Hỗ trợ tín dụng, gỡ khó cho nền kinh tế

Theo nhandan.vn 08:21, 10/05/2023

Nhận diện khó khăn, thách thức mà nền kinh tế phải đối mặt, ngay những tháng đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chủ động, linh hoạt trong điều hành, sử dụng đến mức tối đa các công cụ có thể, dư địa của chính sách tiền tệ để tác động đến nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Khách hàng giao dịch tại một chi nhánh Ngân hàng Agribank.
Khách hàng giao dịch tại một chi nhánh Ngân hàng Agribank.

Ðáng chú ý, giảm lãi suất là một trong những chính sách quan trọng mà ngành ngân hàng đã và đang triển khai quyết liệt với tinh thần đồng hành, chia sẻ và trách nhiệm đối với người dân, doanh nghiệp, góp phần hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng.

Tạo điều kiện tiếp cận vốn vay mới

Theo thống kê mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), hiện nay, các khoản tiền gửi mới bình quân có mức lãi suất từ 6,0 - 6,1%/năm (cộng tất cả các kỳ hạn chia bình quân), còn cho vay từ 9-9,2%/năm. "Những con số này cho thấy tốc độ giảm lãi suất đang khá tích cực thời gian qua", Phó Thống đốc Thường trực NHNN Ðào Minh Tú cho biết.

Cách đây hơn một tháng, ngày 28/3, trong tâm thư gửi lãnh đạo NHNN, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Ðồng Nai đã khẩn thiết đề nghị ngân hàng có chính sách gia hạn nợ gốc, giảm một phần lãi suất như chính sách hỗ trợ giai đoạn Covid-19 cho ngành chăn nuôi; tiếp tục gia hạn các gói tín dụng cho các vùng chăn nuôi trọng điểm để duy trì hoạt động.

Theo ông Công, người chăn nuôi trên khắp cả nước đang trong tình cảnh "nghìn cân treo sợi tóc" do hơn một năm qua, giá nguyên liệu thức ăn tăng cao, thị trường tiêu thụ sụt giảm, giá lợn hơi thấp dưới giá thành, thua lỗ triền miên khiến nhiều trang trại buộc phải "treo chuồng".

Giảm lãi suất là một trong những chính sách quan trọng mà ngành ngân hàng đã và đang triển khai quyết liệt với tinh thần đồng hành, chia sẻ và trách nhiệm đối với người dân, doanh nghiệp, góp phần hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng.

Không riêng gì ngành chăn nuôi, các doanh nghiệp trong cả nước cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khác như giá nguyên, nhiên liệu đầu vào tăng cao, chuỗi cung ứng vẫn có nguy cơ gián đoạn, đứt gãy và đơn hàng mới khan hiếm. Cùng đó, việc tiếp cận vốn vẫn khó khăn, lãi suất ngân hàng điều chỉnh khiến chi phí doanh nghiệp tăng 5-10%.

Trước bối cảnh này, ngày 23/4, Thống đốc NHNN ban hành Thông tư số 02/2023/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, tương tự như đã triển khai trong giai đoạn dịch Covid-19. Ðiểm đáng lưu ý của Thông tư 02 so với các thông tư cơ cấu lại nợ trước đó là thông tư cho phép các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được quyền chủ động trong việc xem xét, đánh giá khó khăn của khách hàng để quyết định việc cơ cấu lại khoản nợ vay của khách hàng.

"Như vậy, các khoản nợ đến hạn, các khoản trả lãi đến hạn của người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn chưa có điều kiện trả nợ ngân hàng được tiếp tục giãn, hoãn thời hạn trả nợ và không bị chuyển nhóm nợ. Ðây là chính sách rất kịp thời, có tác dụng hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp trong thời điểm hiện nay còn đang gặp nhiều khó khăn do tác động của nền kinh tế thế giới, cung ứng nguồn hàng, việc tiêu thụ sản phẩm đình trệ", Phó Thống đốc Ðào Minh Tú đánh giá.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng nhận định, với việc tạo điều kiện kéo dài thời gian vay và trả nợ ngân hàng, Thông tư 02 sẽ giúp giảm áp lực trả nợ cho khách hàng, góp phần trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp tục quay vòng nguồn vốn và tiếp cận vốn vay mới để phục vụ sản xuất, kinh doanh, phục vụ đời sống, tiêu dùng, qua đó góp phần phát triển sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

"Thông tư 02 ban hành kịp thời, đáp ứng mong muốn của thị trường về ổn định dòng tiền của doanh nghiệp và khôi phục sản xuất, kinh doanh để phát triển. Các ngân hàng đã có nhiều kinh nghiệm thực hiện cơ cấu nợ trong giai đoạn Covid-19, với kinh nghiệm đó, việc triển khai sẽ đạt hiệu quả cao", ông Phạm Quang Thắng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Techcombank chia sẻ.

Hộ ông Bùi Quang Hiệu (ở khu 14, xã Tiên Kiên, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) phát triển kinh tế từ nguồn vốn vay của Agribank.
Hộ ông Bùi Quang Hiệu (ở khu 14, xã Tiên Kiên, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) phát triển kinh tế từ nguồn vốn vay của Agribank.

Giảm tiếp lãi suất, kích cầu tín dụng

Có thể nói, để tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn cho người dân và doanh nghiệp, trong bốn tháng qua, NHNN đã triển khai đồng bộ nhiều chính sách. Bên cạnh chính sách giãn, hoãn nợ, kéo dài thời hạn trả nợ cho các doanh nghiệp có khó khăn đến kỳ hạn chưa trả nợ được, kể cả lãi và gốc một năm như đã nêu trên; NHNN còn có những chính sách khác như điều hành chính sách tiền tệ bảo đảm ổn định giá trị đồng tiền, tỷ giá; tạo dư địa, đủ lượng tín dụng năm nay dự kiến là 14-15% cho việc khôi phục kinh tế, tăng trưởng.

Ngân hàng luôn bảo đảm thanh khoản cho nền kinh tế và các tổ chức tín dụng; tạo điều kiện cho thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu; thực hiện gói 120 nghìn tỷ đồng cho bất động sản với ba đối tượng ưu tiên; chỉ đạo tất cả ngân hàng thương mại giảm chi phí hành chính, thủ tục hỗ trợ doanh nghiệp... "Ðặc biệt, thời gian qua, việc giảm lãi suất là một trong những chính sách rất quan trọng, có ý nghĩa thiết thực giúp các doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh", Phó Thống đốc Ðào Minh Tú nhấn mạnh.

Việc hai lần hạ lãi suất điều hành trong thời gian ngắn của NHNN có thể nói vừa tạo thông điệp, vừa tạo định hướng cho các ngân hàng thương mại trong việc giảm lãi suất huy động cũng như hạ lãi suất cho vay. Theo đó, thời gian qua, các tổ chức tín dụng đã giảm lãi suất huy động bình quân từ 1-1,2 điểm phần trăm, giảm lãi suất cho vay chung trong hệ thống ngân hàng khoảng 0,5-0,65 điểm phần trăm.

Riêng các ngân hàng thương mại nhà nước, mức giảm tích cực hơn, khi lãi suất huy động giảm từ 1-1,5 điểm phần trăm, lãi suất cho vay giảm từ 1,5-2 điểm phần trăm. Mới đây nhất, kể từ ngày 1/5, Ngân hàng Vietcombank đã quyết định tiếp tục thực hiện giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với khách hàng hiện hữu trong ba tháng. Như vậy ước tính, hơn 600 nghìn tỷ đồng dư nợ của Vietcombank với khoảng 110 nghìn khách hàng sẽ thuộc đối tượng được giảm lãi suất cho vay lần này.

Việc hai lần hạ lãi suất điều hành trong thời gian ngắn của NHNN có thể nói vừa tạo thông điệp, vừa tạo định hướng cho các ngân hàng thương mại trong việc giảm lãi suất huy động cũng như hạ lãi suất cho vay. Theo đó, thời gian qua, các tổ chức tín dụng đã giảm lãi suất huy động bình quân từ 1-1,2 điểm phần trăm, giảm lãi suất cho vay chung trong hệ thống ngân hàng khoảng 0,5-0,65 điểm phần trăm.

Ngoài Vietcombank, trước đó, Ngân hàng Agribank cũng công bố chương trình tín dụng ưu đãi có quy mô 100 nghìn tỷ đồng và 500 triệu USD đối với khách hàng doanh nghiệp. Ngân hàng này giảm 1,5%/năm lãi suất cho vay bằng VND và 1%/năm cho khoản vay bằng USD, áp dụng từ ngày 15/3 đến hết tháng 6. Ngân hàng MB cũng công bố giảm 1%/năm lãi suất khi khách hàng vay vốn trên nền tảng số BIZ MBBank. Chương trình này được dành riêng cho khách hàng doanh nghiệp có doanh thu dưới 100 tỷ đồng,...

Ðộng thái giảm lãi suất từ phía các ngân hàng thương mại đã và đang tạo rất nhiều kỳ vọng giúp doanh nghiệp, người vay giảm bớt chi phí vốn. Theo Chủ tịch Tập đoàn Kim Nam Group Nguyễn Kim Hùng, các doanh nghiệp đón nhận thông tin giảm lãi suất với tâm lý rất tích cực bởi họ tin kế hoạch kinh doanh sẽ được thúc đẩy thông suốt hơn do chi phí rẻ, mặt khác họ cũng có thể tận dụng nhiều hơn vào nguồn vốn vay từ ngân hàng.

Tuy nhiên, dù NHNN đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn cho người dân và doanh nghiệp, song tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đến nay vẫn ở mức thấp. Ðến ngày 27/4, theo thống kê sơ bộ, tín dụng toàn nền kinh tế tăng trưởng 3,04% so cuối năm 2022. "Như vậy, tín dụng tăng chậm trong bối cảnh đầu năm không chịu hạn chế bởi hạn mức tăng trưởng tín dụng và trong điều kiện thanh khoản hệ thống các tổ chức tín dụng được cải thiện. Ðiều đó cho thấy sức hấp thụ vốn thấp", Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhìn nhận.

Do vậy, để cải thiện hơn nữa việc tiếp cận tín dụng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp khác từ các bộ, ngành và địa phương. Ðơn cử, đối với lĩnh vực bất động sản, phải giải quyết được khó khăn chủ yếu là vướng mắc pháp lý thì các chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ mới phát huy hiệu quả, doanh nghiệp mới chứng minh được có dòng tiền trả nợ theo kỳ hạn mới.

Mặt khác, việc thúc đẩy tín dụng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cần hài hòa với mục tiêu bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. Ðể thúc đẩy cầu tín dụng trong nền kinh tế, bên cạnh các giải pháp từ phía ngành ngân hàng, theo TS Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, giải pháp đầu tiên là đẩy mạnh đầu tư công, tiếp đến là kích cầu tiêu dùng trong nền kinh tế.

Thời gian qua, tín dụng tăng chậm không chỉ ở Việt Nam; khi các ngân hàng Mỹ sụp đổ, lan sang châu Âu, các ngân hàng tại nhiều quốc gia cũng thận trọng hơn khi cho vay, để bảo đảm thanh khoản, sẵn sàng chi trả cho người gửi tiền. "Ðối với Việt Nam, không nên dựa quá nhiều vào tăng trưởng tín dụng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là tín dụng dài hạn, mà thay vào đó, để thúc đẩy tăng trưởng cần thúc đẩy đầu tư công và các nguồn vốn khác để bảo đảm hài hòa giữa các mục tiêu kinh tế vĩ mô, tiền tệ", đại diện lãnh đạo NHNN nêu rõ.



Website https://creditcard.com.vn Chia sẻ kiến thức thẻ tín dụngHướng dẫn mở tài khoản chuyển tiền quốc tế Cách vay thẻ tín dụng nhanh chóng hàng hóa phái sinh