Năm 2022, du lịch Võ Nhai thu hút gần 116 nghìn lượt khách, tăng gần 10 lần so với năm 2021 và đạt 70% so với năm 2019 - thời điểm trước khi dịch COVID-19 xảy ra. Tại huyện vùng cao này, ngành Du lịch không chỉ thu hút khách với các điểm di tích, danh thắng mà còn bởi các sản phẩm nông nghiệp đặc sắc, phong phú.
Lãnh đạo huyện Võ Nhai kiểm tra các gian hàng giới thiêụ nông sản địa phương tại Lễ hội Võ Nhai nơi cội nguồn. |
Nông sản đặc sắc, đa dạng
Vài năm gần đây, anh Nguyễn Quang Hưng, phường Tân Lập (TP. Thái Nguyên), thường chọn những chuyến du lịch ngắn, đi về trong ngày để đưa gia đình đi trải nghiệm, nghỉ ngơi. Võ Nhai thường được anh lựa chọn vì có một số điểm đến phù hợp với sở thích của các con anh. Đặc biệt, nông sản phong phú của huyện vùng cao cũng là một yếu tố khiến chuyến du lịch ngắn hấp dẫn hơn với gia đình anh.
Anh Hưng chia sẻ: Nông sản của vùng cao Võ Nhai mùa nào thức nấy, giá bán cũng hợp lý. Dịp Hè, tôi và gia đình chọn đi tắm suối Mỏ Gà, thác 7 tầng kết hợp trải nghiệm vườn na xã La Hiên, vườn ổi, vườn nhãn Phú Thượng chính vụ. Dịp cuối năm, tôi lại thường cùng nhóm bạn đi khám phá đời sống bà con người dân tộc thiểu số tại các xã phía Nam. Dịp đó, anh em không quên mua cành hoa đào đẹp của bà con xã Phương Giao, vài con gà nuôi bán chăn thả ở xã Bình Long ăn Tết và mua vài trăm quả bưởi Diễn ở xã Tràng Xá…
Không riêng anh Hưng, khá nhiều du khách lựa chọn đến với Võ Nhai không chỉ bởi sự hấp dẫn của các điểm du lịch, di tích kể trên mà còn bởi những trải nghiệm với văn hóa ẩm thực, nông sản, sản phẩm thủ công của bà con địa phương.
Nông sản địa phương thu hút khách du lịch tại Lễ hội Võ Nhai nơi cội nguồn. |
Điểm du lịch cộng đồng xóm Mỏ Gà của Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Nông lâm nghiệp Phú Thượng chính thức đi vào hoạt động từ tháng 9-2022 nhưng đã thu hút được gần 2 nghìn lượt khách và đạt doanh thu khoảng 500 triệu đồng.
Tại đây, du khách có thể tham quan Di tích lịch sử đình Mỏ Gà, trải nghiệm các trò chơi dân gian, nghề truyền thống bản địa, trải nghiệm dịch vụ ăn uống với nhiều món ăn chế biến từ nông sản địa phương.
Ngoài ra, du khách cũng có thể mua sắm sản vật địa phương như sản phẩm mây tre đan, sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp, hoa quả theo mùa… tại điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp.
Theo thống kê của HTX, từ khi đi vào hoạt động, Điểm du lịch Mỏ Gà đã tiêu thụ trên 10 tấn nông sản địa phương, như: Na, ổi, nhãn, quýt, mì gạo Tiền Phong, bún khô Tiến Diện, bánh Khau Sli Phú Thượng…
Ông Lành Văn Hữu, Giám đốc HTX, chia sẻ: Hầu hết du khách đến Mỏ Gà đều rất quan tâm tới các nông sản địa phương. Vì vậy, ngoài việc tổ chức điểm bán nông sản phục vụ nhu cầu của khách, chúng tôi mở tua tham quan vườn na, ổi, nhãn để tăng thêm dịch vụ cho khách du lịch trải nghiệm.
Bà Hoàng Thị Dậu, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Võ Nhai, cho biết: Tính trung bình, nếu như năm 2019, mỗi lượt khách đến Võ Nhai chỉ chi tiêu chưa tới 30 nghìn đồng thì năm 2022, mỗi lượt khách trung bình chi gần 80 nghìn đồng. Ngoài các chi phí cho dịch vụ tham quan, lượng du khách chi tiêu vào các sản phẩm hàng hóa, nông sản đã tăng khá nhiều. Đây được đánh giá là minh chứng cho sức hấp dẫn của nông sản địa phương với du khách đến vùng cao Võ Nhai.
Du lịch trải nghiệm vườn na thu hút khách du lịch đến với Võ Nhai. |
Nông nghiệp, du lịch song hành
Huyện Võ Nhai hiện có 82 điểm di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, trong đó có 5 di tích cấp Quốc gia và 10 di tích cấp tỉnh. Huyện còn có nhiều điểm du lịch khác trên địa bàn các xã như: Thần Sa, Phú Thượng, Thượng Nung, Tràng Xá… thu hút khách du lịch. Võ Nhai cũng có diện tích đất rộng lớn, đặc biệt là đất đồi, bãi, thuận lợi phát triển cây cây ăn quả có giá trị cao như: Na, bưởi, nhãn, ổi...
Trên cơ sở này, những năm gần đây, Võ Nhai khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng cây ăn quả phù hợp để phát triển kinh tế song hành với du lịch trải nghiệm, mua sắm. Huyện cũng xây dựng các tua, tuyến du lịch nông nghiệp gắn với trải nghiệm, mua sắm nông sản địa phương, như: Du lịch trải nghiệm thung lũng na xã La Hiên; vườn ổi, nhãn, quýt xã Phú Thượng; vườn bưởi Diễn, đồi chè xã Tràng Xá…
Bưởi Tràng Xá. |
Qua đó, toàn huyện đã phát triển được gần 1,6 nghìn ha cây ăn quả, tăng hơn 600ha so với năm 2015. Trong đó, diện tích cây ăn quả cho sản phẩm là trên 1,25 nghìn ha, diện tích cây ăn quả trồng mới trên 305ha, gồm một số loại cây ăn quả chính như: Na, nhãn, bưởi, cam, quýt, ổi... tập trung tại các xã: Tràng Xá, La Hiên, Lâu Thượng, Phú Thượng, Dân Tiến…
Bà Bùi Thị Sen, Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai, cho biết: Qua thực tế, phát triển du lịch gắn với phát huy giá trị các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, các sản phẩm nông, lâm nghiệp đặc trưng của địa phương đem lại hiệu quả kinh tế cao và chúng tôi sẽ tận dụng, khai thác tối đa nguồn lực hiện có để phát triển du lịch song hành với nông nghiệp, phấn đấu đưa du lịch cơ bản là một ngành kinh tế của huyện. Chúng tôi đặt mục tiêu, đến năm 2025, Võ Nhai sẽ trở thành điểm đến của du lịch Thái Nguyên, đón khoảng 260 nghìn khách/năm và là vùng trọng điểm cây ăn quả của tỉnh với diện tích khoảng 2,5 nghìn ha.
Năm 2016, Võ Nhai thu hút 11 nghìn lượt khách du lịch; đến năm 2019, huyện thu hút 164 nghìn lượt khách, đạt doanh thu gần 4,4 tỷ đồng. Năm 2022, huyện đón gần 116 nghìn lượt khách du lịch, tăng gần 10 lần so với năm 2021. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin