Đó là một trong những vấn đề được các thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh đưa ra tại Hội nghị giao ban quý II/2023, tổ chức chiều 26-7.
Đại diện lãnh đạo NHCSXH tỉnh báo cáo kết quả hoạt động của đơn vị trong quý II/2023. |
Theo báo cáo của cơ quan thường trực Ban đại diện, 6 tháng đầu năm nay, NHCSXH tỉnh nhận ủy thác từ ngân sách địa phương gần 31 tỷ đồng, bằng 103,1% kế hoạch được giao.
Tuy nhiên, đến nay, nguồn vốn của tỉnh mới chiếm 4,69% trong tổng nguồn vốn NHCSXH tỉnh đang quản lý, thấp hơn nhiều so với bình quân chung cả nước (trên 10%). Trong khi đó, nhu cầu cho vay giải quyết việc làm của người dân trên địa bàn rất lớn và nguồn vốn của Trung ương chưa đủ để đáp ứng.
Tại Hội nghị, đại diện các sở, ngành thành viên Ban đại diện đã đề nghị Sở Tài chính tham mưu với UBND tỉnh tiếp tục quan tâm, dành nguồn vốn ủy thác qua NHCSXH tỉnh để thực hiện cho vay đối với các đối tượng chính sách, nhất là chương trình giải quyết việc làm.
Cũng theo báo cáo, hiện trong tổng nguồn vốn NHCSXH tỉnh quản lý, tỷ lệ nợ xấu tiếp tục duy trì ở mức thấp, chiếm 0,045%/tổng dư nợ. 6 tháng đầu năm, doanh số cho vay đạt 563 tỷ đồng, với hơn 12.700 lượt hộ vay vốn; dư nợ cho vay hiện đạt 4.286 tỷ đồng, tăng 3,48% so với cuối năm 2022.
Tại Hội nghị, các thành viên Ban đại diện đề nghị tỉnh và NHCSXH tỉnh tiếp tục đề xuất với Trung ương nâng mức cho vay đối với chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn từ mức 10 triệu đồng lên 20 triệu đồng/công trình; nâng mức cho vay giải quyết việc làm, vì hiện mức tối đa 100 triệu đồng/hộ chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.
Đối với các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác, cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc quản lý nguồn vốn vay; quan tâm làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền và tạo điều kiện để có thêm các hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo được vay vốn ở mức tối đa (100 triệu đồng/hộ)…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin