Tạo sinh kế giúp người dân giảm nghèo bền vững

Trịnh Phương 07:07, 28/08/2023

Hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để phát triển kinh tế, đào tạo nghề và tạo việc làm cho lao động nông thôn… là những giải pháp trọng tâm được TP. Sông Công chú trọng triển khai thực hiện thời gian qua. Từ đó nhằm nâng cao đời sống cho người dân, hướng tới giảm nghèo bền vững.

Hằng năm, TP. Sông Công có khoảng 200 lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm vào các công ty, nhà máy trên địa bàn.
Hàng năm, TP. Sông Công có khoảng 200 lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ đào tạo nghề, giới thiệu vào làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn.

Năm 2022, trong lúc đang loay hoay tìm hướng phát triển kinh tế gia đình, chị Vũ Thị Tú Hạnh, thuộc diện hộ cận nghèo ở tổ dân phố Bến Vượng, được Hội Phụ nữ phường Thắng Lợi (TP. Sông Công) hỗ trợ tiếp cận vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền 50 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, chị đã đầu tư mua 3 con trâu để chăn nuôi.

Chị Hạnh cho biết: Không những được vay vốn với lãi suất ưu đãi, tôi còn được chính quyền địa phương định hướng để phát triển kinh tế gia đình phù hợp, hiệu quả. Một phần tiền lãi thu được từ chăn nuôi, tôi dành để trang trải cuộc sống, phần còn lại tiếp tục đầu tư phát triển kinh tế nhằm thoát nghèo bền vững.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Sông Công: Tính đến hết năm 2022, toàn thành phố còn 353 hộ nghèo và 303 hộ cận nghèo. Địa phương đặt mục tiêu đến năm 2025 giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều xuống còn dưới 1%; 100% hộ nghèo được hỗ trợ sửa chữa, xây mới nhà ở và tiếp cận các dịch vụ trợ giúp pháp lý theo nhu cầu; trên 55% hộ nghèo được sử dụng dịch vụ viễn thông và trên 75% có phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin…

Trên cơ sở mục tiêu này, TP. Sông Công đã tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo; gắn công tác giảm nghèo với triển khai thực hiện các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Các cơ quan chuyên môn và tổ chức chính trị - xã hội được ủy thác tập trung hỗ trợ hộ nghèo tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất; hỗ trợ người nghèo về kiến thức và kỹ năng xây dựng kế hoạch, bố trí sản xuất hợp lý, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất - kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm để tăng thu nhập bền vững…

Được tạo điều kiện vay vốn 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội Chi nhánh Sông Công, chị Vũ Thị Tú Hạnh (người đứng giữa) đã đầu tư chăn nuôi trâu, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập.
Được tạo điều kiện vay vốn 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, chị Vũ Thị Tú Hạnh (đứng giữa), ở tổ dân phố Bến Vượng, phường Thắng Lợi (TP. Sông Công) đã đầu tư chăn nuôi trâu.

Giai đoạn 2021-2023, TP. Sông Công đã ưu tiên bố trí nguồn vốn trên 42 tỷ đồng để thực hiện Chương trình giảm nghèo tại địa phương.

Với phương châm “trao cần câu, không trao con cá”, thành phố đã tạo điều kiện cho hơn 200 lượt hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo được vay vốn phát triển kinh tế, với tổng số tiền trên 12 tỷ đồng. Bên cạnh đó, thực hiện cung ứng trên 11 tấn phân bón theo hình thức trả chậm cho nông dân chăm sóc cây trồng, thực hiện các mô hình khuyến nông; phối hợp với Trung tâm dịch vụ việc làm Thái Nguyên và các cơ quan, đơn vị tổ chức đào tạo nghề ngắn hạn cho trên 80 người; tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp cho hơn 500 người tại các xã Bình Sơn và Tân Quang…

Ông Trần Minh Tâm, Chủ tịch Hội Nông dân TP. Sông Công, cho biết: Nhằm hỗ trợ, khuyến khích nông dân phát triển kinh tế, giai đoạn 2022-2023, từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân của tỉnh và thành phố, Hội đã giải ngân cho 1 dự án chăn nuôi bò sinh sản, với kinh phí 350 triệu đồng, 10 hộ vay; 1 dự án trồng cây ổi lai lê, với số tiền 300 triệu đồng, cho 10 hộ vay; tư vấn về đào tạo nghề và việc làm cho hơn 300 lao động nữ; tổ chức 10 lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi an toàn cho hơn 10.000 lượt người… Qua đó giúp người lao động nói chung, thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo nói riêng nâng cao kiến thức trong chăn nuôi, trồng trọt và tìm kiếm việc làm. Từ đó nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, cải thiện thu nhập và đời sống…

Cùng với hỗ trợ phát triển kinh tế, TP. Sông Công cũng quan tâm hỗ trợ hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, như giáo dục - đào tạo, y tế, việc làm - bảo hiểm xã hội, nhà ở, điều kiện sống và trợ giúp xã hội. Qua đó góp phần cải thiện và nâng cao mức sống cho các hộ nghèo và cận nghèo tại địa phương.

Tính riêng trong giai đoạn 2021-2023, thành phố đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 48 nhà ở cho hộ nghèo và cận nghèo, với tổng kinh phí trên 2,2 tỷ đồng; trên 770 lượt hộ nghèo và hơn 700 hộ cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế, với kinh phí hơn 1,7 tỷ đồng; trên 500 hộ được hỗ trợ vay vốn xây dựng công trình nước sạch, với số tiền trên 10 tỷ đồng.

Cùng với thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, hàng năm, TP. Sông Công đã triển khai nhiều giải pháp xúc tiến đầu tư, thu hút các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn nhằm tạo việc làm cho người lao động…

Với việc triển khai kịp thời, có hiệu quả các giải pháp giảm nghèo đã góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn TP. Sông Công. Tính đến hết năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố giảm xuống còn 1,9% (năm 2021 là 2,5%); thu nhập bình quân của người dân ở khu vực nông thôn đạt trên 46 triệu đồng/người/năm... Dự ước đến cuối năm 2023, toàn thành phố giảm thêm được trên 220 hộ nghèo, gần 200 hộ cận nghèo.

Để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả cao hơn nữa, thời gian tới, TP. Sông Công tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân tiếp cận với chính sách giảm nghèo, phổ biến các mô hình giảm nghèo và gương thoát nghèo có hiệu quả; huy động sự chung tay của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đóng góp thêm nguồn lực cho công tác giảm nghèo…