Những năm qua, nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Đại Từ đã phát huy vai trò là công cụ hữu hiệu nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Nhờ nguồn vốn này, nhiều hộ đã thoát nghèo và có đời sống khấm khá, góp phần giúp các địa phương hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới (NTM).
Cán bộ NHCSXH huyện Đại Từ thăm mô hình vay vốn phát triển sản xuất của người dân tại xã Phú Thịnh. |
Cùng cán bộ xã Phú Thịnh đến thăm nhà anh Nguyễn Công Nghĩa, ở xóm Phố, chúng tôi bất ngờ khi thấy cơ ngơi khang trang, rộng rãi của gia đình. Bởi chỉ cách đây vài năm, gia đình anh Nghĩa còn là một trong những hộ nghèo ở xã.
Theo lời kể của anh Nghĩa, thời điểm đang trong tình trạng ăn bữa nay lo bữa mai, anh được biết thông tin NHCSXH có chương trình cho vay vốn ưu đãi đối với hộ nghèo. Được cán bộ hướng dẫn đăng ký, làm thủ tục, năm 2011, gia đình anh được Ngân hàng giải ngân cho vay 40 triệu đồng. Với số tiền này, anh thuê máy xúc san gạt đất đồi để trồng chè, rồi làm gạch nung. Dành dụm được bao nhiêu, anh lại đầu tư mở rộng sản xuất đến đó, đồng thời, tiếp tục vay thêm 40 triệu đồng từ NHCSXH để có vốn kinh doanh. Đến năm 2015, gia đình anh Nghĩa chính thức thoát nghèo.
Tháng 5/2021, anh tiếp tục vay NHCSXH 50 triệu đồng từ chương trình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn để mở xưởng sản xuất gỗ nan. Đến nay, xưởng hoạt động ổn định, với 8 lao động thường xuyên, với thu nhập bình quân 6-9 triệu đồng/người/tháng.
Câu chuyện thoát nghèo của vợ chồng anh Nghĩa là ví dụ điển hình cho thấy hiệu quả của nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi. Những năm qua, dòng vốn tín dụng chính sách đã đồng hành cùng người dân ở khắp các xóm, xã trên địa bàn huyện Đại Từ. Qua đó, tích cực đồng hành với các địa phương thực hiện thành công các tiêu chí xây dựng NTM, đặc biệt là các tiêu chí về thu nhập, nghèo đa chiều, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn.
Đối với hoạt động ủy thác, NHCSXH huyện Đại Từ đã ký kết văn bản liên tịch ủy thác tín dụng với 4 tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện, gồm: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên và ký hợp đồng ủy thác với các hội cấp xã; hợp đồng ủy nhiệm với các tổ tiết kiệm và vay vốn ở cấp xóm, tổ dân phố.
Mạng lưới làm công tác ủy thác đã phủ rộng khắp ở 100% xóm, tổ dân phố trong huyện. Các tổ chức chính trị - xã hội phát huy thế mạnh trong việc quản lý, đôn đốc, kiểm tra hiệu quả sử dụng vốn vay, trả nợ, trả lãi của các đối tượng thụ hưởng. Do đó, chất lượng tín dụng ủy thác ngày một nâng lên.
Chị Nguyễn Thị Hải, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn xóm Phú Thịnh 1, xã Phú Thịnh, cho biết: Tổ hiện có 44 thành viên, với tổng dư nợ gần 2 tỷ đồng. Để người dân sử dụng nguồn vốn hiệu quả, đúng mục đích, chúng tôi thường xuyên bám sát cơ sở, hướng dẫn người dân sử dụng vốn vay đúng mục đích.
Tính đến cuối tháng 4/2023, tổng nguồn vốn của NHCSXH huyện Đại Từ đạt hơn 650 tỷ đồng, tăng trên 11,2 tỷ đồng so với cuối năm 2022; tổng dư nợ là gần 590 tỷ đồng, tăng gần 7,5 tỷ đồng so với cuối năm 2022; tỷ lệ tăng trưởng là 1,28%; tổng số khách hàng còn dư nợ là trên 13.000 khách hàng...
Bà Trần Thị Kim Hòa, Giám đốc NHCSXH huyện Đại Từ, thông tin: Những năm qua, NHCSXH huyện đã huy động các nguồn lực tài chính, kịp thời giải ngân cho vay đối với các hộ có nhu cầu và đáp ứng đủ điều kiện. Qua theo dõi của chúng tôi, trong quá trình vay vốn, các hộ vay đều sử dụng đúng mục đích, thực hiện hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Thời gian tới, NHCSXH huyện tiếp tục cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương bám sát định hướng chiến lược phát triển của huyện Đại Từ, đặc biệt là mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng huyện NTM...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin