Được chứng nhận OCOP là cơ hội để “chắp cánh” cho sản phẩm nông nghiệp của huyện vùng cao Võ Nhai vươn xa, góp phần đưa hàng nông sản, đặc sản địa phương từ làng ra phố. Qua đó nâng cao giá trị sản phẩm, thúc đẩy sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng hàng hóa.
Năm 2022, HTX nuôi trồng nấm bản địa (xã Vũ Chấn) xuất bán được trên 20 tấn sản phẩm OCOP và bước đầu xuất khẩu sang Nhật Bản, Singapore. |
2022 là năm đón nhận nhiều tin vui đối với Hợp tác xã (HTX) nuôi trồng nấm bản địa (xã Vũ Chấn). Ông Lê Văn Hiếu, Giám đốc HTX, chia sẻ: Sau khi được chứng nhận OCOP 4 sao, 2 sản phẩm là Nõn măng nứa Võ Nhai và Mộc nhĩ khô Võ Nhai của HTX đã được gửi đi tham gia các hội chợ, ngày hội quảng bá nông sản khắp cả nước và một số hội nghị, hội thảo quốc tế về nông sản. Đồng thời, quảng bá, chào bán trên nhiều sàn giao dịch thương mại điện tử. Qua đó, chúng tôi đã kết nối được với một số đối tác lớn, mở rộng tiêu thụ sản phẩm ra toàn quốc.
Đặc biệt, cuối năm 2022, HTX nuôi trồng nấm bản địa đã xuất khẩu được trên 2.000 sản phẩm OCOP đi Nhật Bản và Singapore. Đây là 2 thị trường có yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm nhưng lại rất tiềm năng đối với các sản phẩm của HTX như: mộc nhĩ khô, măng nõn nứa, đậu tương… Kết thúc năm 2022, chỉ tính riêng 2 sản phẩm OCOP đã đem về cho HTX doanh thu khoảng 7 tỷ đồng, với trên 20 tấn thành phẩm xuất bán.
Tương tự, HTX mì bún khô Tiến Diện (xã Tràng Xá) cũng đã mở rộng thị trường tiêu thụ sau khi được chứng nhận OCOP 3 sao đối với 2 sản phẩm là Bún khô Tiến Diện và Bún gạo lứt Tiến Diện. Với sự hỗ trợ của huyện Võ Nhai, sản phẩm của HTX đã được tiêu thụ trên địa bàn TP. Thái Nguyên và các huyện, thành phố khác trong tỉnh. Sản phẩm cũng được hỗ trợ tiêu thụ tại một số tỉnh, thành phố lớn trong khu vực và các sàn thương mại điện tử. Đặc biệt, mới đây, HTX mì bún khô Tiến Diện đã xuất bán trên 300kg sản phẩm sang thị trường Philippines.
Ông Hoàng Tiến Diện, Giám đốc HTX mì bún khô Tiến Diện, cho hay: Qua phối hợp giới thiệu và bán sản phẩm tại Trạm dừng nghỉ Hải Đăng, chúng tôi không chỉ tiêu thụ được trên 1,2 tấn sản phẩm mỗi năm mà còn kết nối được với một doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng ở Philippines và bước đầu xuất khẩu lô hàng đầu tiên để đối tác chào bán. Việc được chứng nhận OCOP đã giúp HTX mở ra cơ hội tìm kiếm những thị trường tiềm năng, nâng cao thu nhập cho các thành viên, đồng thời tạo thêm việc làm cho người lao động.
Không chỉ tại 2 HTX trên, toàn huyện Võ Nhai hiện có 12 sản phẩm OCOP được chứng nhận, tiêu biểu là: mật ong La Hiên, mì gạo Tiền Phong, trà Giảo cổ lam năm lá, chè an toàn Liên Minh, bánh Khau Sli Phú Thượng….
Theo ông Nguyễn Anh Thống, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Võ Nhai: Những năm gần đây, Võ Nhai đã đẩy mạnh hỗ trợ sản phẩm nông nghiệp địa phương, đặc biệt là các sản phẩm OCOP, tham gia nhiều hội chợ, triển lãm kết nối cung - cầu, giới thiệu sản phẩm ở trong và ngoài tỉnh. Huyện cũng phối hợp với Sở Công thương hỗ trợ các chủ thể OCOP duy trì hoạt động mua - bán trên các sàn thương mại điện tử uy tín; hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm tại một số điểm giới thiệu sản phẩm, điểm du lịch thu hút khách tham quan trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, huyện Võ Nhai cũng đưa vào hoạt động Cổng thông tin điện tử kết nối cung cầu sản phẩm nông nghiệp tại địa chỉ nongsanvonhai.vn. Toàn bộ sản phẩm OCOP của huyện đều được ưu tiên quảng bá, giới thiệu, kết nối tại đây và đã thu hút hàng chục nghìn lượt truy cập.
Thực tế cho thấy, sau khi được chứng nhận OCOP và hỗ trợ quảng bá, các sản phẩm nông nghiệp của huyện vùng cao Võ Nhai đều có những chuyển biến tích cực về thị trường sản phẩm. Một số sản phẩm bước đầu đã được giới thiệu, chào bán tại những thị trường khó tính như: Đức, Nhật Bản, Singapore, Philippines…
"Làn gió mới" này đã có những tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Theo thống kê của UBND huyện Võ Nhai, năm 2022, giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản của địa phương đạt trên 998 tỷ đồng, tăng gần 45% so với năm 2015; giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng cây lâu năm đạt gần 90 triệu đồng/năm, tăng 55% so với năm 2015. Riêng 3 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn huyện ước đạt 225,8 tỷ đồng, bằng 28,16% kế hoạch năm; giá trị ngành thương mại đạt 55,4 tỷ đồng, bằng 27,33%…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin