Vài năm gần đây, liên tiếp những khó khăn kéo đến đã khiến nhiều hãng taxi trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên lao đao. Ngoại trừ một vài hãng còn “sống” được, không ít doanh nghiệp taxi đã phải co cụm lại quy mô kinh doanh để "cắt lỗ", có hãng đã thanh lý xe, rời khỏi thị trường...
Khu vực gần Quảng trường Võ Nguyên Giáp luôn có những chiếc taxi dừng chờ đón khách. |
Đi một vòng quanh các tuyến phố chính của TP. Thái Nguyên, chúng ta dễ dàng thấy cảnh tượng nhiều chiếc taxi đỗ chờ đón khách. Tất cả đều cùng chung cảnh ế ẩm.
Anh Đinh Khắc Thưởng, lái xe hãng taxi Bình An, chán nản nói: Ngày trước, khi có khách đi đường dài thì thu nhập của cánh taxi chúng tôi còn khá khẩm, chứ vài năm nay, chủ yếu khách đi loanh quanh trong thành phố, quãng đường ngắn nên chẳng kiếm được là bao. Thêm nữa, cạnh tranh trong thành phố cũng lớn, nhan nhản xe đỗ thế này, chúng tôi sống rất chật vật. Có hôm từ sáng đến trưa, tôi mới đón được 1 khách chạy vài km mà xe thì vẫn phải chạy loanh quanh nên đôi khi không đủ bù tiền xăng.
Còn anh Nguyễn Bùi Linh, tổ 3, phường Đồng Quang, chia sẻ: Tôi bắt đầu vào nghề lái taxi từ năm 2017. Thời điểm đó, từ số tiền tích cóp, cùng với sự hỗ trợ của gia đình, tôi mua được chiếc xe ô tô, rồi đem xe góp cổ phần với hãng taxi Mai Linh. Đây cũng là thời gian làm ăn "rực rỡ" nhất của tôi, khi đó lượng khách đi taxi đông, trung bình mỗi tháng tôi thu được khoảng 60 triệu đồng. Giờ thì trung bình mỗi tháng tôi chỉ thu được khoảng 25 triệu đồng, trừ chi phí xăng dầu gần 10 triệu đồng, cộng với phí bảo dưỡng, thay thế phụ tùng, chỉ còn lại vài triệu để trang trải cuộc sống gia đình.
Theo nhiều lái xe taxi, xăng dầu, bảo dưỡng, thay thế phụ tùng là những chi phí bắt buộc hằng tháng. Chưa kể chi phí khấu hao xe, thỉnh thoảng không may va quệt phải sửa chữa thì coi như lỗ vốn. Nhưng đã gắn bó với nghề nhiều năm, nhiều người cho biết, giờ chuyển nghề họ cũng không biết làm gì nên đành phải bám trụ.
Những khó khăn của ngành vận tải taxi phải kể đến là từ khi bắt đầu có dịch COVID- 19 và lệnh giãn cách xã hội, cùng với người dân lo sợ lây nhiễm nên một thời gian dài hoạt động vận tải bằng taxi ngưng trệ. Tiếp theo đó, giá xăng dầu trong nước liên tục tăng cao, có thời điểm gần chạm mốc 30.000 đồng/lít, trong khi đó giá cước không thể tăng theo, khiến các doanh nghiệp phải cắt giảm nhiều chi phí mới trụ được.
Rồi hiện nay, khi giá xăng dầu đã "hạ nhiệt", nhưng sự ra đời của nhiều loại hình vận tải như: Dịch vụ xe chung, limousine... thêm nữa là lượng xe ô tô cá nhân tăng lên đáng kể, khiến người dân chủ động hơn trong việc đi lại, nên lượng khách di chuyển bằng taxi giảm rất nhiều.
Ngoài ra, nhiều loại chi phí khác ngày càng tăng cao cũng khiến cho chi phí vận hành của các doanh nghiệp taxi bị "đội lên", lợi nhuận sụt giảm. Cộng hưởng những khó khăn này lại, các doanh nghiệp vận tải taxi đang phải trải qua thời kỳ vất vả chồng chất.
Ví như taxi Thái Bảo từng là một trong những hãng mạnh trong giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2018. Vốn kinh doanh thực phẩm, có tiềm lực về kinh tế, khi nhận thấy kinh doanh vận tải taxi có nhiều tiềm năng, doanh nghiệp đã đầu tư trên 30 tỷ đồng mua toàn bộ giàn xe cao cấp với gần 100 xe. Nhưng chỉ sau vài năm hoạt động, khi thị trường taxi đã không còn là “miếng bánh ngon”, hãng taxi này đã phải dần thu hẹp quy mô. Đến thời điểm hiện tại, hãng đã thanh lý toàn bộ xe và rời bỏ thị trường.
Không riêng Thái Bảo, nhiều doanh nghiệp taxi đã phải thanh lý xe, thu hẹp quy mô kinh doanh để giảm bớt chi phí, gồng mình chống đỡ với hy vọng vượt qua thời kỳ khó khăn. Hiện nay, toàn tỉnh có 29 đơn vị vận tải taxi, với trên 1.500 xe, trong đó nhiều hãng taxi phần lớn là xe cổ phần như: Bình An, Mai Linh, ...
Thái Nguyên là trung tâm kinh tế, giáo dục của khu vực trung du và miền núi phía Bắc, lượng công nhân, học sinh, sinh viên tập trung đông. Song, nhu cầu đi lại bằng taxi chưa thực sự cao, phần lớn người di chuyển bằng taxi chỉ bó hẹp trong phạm vi các thành phố, với quãng đường ngắn, nên doanh thu không cao. Các hãng taxi ở Thái Nguyên cũng đang phải gồng mình đối mặt với nhiều khó khăn bủa vây. Đây cũng chính là lý do mà Thái Nguyên vẫn chỉ có những doanh nghiệp taxi truyền thống hoạt động, mà chưa được các hãng taxi công nghệ như: Grab, vato... để mắt tới.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin