Bảo vệ cây trồng vụ xuân: Phòng trước, trừ ngay

Lương Hạnh 07:55, 23/03/2023

Cuối Xuân, thời tiết thường có mưa kèm không khí nồm ẩm, rất phù hợp để cây trồng vụ xuân sinh trưởng, phát triển, nhưng cũng là yếu tố thuận lợi để các loại sâu bệnh phát sinh, gây hại. Trước tình hình trên, ngành Nông nghiệp đã hướng dẫn bà con nông dân các biện pháp chăm sóc cây trồng và phòng trừ sâu bệnh kịp thời, không để ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng.

Người dân xóm Ngọc Lâm, xã Linh Sơn (TP. Thái Nguyên) chăm sóc cây rau vụ xuân.
Nông dân xóm Ngọc Lâm, xã Linh Sơn (TP. Thái Nguyên) chăm sóc rau vụ xuân.

Vừa nhặt xong đám ốc bươu vàng trên 3 sào lúa Đài Thơm 8, chị Chu Thúy Hường, ở xóm Soi, xã Kha Sơn (Phú Bình) lại bắt tay vào bón phân để thúc lúa xuân sinh trưởng, phát triển tốt. Chị Hường chia sẻ: Cách một vài hôm là tôi lại có mặt tại ruộng để kiểm tra xem cây lúa có bị sâu bệnh gây hại hay thiếu nước không. Vài ngày trước, thời tiết nồm ẩm nên một số ruộng lúa của bà con xung quanh cũng đã xuất hiện rầy, bệnh đạo ôn. Vì vậy, tôi càng chú trọng theo dõi tình hình ruộng lúa.

Hiện nay, trên một số trà lúa của bà con trong tỉnh cũng bắt đầu xuất hiện sâu bệnh gây hại. Cụ thể, ốc bươu vàng có mật độ trung bình 0,5-2 con/m2, nơi cao 5 con/m2;  rầy các loại với mật độ trung bình 5-10 con/m2, nơi cao 20-40 con/m2. Ngoài ra, trên lúa xuân cũng xuất hiện bệnh đạo ôn với tỷ lệ bệnh trung bình 0,1-0,2%, nơi cao 2% cục bộ 6% lá bị bệnh, cấp 1 (huyện Đồng Hỷ); còn bọ trĩ, sâu cuốn lá nhỏ… gây hại cục bộ với mật độ hại thấp. Mặc dù diện tích lúa bị nhiễm sâu bệnh chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, nhưng nếu không được phòng trừ kịp thời rất dễ lây lan rộng.

Trước tình hình trên, Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật đã chỉ đạo cán bộ tăng cường bám sát cơ sở, tiến hành điều tra, dự báo tình hình sâu bệnh gây hại và hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, trừ phù hợp. Cụ thể, đối với những lúa bị nhiễm rầy, bà con được khuyến cáo sử dụng một trong các loại thuốc sau để phun phòng trừ: Sutin 5EC, 50WP, Actara® 25WG, Chess® 50WG... Còn đối với bệnh đạo ôn, bà con phun trừ bằng các loại thuốc đặc hiệu như: Fuji-One 40EC, 40WP; Starsuper 10SC,21SL; Kasai-S 92SC…

Không riêng cây lúa, thời tiết nồm ẩm cũng là điều kiện cho các loại dịch hại xuất hiện và gây hại trên cây chè. Hiện nay, trên một số nương chè đã xuất hiện rầy xanh với tỷ lệ hại trung bình 1,5-2,5%, nơi cao 5-10% búp bị hại; bọ cánh tơ có tỷ lệ hại trung bình 1-3%, nơi cao 5% búp bị hại. Ngoài ra, bọ xít muỗi có tỷ lệ hại trung bình 0,5-2%, nơi cao 5-10% búp bị hại; nhện đỏ với tỷ lệ hại trung bình 3-5%, nơi cao 6-10% lá bị hại. Mưa ẩm cũng là nguyên nhân gây bệnh phồng lá chè với tỷ lệ hại trung bình 1-5%, nơi cao 10-15% lá bị hại.

Cán bộ Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật kiểm tra đồng ruộng, hướng dẫn người dân xã Lương Phú (Phú Bình) cách phòng trừ sâu bệnh trên cây ớt.
Cán bộ Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật kiểm tra đồng ruộng, hướng dẫn nông dân xã Lương Phú (Phú Bình) cách phòng trừ sâu bệnh trên cây ớt.

Anh Ngô Văn Hợi, Giám đốc Hợp tác xã chè Phúc Thành, xã Phúc Trìu (TP. Thái Nguyên), cho biết: Mùa xuân, trên nương chè thường hay xuất hiện bệnh phồng lá, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng và làm chậm quá trình sinh trưởng các lứa chè sau. Vì vậy, để phòng trừ bệnh, các thành viên Hợp tác xã đã dọn dẹp vệ sinh nương chè, diệt trừ cỏ dại, tỉa bớt cây che bóng để tạo sự thông thoáng cho cây. Đối với những nương chè bị bệnh phồng lá, chúng tôi được cán bộ nông nghiệp khuyến cáo ngừng bón phân hóa học; đồng thời, sử dụng các loại thuốc như: Manage 5 WP, Starsuper 20WWP, Diboxylin 4SL… để phun trừ.

Đối với các loại cây màu khác như: ngô, lạc, rau các loại… mặc dù đầu vụ có mưa, khiến một số diện tích rau bị chết, bà con phải trồng lại nhưng đến thời điểm này đã lên xanh tốt. Hiện, bà con đang tập trung làm cỏ, bón phân để cây hấp thụ chất dinh dưỡng.

Bà Trần Thị Mùi, xóm Phú Lương, xã Lương Phú (Phú Bình), nói: Nhà tôi trồng 1 sào dưa chuột, hiện đang cho thu hoạch lứa quả đầu tiên. Nếu giá bán từ đầu vụ đến cuối vụ dao động ở mức 5-10 nghìn đồng/kg, mỗi sào dưa chuột chúng tôi thu về trên dưới 10 triệu đồng.

Còn bà Nguyễn Thị Hoa, ở xóm Ngọc Lâm, xã Linh Sơn (TP. Thái Nguyên) thì bảo: Nhà tôi trồng 2 sào rau mồng tơi. Đầu vụ, rau được giá 5 nghìn đồng/mớ, lại dễ bán, bà con rất phấn khởi. Những ngày gần đây, mặc dù giá rau giảm nhưng do cây đã cứng cáp hơn, không có sâu bệnh, lại cho thu hoạch liên tục nên tôi cũng yên tâm phần nào. Ngày nào tôi cũng thức dậy từ 4, 5h để hái rau chở sang bán tại chợ Túc Duyên và chợ Thái.

Vụ xuân năm nay, toàn tỉnh gieo cấy trên 28 nghìn ha lúa, hơn 6.600ha ngô, 4.800ha rau, đạt 100% kế hoạch. Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, những ngày tới, thời tiết sẽ tăng dần nhiệt độ, độ ẩm không khí vẫn duy trì ở mức cao (từ 80-88%), trời nắng mưa xen kẽ, là điều kiện thuận lợi cho nhiều đối tượng dịch hại phát sinh gây hại trên các loại cây trồng. Theo đó, sâu cuốn lá, sâu đục thân, rầy, bệnh đạo ôn có khả năng tiếp tục gây hại trên các trà lúa; bệnh khô vằn xuất hiện gây hại cục bộ. Còn trên cây ngô, sâu keo mùa thu, sâu cắn lá… tiếp tục gây hại.

Trước những diễn biến của thời tiết, ngành Nông nghiệp khuyến cáo bà con nông dân cần thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật như: Dặm tỉa, bón phân cân đối đúng thời điểm để cây trồng phát triển tốt. Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật cũng khuyến cáo bà con cần thường xuyên theo dõi, bám sát đồng ruộng để phát hiện sớm các loại sâu bệnh phát sinh. Đồng thời, khi sâu bệnh đến ngưỡng, bà con sử dụng các loại thuốc trừ sâu trong danh mục cho phép với liều lượng theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất.