có 7 sản phẩm các loại, trong đó 2 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của huyện Võ Nhai là bún khô và bún khô ngũ sắc. Ông Hoàng Tiến Diện, Giám đốc HTX, chia sẻ: Đa dạng hóa sản phẩm thông qua chế biến nông sản giúp chúng tôi có cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn. Hiện nay, HTX đã ký kết hợp đồng tiêu thụ với một số siêu thị trong, ngoài tỉnh và các sàn thương mại điện tử.

Ngoài 2 đơn vị kể trên, hiện nay, trên địa bàn huyện Võ Nhai đã có thêm nhiều HTX, cơ sở sản xuất thực hiện chế biến nông sản nhằm đa dạng hóa sản phẩm và tạo ra giá trị thương mại cao hơn, như: HTX Nông lâm nghiệp Phú Thượng (xã Phú Thượng) với sản phẩm OCOP bánh khẩu sli và mỹ nghệ tre đan; HTX nuôi trồng nấm bản địa (xã Vũ Chấn) với hai sản phẩm OCOP 4 sao là măng nõn nứa sấy và mộc nhĩ khô; HTX Nông sản an toàn Liên Minh với trà hoa đu đủ ướp mật ong; Công ty TNHH Dược thảo Hòa Bình (thị trấn Đình Cả) với trà giảo cổ lam 5 lá…

Hầu hết các cơ sở này đều tổ chức sản xuất theo quy mô kinh tế tập thể, với sản lượng lớn, quy trình hiện đại, bảo đảm an toàn thực phẩm. Theo thống kê, trên địa bàn huyện Võ Nhai hiện có gần 90 tổ hợp tác và HTX, trong đó chiếm 64% là HTX nông, lâm nghiệp. Từ năm 2019 đến nay, thực hiện chính sách hỗ trợ HTX thành lập mới, đã có 25 HTX trong huyện được hỗ trợ tổng kinh phí gần 300 triệu đồng để đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Ông Nông Minh Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Võ Nhai, khẳng định: Đa dạng hóa sản phẩm qua chế biến sau thu hoạch là một trong những giải pháp tối ưu nhằm giúp nông sản được tiêu thụ dễ dàng hơn, đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm. Hiện nay, huyện Võ Nhai đang tiếp tục triển khai một số dự án nhằm khuyến khích bà con nông dân và các HTX đầu tư sâu vào chế biến nông sản, như lúa gạo, đậu tương, hoa quả, thực phẩm an toàn… Qua đó nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm, góp phần phát triển kinh tế của địa phương.