Qua nhiều năm loay hoay với những ruộng lúa không mang lại hiệu quả kinh tế, ông Nguyễn Văn Dào, ở xóm Văn Hữu, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ) đã tự đi nhiều nơi tham quan, học hỏi các mô hình kinh tế. Cuối cùng, ông quyết định nuôi ốc bươu đen, vì đây là mô hình phù hợp với đồng đất của gia đình, vốn đầu tư ít nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình nuôi ốc bươu đen mang lại cho gia đình ông Nguyễn Văn Dào thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. |
Ông Dào cho biết: Diện tích đất ruộng của gia đình tôi trũng thấp, trước đây cấy lúa song vẫn không đủ gạo ăn mà còn tốn nhiều công sức, chi phí. Mình là nông dân, đất đai là tư liệu sản xuất chính nên phải làm gì để diện tích đất dù ít hay nhiều cũng phải mang lại hiệu quả kinh tế.
Do vậy, từ năm 2018, ông Dào đã tự bỏ tiền đi nhiều nơi tham khảo các mô hình, vật nuôi dưới nước như ba ba, lươn, cá ... và rồi quyết định nuôi ốc bươu đen (ốc nhồi).
Vụ đầu tiên, ông bỏ 17 triệu đồng để mua hơn 10kg giống ốc về nuôi. Với phương châm lấy công làm lãi, ông mất gần một tháng trời để đào đất, hạ thấp mặt ruộng. Nhưng do chưa có kinh nghiệm, nên trứng giống ông mua về bị hỏng, không nở hoặc nở nhưng tỷ lệ sống thấp. Không nản lòng, ông lại tiếp tục tìm lên huyện Định Hoá học tập kinh nghiệm và mua 7kg trứng giống. Lần này, ông được hướng dẫn chi tiết về cách ấp trứng, thời kỳ nở, cách chăm sóc ốc con, thời gian để chuyển ra ruộng nuôi.
Sau khi bắt tay vào nuôi lượt mới và nhận thấy có hiệu quả nên ông Dào dần dần nhân rộng ra toàn bộ diện tích đất ruộng. Đến nay, ông đang nuôi ốc bươu đen với diện tích ao gần 2.000m2. Trung bình mỗi tháng, ông bán ra thị trường khoảng 1 tạ ốc thương phẩm, với giá 80-120 nghìn/kg. Ngoài ốc thương phẩm, ông còn bán trứng giống, ốc con với giá từ dao động từ 800 nghìn đồng đến 1,5 triệu đồng/kg, tuỳ từng thời điểm.
Hiện tại trong ao của ông Dào đang có 2 tạ ốc bố mẹ. Với số lượng này, chỉ cần khoảng 2-3 tháng, ốc đẻ ông có thể bắt đầu bán ốc thương phẩm, còn trứng và ốc con để lại tiếp tục nuôi. Với hình thức nuôi thả gối, nuôi hai tầng, một tầng ốc lứa trước, một tầng ốc con nên hàng tháng ông đều có sản phẩm xuất bán. Mỗi năm, riêng từ nuôi ốc, ông thu lãi gần 200 triệu đồng.
Ông Dào chia sẻ: Để nuôi ốc hiệu quả cần duy trì mực nước khoảng 30-70cm và đảm bảo nguồn nước sạch, ngoài ra phải duy trì 1/3 mặt nước là bèo tây để làm mát và lọc nước. Ốc bươu đen thường đẻ trứng từ tháng 3 đến tháng 10 Âm lịch hàng năm, còn những thời điểm khác là thời gian ốc ngủ đông và không ăn gì. Đến khoảng tháng 2 Âm lịch năm sau, ốc lại bắt đầu ngoi lên mặt nước để đi tìm thức ăn. Sau khi ốc đẻ trứng khoảng 18-20 ngày để ốc nở, sau hơn 1 tháng có thể bán ốc con và 6 tháng sau có thể bán ốc thương phẩm.
Cũng theo ông Dào, loài vật này có nhiều ưu điểm như sức đề kháng tốt, dễ chăm sóc, chỉ cần nguồn nước tự nhiên sạch là có thể nuôi tốt. Bởi vậy nên ốc không mấy khi bị bệnh, thi thoảng mắc các bệnh về sưng vòi khi thời tiết thay đổi đột ngột. Đối với loại bệnh này, ông chia sẻ kinh nghiệm, chỉ cần thay thế nguồn nước, khử trùng ốc bằng nước vôi trong, sau đó đổ nước lá xoan ngâm trong khoảng 3 tiếng ốc sẽ hồi lại ngay.
Thức ăn của ốc có sẵn trong tự nhiên như bèo tấm, lá cây, các phế phẩm nông nghiệp như rau, củ, quả thả trên mặt nước nên không phải tốn tiền mua thức ăn, chỉ mất tiền giống ban đầu. Nuôi ốc cũng không mất nhiều công chăm sóc, mỗi ngày chỉ cần cho ốc ăn một lần khi thấy lượng thức ăn đã hết, không nên cho quá nhiều thức ăn bởi sẽ bị ô nhiễm nguồn nước, ốc sinh bệnh. So với những loài vật nuôi dưới nước khác, ông thấy ốc bươu đen dễ chăm sóc và cho thu nhập cao hơn gấp nhiều lần.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Dào còn cung cấp giống và tận tình hướng dẫn kỹ thuật nuôi ốc bươu đen cho nhiều hộ nông dân khác ở trong và ngoài huyện. Đặc biệt, thấu hiểu sự vất vả của người nông dân và cũng từ kinh nghiệm của bản thân, nên với tất cả những người đến mua ốc giống đều được ông về tận nhà hướng dẫn kỹ thuật nuôi, cách làm đất, sử dụng nguồn nước, khử trùng… Riêng trong xóm Văn Hữu, ông đã hướng dẫn 2 hộ nuôi ốc hiệu quả. Ngoài nuôi ốc, gia đình ông cũng trồng gần 1ha rừng, chè và cây ăn quả. Với mô hình kinh tế này, năm 2022, ông Dào được tuyên dương là hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin