Trái với vẻ tấp nập tại các cửa hàng thời trang trong thời gian trước, vài năm trở lại đây, việc kinh doanh theo phương thức trực tuyến (online) phát triển mạnh mẽ khiến kinh doanh truyền thống thưa vắng khách hàng. Thay vào đó là các hoạt động chụp hình, quay video… kết nối mua và bán không giới hạn trên mạng Internet.
Một cửa hàng kinh doanh thời trang ở phường Chùa Hang (TP. Thái Nguyên) quyết định thanh lý để nghỉ bán do lượng hàng hóa tiêu thụ chậm. |
Thiếu vắng người mua
Dọc theo các tuyến đường Lương Ngọc Quyến, Hoàng Văn Thụ, Bắc Kạn, Cách mạng tháng Tám (TP. Thái Nguyên), chúng ta dễ dàng bắt gặp các cửa hàng kinh doanh thời trang, với nhiều loại mẫu mã rất bắt mắt. Dù vậy, qua tìm hiểu thực tế, lượng khách đến mua hàng trực tiếp lại không nhiều.
Chị Nguyễn Thanh Hậu, chuyên kinh doanh mặt hàng thời trang trên đường Lương Ngọc Quyến, cho hay: Những năm trước, vào Hè là thời điểm bán hàng rất “chạy”. Nhưng năm nay, lượng khách đến đây mua hàng khá thưa vắng, do nhiều người chuyển sang mua online trên mạng.
Cũng do kinh doanh mặt hàng thời trang theo cách truyền thống ngày càng gặp nhiều khó khăn nên không ít người đã chuyển hoặc bỏ nghề. Bà Đỗ Thị Hương, phường Quang Vinh (TP. Thái Nguyên), từng duy trì cửa hàng kinh doanh quần áo tại tầng 3, chợ Thái, trong suốt 20 năm. Nhưng do hàng hóa ế ẩm, đầu năm nay, bà Hương đã thanh lý toàn bộ cửa hàng và nghỉ bán. Bà đang tính toán chuyển sang kinh doanh mặt hàng mới phù hợp hơn.
Thực tế cho thấy, khi thương mại điện tử phát triển, hình thức bán hàng online trở nên phổ biến, các cửa hàng kinh doanh thời trang theo hướng truyền thống ngày càng lép vế.
Chị Lê Ngọc Thúy, phường Quang Trung (TP. Thái Nguyên), nói: Bạn bè tôi hầu hết đều mua quần áo, túi ví… theo hình thức online. Trong cái nắng oi bức, chỉ cần ngồi nhà “lướt mạng”, ai cũng có thể mua được món đồ thời trang mà không cần cực nhọc di chuyển.
Chuyển đổi để phù hợp
Để không lâm vào tình trạng “ế ẩm”, nhiều cửa hàng kinh doanh thời trang trên địa bàn tỉnh đã chủ động đẩy mạnh quảng cáo sản phẩm qua các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo hoặc chuyển sang kinh doanh trực tuyến trên các trang thương mại điện tử. Đặc biệt, nhiều cửa hàng vừa duy trì bán hàng truyền thống, vừa livestream bán hàng online.
Chị Nguyễn Châm Anh, chủ cửa hàng kinh doanh thời trang trên đường Bắc Sơn (TP. Thái Nguyên), cho hay: Tôi duy trì bán hàng ở cả 2 kênh trực tiếp tại cửa hàng và online. Người mua trực tiếp tại cửa hàng phần lớn là khách “ruột”. Còn bán hàng online thì có thể phục vụ khách hàng ở khắp mọi nơi.
Theo chị Châm Anh, ban đầu, việc bán hàng trên mạng không hề dễ dàng, vì chưa thu hút được lượng người theo dõi. Sau đó, chị bán hàng trên nhiều trang mạng điện tử theo hình thức đăng tải liên tục những mẫu quần áo, livestream… nên số lượng người theo dõi ngày càng tăng, giúp các mặt hàng bán được với số lượng lớn hơn trước.
Tương tự, chị Vũ Thị Hạnh, hộ kinh doanh trên đường Bắc Kạn, cũng kết hợp giữa bán hàng online và truyền thống nên lượng hàng hóa bán ra tăng đáng kể, doanh số đạt cao hơn. Theo chia sẻ của chị Hạnh, trước đây, khi kinh doanh trực tiếp, hôm bán được ít, hôm bán được nhiều. Nhưng từ khi chuyển sang bán hàng online, hôm nào chị cũng có vài chục đơn hàng gửi đi cho khách hàng ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước…
Thực tế đã chứng minh, công nghệ số đã đưa người bán và người mua “xích” lại gần nhau hơn, thuận tiện nhất có thể. Đây chính là xu hướng tất yếu buộc những người kinh doanh truyền thống có sự chuyển đổi để phù hợp với thực tiễn…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin