Tận dụng lợi thế để nuôi cá lồng trên hồ Núi Cốc

Nguyễn Lê 08:15, 04/05/2023

Hồ Núi Cốc rộng 2.500ha, với nhiều đảo lớn nhỏ, khí hậu ôn hòa, mát mẻ. Ngoài tiềm năng phát triển du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng, nơi đây còn được đánh giá là địa điểm lý tưởng để nuôi cá lồng. Nắm bắt lợi thế đó, từ năm 2016, ông Lê Khánh Lộc, ở xóm Gốc Mít, xã Tân Thái (Đại Từ) đã thành lập Hợp tác xã (HTX) thủy sản hồ Núi Cốc với mục tiêu liên kết các hộ dân để phát triển chăn nuôi thủy sản trên hồ.

HTX thủy sản hồ Núi Cốc đang chăn nuôi nhiều loại cá, trong đó cá lăng là giống chủ lực.
HTX thủy sản hồ Núi Cốc đang chăn nuôi nhiều loại cá, trong đó cá lăng là giống chủ lực.

Từ 10 lồng cá khi mới thành lập, đến nay, HTX thủy sản hồ Núi Cốc đã phát triển lên 20 lồng. Trong đó, HTX lựa chọn cá lăng là giống chủ lực để chăn nuôi. Cá lăng thành phẩm có thịt chắc, ngọt, ít xương dăm, được thị trường ưa chuộng và đem lại giá trị kinh tế cao.

Thông thường, người dân mua giống và thả cá lăng vào 2 thời điểm trong năm, đó là khoảng tháng 3 và tháng 9 hằng năm. Nguồn thức ăn chính của cá lăng là tép dầu hồ Núi Cốc, được HTX mua lại từ dân chài quanh vùng. Khi cá lăng còn bé, người nuôi có thể thả cả vạn con mỗi lồng, sau đó tách đàn dần. Đến khi cá đạt trọng lượng khoảng 1kg/con, người nuôi chỉ thả với mật độ 500-700 con/lồng. Sau 2 năm rưỡi nuôi trong lồng, cá lăng sẽ đạt trọng lượng trên 3kg/con.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Lê Khánh Lộc, Giám đốc HTX thủy sản hồ Núi Cốc, cho hay: Trong chăn nuôi, quan trọng nhất là công tác phòng, chống dịch bệnh. Với chăn nuôi thủy sản, việc phòng bệnh không dễ, do vật nuôi ở dưới nước, khó quan sát, phát hiện bệnh kịp thời, thông thường khi phát hiện bệnh thì con cá đã ở giai đoạn nặng. Do vậy, chúng tôi thực hiện vệ sinh lồng thường xuyên, tăng sức đề kháng cho cá qua chế độ dinh dưỡng và cẩn trọng phòng bệnh vào những thời điểm giao mùa, chú ý các nguyên nhân gây bệnh cho cá là vi khuẩn gây xuất huyết, nấm… Bên cạnh đó, người nuôi phải đảm bảo không để cá bị xây xước da, sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập.

Nhờ thực hiện tốt khâu kiểm soát bệnh cho cá, nên tỷ lệ cá lăng sống, sinh trưởng, phát triển tốt của HTX luôn ở mức cao (80-90%). Bình quân mỗi lứa cá lăng, HTX thủy sản hồ Núi Cốc xuất bán trên 10 tấn cá thương phẩm cho các thương lái, nhà hàng trong và ngoài tỉnh, với giá 100-150 nghìn đồng/kg.

Do cá lăng có thời gian sinh trưởng kéo dài, nên trong thời gian này, HTX thực hiện nuôi gối và xen theo hình thức "lấy ngắn nuôi dài", với các loại cá ngắn ngày khác để có thêm thu nhập. Trung bình mỗi lứa, HTX thu 5-7 tấn cá các loại (mỗi năm 1 lứa), như: rô phi, chép, ngạnh…

Ngoài chăn nuôi cá thương phẩm, HTX thủy sản hồ Núi Cốc còn cung cấp các loại cá giống cho thị trường chăn nuôi thủy sản trong và ngoài tỉnh. Bình quân mỗi năm, HTX cung cấp từ 100.000 đến 200.000 con cá giống các loại.

Tham gia góp vốn xây dựng HTX, 10 thành viên cũng được hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp thức ăn chăn nuôi với giá cả hợp lý, đặc biệt là bao tiêu đầu ra cho cá thương phẩm. Mới đây, HTX đã thực hiện ký kết hợp đồng cung cấp 10.000 con cá giống mỗi năm cho một công ty chăn nuôi thủy sản ở tỉnh Yên Bái, với giá bán ổn định.

Cùng với phát triển chăn nuôi thủy sản, quanh các lồng nuôi, HTX thủy sản hồ Núi Cốc còn nuôi trồng trai nước ngọt lấy ngọc, với số lượng 3.000-5.000 con/năm, cho sản lượng lượng ngọc trai tương ứng. Ngoài lấy ngọc cho giá trị kinh tế cao (100-200 nghìn đồng/viên ngọc), ruột trai được HTX tận dụng làm thức ăn cho cá, vỏ trai cung cấp cho các cơ sở khảm trai, làm đồ gỗ mỹ nghệ… Ngoài ra, mỗi con trai được ví như một chiếc máy lọc nước tuần hoàn, góp phần giúp môi trường nước nuôi cá trong sạch hơn - mang lại "lợi ích kép" cho chăn nuôi.

“Mặc dù thu về lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhưng HTX vẫn đang gặp khó khăn trong việc mở rộng sản xuất, xây dựng trụ sở và xưởng chế biến sản phẩm do chúng tôi chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chung. Diện tích đất đang sử dụng hiện vẫn thuộc quyền sử dụng của cá nhân, do các thành viên đóng góp. Điều này gây khó khăn cho HTX khi có nhu cầu vay vốn, bởi không có tài sản thế chấp. Thời gian tới, chúng tôi mong muốn được các cấp, ngành hỗ trợ thêm về thủ tục pháp lý để HTX có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh, xây dựng thương hiệu chăn nuôi an toàn và nâng cao thu nhập cho người dân…” - Giám đốc HTX thủy sản hồ Núi Cốc Lê Khánh Lộc đề xuất.