Những năm qua, Quỹ hỗ trợ nông dân (HTND) đã trở thành một trong những nguồn tín dụng giúp nông dân vay vốn phát triển sản xuất và đem lại hiệu quả thiết thực, trở thành điểm tựa vững chắc góp phần giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương. Từ nguồn vốn vay này, nhiều hội viên nông dân đã giải quyết được những khó khăn trong sản xuất, xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế, nâng cao thu nhập...
Nhờ nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh đã giúp gia đình chị Nguyễn Thị Ly, ở xóm Hiệp Hòa, xã Phủ Lý (Phú Lương) không còn phải thế chấp giấy tờ đất để vay vốn ngân hàng phục vụ phát triển chăn nuôi. |
Đầu tháng 3 năm nay, 10 thành viên Tổ hợp tác chăn nuôi và chế biến gà thịt ở xã Phủ Lý (Phú Lương) được vay tổng số tiền 750 triệu đồng từ Quỹ HTND tỉnh. Từ nguồn vốn này đã giúp các hội viên giải quyết được những vấn đề khó khăn cũng như tăng đàn, mở rộng quy mô chăn nuôi. Tùy vào nhu cầu và số lượng đàn vật nuôi mà các thành viên được vay số tiền khác nhau.
Đơn cử như gia đình chị Nguyễn Thị Ly, ở xóm Hiệp Hòa, do có quy mô chăn nuôi lớn (mỗi lứa trung bình trên dưới 2.500 con gà) nên gia đình chị được vay 90 triệu đồng. Chị Ly cho biết: Năm 2022, do giá cám liên tục tăng trong khi giá gà lại giảm nên việc chăn nuôi gà của gia đình gặp không ít khó khăn, có lứa hòa vốn, có lứa thì thua lỗ cả trăm triệu đồng. Để duy trì chăn nuôi, gia đình đã phải vay mượn nhiều nơi. May mắn được tiếp cận nguồn vốn từ Quỹ HTND tỉnh, với số tiền này đã giúp nhà tôi duy trì được số con giống và thức ăn cho 1.500 con gà trong 1 lứa.
Còn anh Nguyễn Văn Chín, ở xóm Khuôn, xã Phúc Trìu (TP. Thái Nguyên) sau khi được vay từ nguồn Quỹ HTND tỉnh 50 triệu đồng, cùng với tiền của gia đình, anh đã cải tạo 1.000m2 đất trồng chè, lắp đặt hệ thống tưới nước tự động cho 3.000m2 chè sản xuất và đào ao có diện tích mặt nước 200m2 để cung cấp nước tưới cho chè. Anh Chín cho biết: Nhờ nguồn vốn vay từ Quỹ HTND tỉnh, gia đình tôi đã lắp đặt được hệ thống tưới nước tự động, qua đó giảm được nhân lực lao động, tiết kiệm thời gian và đỡ vất vả hơn. Ngoài ra còn giúp gia đình cải tạo được diện tích chè già cỗi, năng suất thấp...
Chia sẻ về hiệu quả của nguồn vốn từ Quỹ HTND đối với các hội viên trên địa bàn xã, ông Lê Văn Bính, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phúc Trìu, cho biết: Những năm qua, các hội viên nông dân trong xã đã 4 lần được vay vốn từ nguồn Quỹ HTND của tỉnh và thành phố. Từ nguồn vốn này, nhiều hội viên có thêm điều kiện đầu tư máy móc, xây dựng nhà xưởng sản xuất, chế biến chè. Nhờ đó đã giúp hội viên nâng cao giá trị cây chè, tạo việc làm, nâng cao thu nhập của gia đình.
Tính đến cuối tháng 5-2023, tổng nguồn vốn của Quỹ HTND trong toàn tỉnh đạt trên 55,8 tỷ đồng. Trong đó có trên 13,1 tỷ đồng là vốn Trung ương Hội ủy thác, vốn cấp tỉnh là trên 30 tỷ đồng, cấp huyện là gần 12,6 tỷ đồng. Đến nay, các cấp Hội trong tỉnh đã giải ngân toàn bộ nguồn vốn cho 1.186 hộ nông dân vay để thực hiện 119 dự án, tập trung vào các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt.
Để sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả nguồn vốn, Hội Nông dân tỉnh tập trung kiện toàn ban điều hành Quỹ HTND các cấp; chỉ đạo hội nông dân các huyện, thành phố phân công cán bộ có năng lực, trách nhiệm và nhiệt tình phụ trách Quỹ HTND.
Ông Ma Doãn Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh, cho biết: Để tiếp tục phát huy hiệu quả của nguồn vốn Quỹ HTND, thời gian tới, chúng tôi sẽ chỉ đạo các cấp Hội trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của Quỹ HTND; củng cố và phát triển hoạt động của Quỹ HTND các cấp; đề xuất, kiến nghị với Trung ương Hội Nông dân Việc Nam nâng nguồn vốn vay cho mỗi dự án...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin