Để đảm bảo chất lượng tín dụng chính sách

Thu Hằng 08:29, 14/08/2023

Những năm gần đây, chất lượng vốn tín dụng chính sách do Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Thái Nguyên quản lý luôn nằm trong tốp dẫn đầu của cả nước, tỷ lệ nợ xấu ở ngưỡng an toàn. Để có được kết quả này, nhiều giải pháp đã được Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh đưa ra và triển khai tích cực.

Buổi giao dịch định kỳ tháng 8/2023  của NHCSXH TP. Sông Công tại phường Phố Cò.
Buổi giao dịch định kỳ tháng 8/2023 của NHCSXH TP. Sông Công tại phường Phố Cò.

Tính đến cuối tháng 7/2023, tổng nguồn vốn NHCSXH tỉnh được giao quản lý là 4.327 tỷ đồng, tăng gần 173 tỷ đồng so với cuối năm 2022. Trong đó, nguồn vốn cân đối từ Trung ương là 3.610 tỷ đồng, vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương là trên 201 tỷ đồng, còn lại 480 tỷ đồng là vốn huy động tại địa phương được Trung ương cấp bù lãi suất. Dư nợ cho vay luôn đạt trên 99% tổng nguồn vốn.

Theo ông Lê Văn Hồng, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh: Định kỳ hàng quý, Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH (viết tắt là Ban đại diện) cấp tỉnh, cấp huyện đều tổ chức họp đánh giá việc triển khai thực hiện các quyết định, văn bản hướng dẫn của cấp trên và kết luận của Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tại các phiên họp; thảo luận, đánh giá kết quả hoạt động của chi nhánh, phòng giao dịch theo từng chỉ tiêu được giao và đề ra nhiệm vụ, kế hoạch kỳ hoạt động tiếp theo...

Ngoài ra, NHCSXH với 4 tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác cùng cấp cũng tiến hành họp định kỳ theo tháng để đánh giá, kiểm điểm hoạt động toàn diện của các nội dung phối hợp công tác, nhằm kịp thời chấn chỉnh, giải quyết những khó khăn, vướng mắc…

Được tham gia nhiều cuộc họp giao ban, điều mà chúng tôi cảm nhận rõ đó là sự nghiêm túc, thẳng thắn, trách nhiệm của các thành viên, đặc biệt là các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác. Tất cả những trường hợp nợ quá hạn, nguyên nhân vì sao, giải pháp thế nào; thành viên ban đại diện nào trong tháng, quý chưa thực hiện đầy đủ các yêu cầu, nhiệm vụ theo quy định... đều được nắm bắt, báo cáo kịp thời tại mỗi cuộc họp.

Đại diện lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và NHCSXH TP. Phổ Yên kiểm tra việc sử dụng vốn vay tại hộ ở xã Vạn Phái hồi tháng 7/2023.
Đại diện lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và NHCSXH TP. Phổ Yên kiểm tra việc sử dụng vốn vay tại một hộ gia đình ở xã Vạn Phái.

Để nắm bắt tình hình sử dụng vốn vay của các hộ, công tác kiểm tra, giám sát được Ban đại diện cấp tỉnh, huyện, các hội đoàn thể nhận ủy thác các cấp, cho đến các tổ tiết kiệm và vay vốn triển khai một cách toàn diện, đồng bộ, phân công, phân cấp rõ ràng, cụ thể. Trong đó, thành viên Ban đại diện cấp tỉnh kiểm tra hoạt động của Ban đại diện cấp huyện, xã, tổ tiết kiệm và vay vốn và hộ vay...

Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, 100% đơn vị cấp xã, trên 500 lượt tổ tiết kiệm và vay vốn, gần 1.700 hộ vay trong toàn tỉnh được Ban đại diện các cấp thực hiện việc kiểm tra, giám sát; 100% các hộ vay được tổ tiết kiệm và vay vốn kiểm tra.

Ông Lương Quốc Huy, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH TP. Sông Công, thông tin: Trong quá trình triển khai cho vay, chất lượng tín dụng luôn được chúng tôi đặt lên hàng đầu. Để có được điều đó thì trước hết, nguồn vốn phải đến được đúng đối tượng thụ hưởng. Do đó, công tác tuyên truyền các văn bản, chính sách có liên quan từ Trung ương, tỉnh đến các cấp, ngành luôn được chú ý triển khai đầy đủ, kịp thời để người dân nắm bắt, giám sát và thực hiện.

Cùng với đó, việc thực hiện các bước trong quy trình nghiệp vụ cho vay cũng được thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc, từ khâu thẩm định mục đích sử dụng vốn vay, đến việc bình xét tại tổ tiết kiệm và vay vốn. Sau khi thực hiện giải ngân món vay, trong vòng 30 ngày, tổ tiết kiệm và vay vốn sẽ phối hợp với ngân hàng, các tổ chức hội, đoàn thể thực hiện kiểm tra tại hộ vay. Ngoài ra, các hội, đoàn thể nhận ủy thác hoặc NHCSXH cũng thực hiện kiểm tra đột xuất hoặc thường kỳ đối với các khoản vay. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện người vay sử dụng vốn chưa đúng mục đích, NHCSXH sẽ yêu cầu người vay thực hiện trả nợ trước hạn.

Theo bà Phạm Thị Thu Thủy, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh: Qua thực tế kiểm tra tại hộ vay, chúng tôi nhận thấy các hộ đều sử dụng đúng mục đích và phát huy tốt hiệu quả nguồn vốn. Từ số tiền vay ban đầu, nhiều hộ đã có thu nhập ổn định, đời sống khấm khá...

Qua đánh giá của NHCSXH tỉnh, nhờ làm tốt việc quản lý nguồn vốn nên thời gian qua, cơ bản các hộ vay đều sử dụng đúng mục đích và mang lại hiệu quả. Số hộ thoát nghèo nhờ vốn tín dụng chính sách ngày càng tăng, đóng góp vào kết quả giảm nghèo chung của tỉnh. Tại Thái Nguyên đã xuất hiện nhiều mô hình, dự án làm ăn hiệu quả, như: Chăn nuôi trâu kết hợp lợn nái của hộ ông Trần Ngọc Sơn, xóm Đồng Tiến, xã Tân Khánh (Phú Bình); xưởng bóc gỗ, trồng rừng, nuôi ốc bươu của hộ ông Hoàng Văn Cường, xóm Hiệp Hòa, xã Phủ Lý (Phú Lương); trồng rừng bạch đàn kết hợp nuôi dúi sinh sản của hộ ông Nguyễn Quang Hiển, xóm Thắng Lợi, xã Tràng Xá (Võ Nhai)...

Tính đến hết tháng 7/2023, tỷ lệ nợ xấu và nợ khoanh của NHCSXH tỉnh là 2,1 tỷ đồng, chiếm 0,049% trong tổng dư nợ.