Để cây quế không phát triển “nóng”

Khánh Thiện 08:59, 14/06/2023

Những năm gần đây, quế là loại cây được nhiều hộ dân trong tỉnh lựa chọn trồng để cung cấp nguồn dược liệu và gỗ cho thị trường, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh hiện chưa có nhà máy chế biến sâu sản phẩm quế, việc tiêu thụ vỏ, thân, lá quế chủ yếu phụ thuộc vào thương lái. Chính vì vậy, nếu người dân "ồ ạt" mở rộng diện tích vùng trồng quế sẽ khiến loại cây trồng này đứng trước nguy cơ phát triển “nóng”, gặp nhiều rủi ro.

Người dân xóm Đồng Đình, xã Kim phượng (Định Hóa) kiểm tra rừng quế.
Người dân xóm Đồng Đình, xã Kim Phượng (Định Hóa) kiểm tra rừng quế.

Dẫn chúng tôi đi giữa những đồi quế xanh ngút ngàn, anh Đặng Văn Phượng, một hộ dân ở xóm Đồng Đình, xã Kim Phượng (Định Hóa), chia sẻ: Năm 2017, sau khi thu hoạch rừng keo, nhà tôi chuyển sang trồng quế. Sau 6 năm vất vả chăm sóc, năm nay, chúng tôi dự định sẽ khai thác tỉa cành, lá quế. Với giá cành và lá tươi hiện đạt 1.200 đồng/kg, chúng tôi có thêm thu nhập để cải thiện đời sống. Hiện nay, nhiều hộ dân trong xã cũng đã phủ xanh đồi bằng cây quế.

Theo tính toán của các chuyên gia, ước tính tổng giá trị kinh tế của 1ha quế (trong vòng 15 năm) có thể đạt trên 550 triệu đồng (thu nhập từ việc tỉa thưa để thu cành, lá, vỏ, thân gỗ), cao gấp 2-3 lần so với trồng keo. Do vậy, thời gian qua, nhiều hộ dân trong tỉnh đã chuyển sang trồng loại cây này.

Hiện nay, Định Hóa và Võ Nhai là 2 địa phương đang phát triển mạnh cây quế. Đối với Định Hóa, từ năm 2016 đến nay, địa phương đã hỗ trợ người dân trồng được gần 3.000ha quế, phấn đấu đến năm 2030 toàn huyện trồng được 10.000ha. Còn tại Võ Nhai, diện tích quế đạt trên 300ha. Huyện đặt mục tiêu đến năm 2025, diện tích trồng quế đạt trên 500ha và đến năm 2030 đạt trên 1.000ha.

Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, quế được xác định là một trong 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Thái Nguyên. Tỉnh đặt mục tiêu hình thành vùng trồng quế tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Tỉnh Thái Nguyên phấn đấu đến năm 2025, diện tích trồng quế đạt 6.500ha, năm 2030 đạt 11.500ha; giá trị sản phẩm thu được trên 1 chu kỳ sản xuất (giá hiện hành) đến năm 2025 đạt 425 triệu đồng/ha/chu kỳ (10 năm) và đến năm 2030 đạt 1 tỷ đồng/ha/chu kỳ (15 năm).
Đầu ra cho sản phẩm quế đang là băn khoăn của nhiều hộ dân trong tỉnh.

Trên thực tế, với đặc tính dễ chăm sóc và cho thu nhập cao, thời gian qua, nhiều hộ dân trong tỉnh đã mạnh dạn chuyển đổi các diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng quế.

Tuy nhiên, điều đáng nói là bà con vẫn chủ yếu trồng quế theo kinh nghiệm, mật độ dày, chưa tuân thủ khoảng cách giữa các cây. Đặc biệt, các sản phẩm chế biến từ quế mới chỉ dừng lại ở dạng thô, giá thành không cao và thị trường tiêu thụ thiếu bền vững.

Bà Triệu Thị Băng, người dân xóm Đồng Đình, xã Kim Phượng (Định Hóa), cho hay: Quế là loại cây dễ trồng, ít sâu bệnh. Nhà tôi đang trồng, chăm sóc lứa quế thứ hai, được 4 năm tuổi. Vài năm trước, giá quế bóc còn đạt 26-27 nghìn đồng/kg, nhưng giờ chỉ đạt 19-20 nghìn đồng/kg. Giá cả thị trường lên xuống bấp bênh và phụ thuộc vào thương lái nên chúng tôi cũng lo lắng vấn đề đầu ra cho sản phẩm.

Bên cạnh đó là khó khăn về liên kết tiêu thụ sản phẩm, phát triển thị trường; trong đó, liên kết giữa các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu với người trồng quế chưa phát triển. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh cũng chưa có nhà máy chế biến sâu sản phẩm quế, đầu ra phụ thuộc thương lái. Chính vì vậy, nếu người dân tự ý mở rộng vùng trồng quế mà không tuân thủ theo quy hoạch sẽ dẫn đến tình trạng phát triển “nóng” và gặp khó về đầu ra giống như một số loại cây trồng khác trong thời gian qua, như: vải, bưởi, nhãn…

Chính vì vậy, để nâng cao giá trị cây quế, cùng với việc mở rộng diện tích, ngành Nông nghiệp khuyến khích các địa phương tập trung phát triển theo chiều sâu, quy hoạch giống, nâng cao chất lượng. Cùng với đó, không chỉ chạy theo số lượng mà cần tăng cường liên kết chế biến sản phẩm theo chuỗi giá trị. Trên cơ sở diện tích trồng quế hiện có, việc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư các nhà máy cũng như cơ sở chế biến tinh dầu cũng là việc làm cần thiết để đảm bảo đầu ra cho cây quế. 

Ông Phạm Văn Vũ, Giám đốc Công ty TNHH Vũ Hoa, ở thị trấn Chợ Chu (Định Hóa), đơn vị duy nhất trong tỉnh thu mua sản phẩm cành, lá quế của bà con, cho biết: Hiện, Công ty đã ký một số hợp đồng xuất khẩu sản phẩm quế đến các nước thuộc khu vực Trung Đông và Trung Quốc, Hàn Quốc… Để nâng cao giá trị cây quế, tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định cho bà con, thời gian tới, Công ty rất mong được chính quyền địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất.

Có thể khẳng định, cây quế đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân địa phương. Nhưng để phát triển bền vững, Thái Nguyên cần nhiều hơn nữa các chính sách khuyến khích, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư theo hướng chế biến sâu, tìm kiếm thị trường, hình thành chuỗi liên kết từ việc ươm, trồng, chế biến đến tiêu thụ.

Đặc biệt, việc phát triển cây quế cần theo đúng định hướng quy hoạch, tránh việc người dân phát triển ồ ạt, tự phát, xâm lấn vào diện tích rừng khác. Cùng với đó, kiểm soát tốt vùng trồng, bảo đảm chất lượng quế là điều kiện quan trọng để Thái Nguyên từng bước xây dựng thương hiệu, giúp sản phẩm quế có khả năng vươn xa trên thị trường trong và ngoài nước.


Từ khóa:

quế

trồng rừng

rừng gỗ lớn