Giải ngân vốn đầu tư công năm 2023: Sắp vào chặng nước rút

15:39, 22/08/2023

Giải ngân vốn đầu tư công là động lực cho tăng trưởng kinh tế, nhất là khi xét trong bối cảnh một số động lực khác rơi vào suy giảm, trầm lắng.

Công trường thi công đường cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt. Ảnh: Bảo Như
Công trường thi công đường cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt. Ảnh: Bảo Như

Các chuyên gia cho rằng, kết quả giải ngân nguồn vốn này đang có sự chuyển biến tích cực, nhưng vẫn cần tăng tốc để đạt kết quả tối đa, góp phần hỗ trợ xứng đáng vào việc hoàn thành mục tiêu năm 2023 cũng như tạo đà cho các năm tiếp sau. Như vậy, có thể nói thời gian tới chính là chặng nước rút đối với hoạt động này.

Kết quả chuyển biến tích cực

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 7 tháng của năm 2023, cả nước đã giải ngân được 37,85% kế hoạch vốn đầu tư công Thủ tướng Chính phủ giao; cao hơn 3,38% và 81.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định, thực tế này cho thấy các giải pháp của Chính phủ và sự nỗ lực của các cấp, ngành đã phát huy hiệu quả.

Có 8 bộ, cơ quan trung ương và 32 địa phương đạt tỷ lệ giải ngân cao trên 40% trong 7 tháng qua, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế. Trên thực tế, bảo đảm tiến độ thi công, hoàn thiện các công trình, dự án là điều kiện thuận lợi tạo ra việc làm, thu nhập cho người lao động cũng như khả năng tiêu thụ sản phẩm, nhất là các loại vật liệu xây dựng ở nhiều địa bàn.

Các chuyên gia cho rằng, thời gian tới sẽ là lúc tốc độ giải ngân vốn đầu tư công có khả năng tăng tốc rõ nét, bởi nhiều chủ đầu tư, nhà thầu đã hoàn thành việc chuẩn bị, xác lập phương án thi công, huy động nguồn lực, nguồn cung ứng vật liệu để triển khai kế hoạch một cách chủ động. Theo thông lệ nhiều năm qua, càng về cuối năm khối lượng công việc thực hiện càng nhiều và cũng là thời điểm nghiệm thu, thanh toán, giải ngân vốn đầu tư. Tức là hầu hết các đơn vị đã lấy được “phong độ” và càng gia tăng tiến độ triển khai dự án trên thực địa.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, nếu dồn sức giải ngân được 95% tổng vốn đầu tư công như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì tổng vốn đầu tư toàn xã hội có thể tăng 13,2% và đóng góp 2% vào mức tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa năm 2023.

Dồn lực tăng tốc, nâng cao trách nhiệm

Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận áp lực đối với giải ngân vốn đầu tư công vẫn rất nặng nề, không thể chủ quan. Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác nhận, còn tới 43 bộ, cơ quan trung ương và 26 địa phương giải ngân dưới mức trung bình của cả nước. Thực tế này đồng nghĩa với việc gánh nặng ngày càng đè lên vai các bộ, các địa phương và doanh nghiệp trong các tháng sắp tới.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giải ngân vốn đầu tư công là việc khó khăn, phức tạp bởi liên quan đến nhiều vấn đề, đặc biệt là đối diện với khó khăn về giải phóng mặt bằng, chuẩn bị đầu tư, bị động về thời tiết bên cạnh những hạn chế về năng lực thi công của nhà thầu… Từ đó, yêu cầu đặt ra là nghiên cứu, tuân thủ các quy định, chủ động triển khai sớm những đầu việc đã xác định được yêu cầu và điều kiện; tập trung phối hợp giữa các bên để làm tốt giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, việc kiểm tra, giám sát cũng cần được bảo đảm thường xuyên và hiệu quả. Đơn cử, sự vào cuộc liên tục của 5 tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc tiến độ, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công thời gian qua đạt kết quả tích cực, mang lại tác động cụ thể.

Đồng thời, thực tế cũng đặt ra yêu cầu nâng cao năng lực, nhất là trách nhiệm của tập thể lãnh đạo, cá nhân người lãnh đạo cao nhất ở mỗi địa phương, đơn vị. Chính phủ cũng xác định đó là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các tổ chức, cá nhân hằng năm. Liên quan đến nội dung này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, trên thực tế, lãnh đạo nơi nào quan tâm sát sao, chủ động trong điều hành thì nơi đó sẽ đạt kết quả giải ngân tốt.

Thời gian tới, 5 tổ công tác nói trên sẽ tập trung kiểm tra, đôn đốc từ ngày 10 đến ngày 25 hằng tháng theo quy định hoặc kiểm tra đột xuất; rà soát, tổng hợp khó khăn, vướng mắc, phân tích nguyên nhân và đề xuất giải pháp tháo gỡ.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm lưu ý, cần tiếp tục nghiên cứu nguồn cung ứng vật liệu nhất là cát, đất ở nhiều địa bàn nhằm đánh giá toàn diện, chính xác để phục vụ các dự án, từ đó bảo đảm nhu cầu về khối lượng cũng như về thời gian, giá cả.

Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng (Tổng cục Thống kê) Phí Thị Hương Nga đánh giá, việc giải ngân vốn đầu tư công thời gian qua đạt kết quả đáng ghi nhận, thể hiện sự quyết tâm và chủ động rất lớn, trên diện rộng. Trong đó, ngay từ tháng đầu năm Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các đơn vị, đầu mối làm tốt việc triển khai và giải ngân với tinh thần quyết liệt, liên tục. Các chuyên gia cũng cho rằng, đó là điểm tựa và bài học kinh nghiệm để tiếp tục “gạn đục khơi trong” nhắm tới kết quả giải ngân cao tối đa trong chặng nước rút trước mắt.


Từ khóa:

giải ngân

vốn đầu tư công