Là địa phương vùng núi, nhưng nông dân huyện Định Hóa đã tổ chức sản xuất đầu tư tăng vụ, đẩy mạnh thâm canh nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng diện tích mặt nước. Nguồn lợi thủy sản góp phần cải thiện kinh tế hộ và đang mở ra tiềm năng nâng cao giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp của địa phương.
Mô hình nuôi ốc nhồi của gia đình anh Đoàn Văn Thiết, xóm Đồng Lá 2, xã Điềm Mặc (Định Hóa) cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm. |
Mô hình nuôi ốc nhồi của gia đình anh Đoàn Văn Thiết, xóm Đồng Lá 2, là một trong những mô hình nuôi trồng thủy sản hiệu quả tại xã Điềm Mặc. Anh Thiết là người tiên phong đưa ốc nhồi về nuôi tại địa phương và nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm cho các hộ dân khác. Với gần 4.000m2 ao, bình quân thu nhập từ bán trứng ốc và ốc thương phẩm đem về cho gia đình anh trên 200 triệu đồng/năm, cao gấp 8 lần so với cấy lúa.
Anh Thiết chia sẻ: Năm 2017, gia đình tôi chỉ nuôi ốc với mục đích làm thực phẩm. Sau khi đọc tin tức trên mạng Internet về giá ốc nhồi và trứng ốc làm giống có giá trị kinh tế cao, tôi quyết định đầu tư gần 200 triệu đồng để mở rộng ao, xây hệ thống dẫn nước phục vụ nuôi ốc. Hiện nay, gia đình tôi đã tìm được đầu ra ổn định, sản phẩm được thương lái đến tận nơi thu mua với giá tốt.
Bên cạnh chăn nuôi nhỏ lẻ, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện miền núi Định Hóa đã thành lập hợp tác xã (HTX) để liên kết các hộ nuôi trồng thủy sản với phương châm “cùng sản xuất, cùng tiêu thụ”, nhằm dễ tiếp cận với những đơn vị thu mua ổn định. Một số HTX trên địa bàn có ngành nghề nuôi trồng thủy sản đem lại thu nhập cao cho thành viên như: HTX nông nghiệp Thành Công, xã Bình Thành; HTX nông nghiệp Phúc Chu, xã Phúc Chu; HTX Đồng Tiến, xã Bộc Nhiêu; HTX Duy Linh, xã Linh Thông…
Ông Ma Khánh Cân, Giám đốc HTX nông nghiệp Thành Công, cho biết: HTX được thành lập năm 2019 với 15 thành viên, ngoài trồng và chế biến chè, chăn nuôi gia súc, gia cầm, HTX còn có 4ha diện tích nuôi trồng thủy sản. Tháng 6/2021, HTX đã được Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT) hỗ trợ trên 4.000 con cá giống chép lai và trên 25.000 con cá rô phi chất lượng cao. Số cá giống trên được chia đều cho 4 hộ thành viên của HTX có ao nuôi trồng thủy sản. Cùng với đó, các hộ dân được tập huấn kiến thức, hướng dẫn kỹ thuật nuôi, phòng trị bệnh cho đàn cá. Đến nay, mỗi hộ có nguồn thu nhập từ thủy sản khoảng 40-50 triệu đồng/năm.
Theo thống kê, huyện Định Hóa hiện có 805ha diện tích nuôi trồng thủy sản, sản lượng thủy sản hàng năm đạt khoảng 1.400 tấn và có xu hướng tăng khoảng 10%/năm. Đây là những tín hiệu tích cực trong phát triển nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện.
Vì vậy, cùng với hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, UBND huyện Định Hóa cũng đề nghị các ngành chức năng quan tâm hỗ trợ các hộ dân có diện tích mặt nước phù hợp với nuôi trồng thủy sản. Hàng năm, huyện phối hợp với Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh hỗ trợ hàng vạn con cá giống và tổ chức tập huấn cho người dân trên địa bàn để định hướng, hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng thủy sản.
Ông Mông Đình Tinh, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Định Hóa, thông tin: Mặc dù không phải là địa phương có lợi thế về nuôi trồng thủy sản, tuy nhiên, Định Hóa đã đưa ra các giải pháp phát triển lĩnh vực này theo hướng an toàn, bền vững, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hiện nay, huyện đang tập trung triển khai các mô hình nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn thực phẩm, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ. Từ đó tận dụng ưu thế lớn nhất của huyện là có nhiều khe suối, nguồn nước sạch tự chảy, thuận tiện cho người dân có thể phát triển nuôi trồng thủy sản sạch phục vụ nhu cầu của thị trường.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin