Tre Lục Trúc hay còn gọi là tre Đài Loan, mỗi héc-ta đất trồng tre Lục Trúc lấy măng cho thu nhập khoảng 400 triệu đồng/năm. Bởi thế, nhiều người dân đã và đang chuyển đổi từ loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế thấp sang trồng tre Lục Trúc. Tuy nhiên, để cây trồng này thực sự phát triển bền vững thì người dân cần tìm hiểu kỹ để tránh rủi ro.
Hợp tác xã Nông sản Vạn Lộc (huyện Đồng Hỷ) đang tiếp tục mở rộng diện tích trồng tre Lục Trúc. |
Để tìm hiểu về măng Lục Trúc, chúng tôi cùng anh Bàn Trung Thành, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cây Thị (Đồng Hỷ), đến tham quan mô hình của gia đình anh Lâm Xuân Quang, xóm Cây Thị, xã Cây Thị. Nửa quả đồi rộng hơn 2ha được anh Quang cải tạo theo kiểu ruộng bậc thang và trồng hơn 4.000 khóm tre. Anh chia ra từng khu vực trồng khác nhau, khu trồng để lấy măng, khu trồng để nhân giống.
Trong một lần đi du lịch bên Đài Loan, anh Quang được giới thiệu về sản phẩm măng đóng gói bán trong các siêu thị, cửa hàng. Khi hỏi anh biết đó là măng Lục Trúc, anh dự định đưa cây trồng này về quê hương. Năm 2014, anh Quang rủ thêm một người bạn trong xã triển khai mô hình trồng tre Lục Trúc. Anh đã đặt mua bên Đài Loan gần 300 cây giống về trồng thử nghiệm. Anh nghĩ trồng tre Lục Trúc cũng đơn giản như các loại tre bản địa khác. Thế nhưng, chỉ sau một thời gian ngắn 300 cây đều bị chết.
Với quyết tâm thực hiện bằng được mô hình, anh Quang sang Đài Loan ăn ở tại một số gia đình bên đó 3 tháng để học kỹ thuật trồng. Học xong anh mua 100 cây giống mang về trồng lại và đã thành công. Năm 2017, anh Quang tách ra làm một mình và mua gần 2ha đất tại xã Cây Thị để trồng tre. Đến năm 2022, anh thành lập Hợp tác xã Nông sản Vạn Lộc với 12 thành viên, trồng trên 10ha tre Lục Trúc.
Hiện, 1 héc-ta tre Lục Trúc trồng từ 3 năm trở lên của anh Quang cho thu hoạch 15-17 tấn măng/năm, giá bán trung bình tại chỗ 25 nghìn đồng/kg. Năm 2022, sản phẩm măng của Hợp tác được cấp chứng nhận sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh. Ngoài ra, mỗi năm anh Quang còn cung cấp ra thị trường từ 10-15 nghìn cây giống, với giá bán 120 nghìn đồng/cây.
Anh Lâm Xuân Quang chiết cây giống tre Lục Trúc. |
Khi Hợp tác xã Nông sản Vạn Lộc và một số hộ dân trên địa bàn tỉnh trồng tre Lục Trúc đem lại hiệu quả kinh tế, không ít hợp tác xã khác và người dân muốn chuyển đổi sang trồng loại cây này. Đơn cử như Hợp tác xã Đồng Tâm, xã Tràng Xá (Võ Nhai). Vụ bưởi Diễn vừa qua, do bưởi không bán được nhiều và giá rất rẻ so với mọi năm, thu không đủ chi nên Hợp tác xã Đồng Tâm đã và đang có hướng chuyển một phần diện tích sang trồng tre Lục Trúc.
Ông Nguyễn Văn Hợi, Giám đốc Hợp tác xã, thông tin: Chúng tôi được biết ở một số nơi trong tỉnh trồng cây tre Lục Trúc cho hiệu quả kinh tế nên có ý định chuyển sang trồng tre. Măng Lục Trúc nếu không bán kịp có thể chế biến thành măng khô bán và cũng có thể để được thời gian lâu hơn so với bưởi. Hợp tác xã đang xin dự án hỗ trợ của huyện để triển khai trồng măng Lục Trúc.
Câu hỏi đặt ra là liệu cây tre Lục Trúc có dễ trồng và đem lại hiệu quả như mong đợi?. Bởi năm 2006, Công ty Chi Lăng- Đài Loan (Lạng Sơn) đã phối hợp với huyện Phổ Yên (nay là TP. Phổ Yên) triển khai trồng tre Lục Trúc tại 2 xã Minh Đức và Đắc Sơn, với hơn 150 hộ dân tham gia trồng 42,2ha. Mặc dù được Công ty hỗ trợ giống, chuyển giao kỹ thuật nhưng sau hơn 1 tháng trồng, tỷ lệ cây chết cao. Sau 4 năm trồng, diện tích chỉ còn gần 10ha nhưng nhỏ lẻ và đến nay gần như bị xóa sổ.
Bà Nguyễn Thị Quân, xóm Đầm Mương 15, xã Minh Đức, từng tham gia chương trình, cho biết: Năm 2006 tôi có tham gia trồng 30 khóm tre Lục Trúc từ dự án. Mặc dù tôi đã áp dụng những kỹ thuật được tập huấn vào trồng nhưng chỉ sau hơn 1 tháng cây bị chết 1 nửa.
Theo anh Lâm Xuân Quang, để đầu tư trồng 1 héc-ta tre Lục Trúc người dân phải bỏ ra ban đầu trên dưới 200 triệu đồng. Quá trình trồng cây giống phải đạt chuẩn, phải xử lý độ PH cho đất, phối hợp theo tỷ lệ nhất định các loại phân bón trên thị trường để cho ra 1 loại phân bón riêng, tưới nước hằng ngày… khi thu hoạch măng cần chế biến ngay và bảo quản trong kho lạnh mới đảm bảo.
Tuy nhiên, măng Lục Trúc khó bán tại địa phương bởi bà con đã quen ăn các loại măng bản địa. Nếu chế biến thành măng khô thì giá bán quá cao, chất lượng không bằng một số loại măng khác. Để đem lại hiệu quả kinh tế chỉ có thể chế biến măng tươi cung cấp cho các siêu thị, nhà hàng. Do vậy, trước khi trồng tre Lục Trúc lấy măng cần tìm hiểu thật kỹ về kỹ thuật trồng, chăm sóc và đầu ra cho sản phẩm, để tránh rơi vào vòng luẩn quẩn “trồng - chặt”.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin