Hợp tác xã thời công nghệ số: Thích ứng để vươn lên

Ngọc Ánh 09:28, 25/03/2023

Kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ số là hình thức kinh doanh trực tuyến đem lại nhiều lợi ích cho cả người bán và người mua. Các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn huyện Đại Từ đã và đang tích cực bắt nhịp xu hướng này, thu được hiệu quả cao.

Thành viên HTX Chè La Bằng thưc hành bán hàng tại lớp tập huấn kỹ năng bán hàng trực tuyến.
Thành viên HTX Chè La Bằng thực hành bán hàng tại lớp tập huấn kỹ năng bán hàng trực tuyến.

Với ngành nghề kinh doanh đa dạng: Cung ứng các sản phẩm rau củ quả theo mùa và cung cấp dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải, việc ứng dụng công nghệ số là một giải pháp hữu hiệu đối với HTX Nông nghiệp - Xây dựng Đông Bắc, xã Tân Linh (Đại Từ).

Anh Nguyễn Văn Quảng, Giám đốc HTX, chia sẻ: Do dịch vụ cung ứng của HTX hiện mới đáp ứng nhu cầu trong huyện Đại Từ, nên chúng tôi đã vận động các thành viên tích cực chia sẻ hình ảnh, thông tin về dịch vụ của HTX trên các mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok… qua đó HTX đã có thêm khách hàng. HTX từ chỗ cung ứng nông sản cho 7 bếp ăn trường học trong năm 2021-2022 thì năm nay tăng lên 20 bếp ăn trường học; dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải cũng mở rộng địa bàn từ 1 lên 6 xã trong huyện. Hiện, doanh thu của HTX đạt 1,5-1,6 tỷ đồng/tháng, đảm bảo việc làm cho 12 thành viên với thu nhập ổn định 6-7 triệu đồng/người/tháng.

Cũng ứng dụng công nghệ số trong hoạt động kinh doanh nhưng cách làm của HTX Chè La Bằng chuyên nghiệp hơn khi sản phẩm của HTX được đưa lên các sàn thương mại điện tử (TMĐT). Ông Hứa Văn Thịnh, Phó Giám đốc HTX Chè La Bằng, cho biết: Hiện nay, nhiều website giúp người bán và người mua có thể trao đổi thông tin, hàng hóa dễ dàng như: Shopee, Lazada, Sendo, Tiki,… Thông qua các chương trình tập huấn do cơ quan chuyên môn của huyện và tỉnh tổ chức, chúng tôi đã hiểu rõ việc đưa sản phẩm lên các sàn thương mại này là hướng đi hiệu quả giúp nâng cao giá trị sản xuất, mở thêm đầu ra bền vững cho các mặt hàng nông sản.

Được biết, HTX Chè La Bằng đã được ngành chức năng của tỉnh hỗ trợ cấp tài khoản, tài nguyên lưu trữ để vận hành thử nghiệm việc quản lý đơn hàng, theo dõi các đơn hàng đến từ các nguồn trực tuyến, ngoại tuyến và thông luồng vận chuyển với VnPost; được hướng dẫn triển khai giải pháp truy xuất nguồn gốc nông sản CMC FoodTrust. Cùng với đó là triển khai và đào tạo sử dụng nền tảng quản lý bán hàng CMC Agri-Connect (nền tảng trung gian hỗ trợ nông dân, HTX trong việc vận hành quản lý quy trình bán hàng trên các kênh bán hàng điện tử).

Qua đó, HTX đã có các gian hàng giới thiệu sản phẩm trên Shopee, Lazada, Sendo…, trung bình mỗi tháng có từ 700-1.000 đơn hàng tại nhiều tỉnh thành trong nước, doanh số tăng khoảng 20% so với năm 2020.

Nhân viên VNPT Đại Từ kéo cáp quang đảm bảo đường truyền băng rộng.
Nhân viên VNPT Đại Từ kéo cáp quang đảm bảo đường truyền băng rộng.

Không riêng 2 đơn vị trên, theo thống kê sơ bộ của ngành chức năng huyện Đại Từ, tính đến nay trên địa bàn huyện có 34 HTX, làng nghề, hộ sản xuất kinh doanh có gian hàng và thực hiện giao dịch hàng hoá trên các sàn TMĐT (Voso, Postmart, Lazada..) và bán hàng trên các mạng xã hội (Facebook, Zalo...).

Có thể thấy, khác với phương thức tiêu thụ truyền thống, kinh doanh bằng công nghệ số thông qua các sàn TMĐT đã mở thêm cơ hội mới, giúp các hộ thành viên tổ hợp tác, HTX, làng nghề giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng trên khắp mọi miền đất nước, hỗ trợ tiêu thụ hàng nông sản thuận lợi hơn, tránh bị ép giá. Đồng thời góp phần tạo việc làm, thu nhập ổn định cho các thành viên và hộ nông dân.

Hiện các HTX trên địa bàn đang tạo việc làm ổn định cho khoảng 700 thành viên và 600 lao động địa phương với mức thu nhập đạt 4,5-5 triệu đồng/người/tháng, tăng 11% so với năm 2021.

Theo ông Trần Đăng Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ: Nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của các tổ hợp tác, HTX, làng nghề trên nền tảng công nghệ số, thời gian qua, huyện luôn quan tâm, đảm bảo hạ tầng viễn thông, Internet đến 100% xóm trên toàn huyện... Thời gian tới, để công nghệ số được ứng dụng rộng hơn trong các tổ hợp tác, HTX, làng nghề, huyện sẽ phối hợp với sở, ngành liên quan tiếp tục khảo sát, tư vấn cho các thành phần kinh tế tập thể xây dựng phương án chuyển đổi số phù hợp, ứng dụng số hóa trong khâu sản xuất, chế biến nông sản.