Quê lúa Phú Bình nâng "chất" sản phẩm gạo

Vi Vân 09:16, 18/03/2023

Là địa phương có lợi thế về nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lúa gạo, những năm gần đây, huyện Phú Bình đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm gạo của địa phương. Qua đó giúp bà con nông dân nâng cao thu nhập, góp phần thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với phát triển sản phẩm có lợi thế của huyện.

Khách hàng chọn mua sản phẩm gạo J02 do Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Ngọc Hiền, ở xã Tân Đức (Phú Bình) sản xuất, được bán tại gian hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm OCOP của huyện.

Huyện Phú Bình có trên 12.000ha lúa, sản xuất 2 vụ/năm. Khoảng 5 năm trở lại đây, địa phương đã lựa chọn, đưa nhiều giống lúa lai mới (như SL8H-GS9, TH3-7, TH3-5, BTE1, Syn98, HKT99…) và các giống lúa thuần chất lượng (J02, TBR25, BQ, Thiên ưu 8, TH8, HD11, Sumo...) vào sản xuất, chiếm 65% diện tích mỗi vụ.

Đồng thời, huyện cũng có cơ chế khuyến khích bà con nông dân triển khai thực hiện nhiều biện pháp trong sản xuất nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập từ cây lúa. Nhờ đó, đến nay năng suất các giống lúa mới đạt bình quân 63 tạ/ha/vụ (tăng 16 tạ/ha/vụ so với những giống lúa cũ); lợi nhuận sau khi trừ chi phí đạt 25 triệu đồng/ha/vụ (tăng gấp 4 lần so với giống lúa đối chứng).

Chị Trần Thị Thúy Hiền, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Ngọc Hiền, ở xã Tân Đức, chia sẻ: HTX mới thành lập và đi vào hoạt động từ đầu năm 2022, với 22 thành viên, chuyên gieo cấy giống lúa J02. Đây là giống lúa có nguồn gốc từ Nhật Bản, đẻ nhánh khỏe, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, gạo ăn dẻo, thơm ngon, vị đậm… được người tiêu dùng đón nhận, sử dụng. Chính vì thế, từ chỗ diện tích sản xuất ban đầu của HTX chỉ có 15ha, đến nay chúng tôi đã liên kết với nhiều hộ dân khác trên địa bàn và nhân rộng lên 150ha, trong đó có 15ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Theo chị Hiền, việc sản xuất gạo theo quy trình VietGAP tuy vất vả và tốn nhiều công hơn so với phương thức canh tác truyền thống, nhưng bù lại giá trị hạt gạo mang lại cao hơn hẳn. Nếu như trước đây, bà con chỉ bán được từ 9,5-10 triệu đồng/tấn thóc khô, thì nay, với thóc sản xuất theo quy trình VietGAP, HTX bán được 13 triệu đồng/tấn thóc khô.

Ông Vũ Văn Hải, người dân xóm Diễn, xã Tân Đức, cho hay: Với 7 sào ruộng, 4 năm trở lại đây, vụ nào gia đình tôi cấy giống lúa J02. Trong quá trình chăm sóc, tôi luôn tuân thủ quy trình, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ đó, năng suất lúa cũng tăng từ 2,2 tạ/sào lên 2,4 tạ/sào.

Nông dân xã Tân Đức chăm sóc ruộng lúa J02 được canh tác theo quy trình VietGAP.

Cùng với việc đưa các giống lúa mới, cho năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất, huyện Phú Bình cũng đẩy mạnh xúc tiến, hỗ trợ tiêu thụ gạo và một số sản phẩm từ gạo cho các giống lúa đặc sản đã xây dựng thương hiệu (như J02, nếp Thầu Dầu…). Từ đó, đưa sản phẩm gạo của địa phương tới người tiêu dùng trong và ngoài địa bàn.

Ngoài ra, huyện cũng khuyến khích người dân và doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất lúa theo hướng VietGAP, hữu cơ, gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm. Chỉ tính riêng năm 2022, địa phương đã thực hiện 5 mô hình sản xuất lúa gạo liên kết theo chuỗi tại các xã: Dương Thành, Xuân Phương, Tân Khánh, Tân Đức và Úc Kỳ. Các mô hình liên kết này được triển khai đồng bộ, khép kín từ khâu gieo trồng đến tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch, với tổng diện tích 1.000ha.

Bên cạnh một số loại gạo đã có “thương hiệu”, huyện Phú Bình còn triển khai mô hình gieo cấy giống lúa thuần chất lượng cao Dự hương 8 tại xã Thanh Ninh với diện tích 10ha; thực hiện dồn điển đổi thửa tại các xã Xuân Phương, Úc Kỳ và Tân Đức để xây dựng cánh đồng lúa sản xuất tập trung có diện tích 226ha; áp dụng cơ giới hóa trong gieo cấy, thu hoạch lúa bằng các loại máy móc hiện đại (máy cấy, gặt đập liên hợp, máy bay phun thuốc trừ sâu không người lái…); hỗ trợ vùng sản xuất lúa lai, lúa thuần chất lượng tập trung từ nguồn ngân sách huyện theo quy định. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả trong sản xuất lúa gạo của địa phương.

Nhờ thực hiện các giải pháp đồng bộ trong phát triển lúa gạo, đến nay, sản phẩm gạo J02 và lúa nếp Thầu Dầu của Phú Bình đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao; 5 vùng trồng lúa của huyện ở các xã: Dương Thành, Tân Đức, Úc Kỳ, Xuân Phương và Tân Khánh đã được Cục bảo vệ thực vật và trồng trọt Trung ương cấp mã vùng trồng, với diện tích trên 40ha; một số sản phẩm từ gạo như tương nếp, cơm cháy, bún, bánh dầy… cũng đã được các HTX và người dân sản xuất nhằm đa dạng sản phẩm hàng hóa, từng bước nâng cao thu nhập.

Bà Trần Thị Tuyên, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Bình, cho biết: Thời gian tới, để nâng cao hơn nữa chất lượng cũng như giá trị sản phẩm lúa gạo của địa phương, bên cạnh thực hiện hỗ trợ giá giống lúa theo cơ chế của tỉnh, huyện, chúng tôi sẽ phối hợp với một số đơn vị cung ứng giống lựa chọn và đưa các giống lúa mới có tiềm năng, cho năng suất, chất lượng cao vào sản xuất; tiếp tục tăng diện tích lúa sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP lên 50% (tăng 20% so với hiện nay); thực hiện các mô hình gieo cấy lúa tập trung hướng đến mục tiêu được cấp mã vùng trồng; nhân rộng phương thức nông dân liên kết, sản xuất, tiêu thụ lúa gạo nhằm nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị lúa gạo; khuyến khích và hỗ trợ thành lập, phát triển các HTX kiểu mới nhằm sản xuất, kinh doanh lúa gạo với quy mô lớn…