Tín dụng ngân hàng và nỗi lo nợ xấu gia tăng

Hạ Liên 09:04, 04/08/2023

Tính đến hết quý II/2023, dư nợ cho vay đối với nền kinh tế của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tăng 3,36% so với cuối năm 2022 (thấp nhất trong vòng 3 năm qua). Trong khi đó, nợ xấu lại tăng từ dưới 1% lên 2,31% trong tổng dư nợ (cao nhất trong vòng 12 năm trở lại đây). Thực tế này phần nào cho thấy những khó khăn của nền kinh tế và cần có sự hỗ trợ nhiều hơn của các ngành chức năng, cũng như sự nỗ lực vươn lên của chính các doanh nghiệp (DN)…

6 tháng đầu năm, nợ xấu của BIDV Chi nhánh Thái Nguyên chỉ chiếm 0,05%/tổng dư nợ, nhưng so với cuối năm 2022 vẫn tăng nhẹ.
6 tháng đầu năm nay, nợ xấu của BIDV Chi nhánh Thái Nguyên chỉ chiếm 0,05% trong tổng dư nợ, nhưng so với cuối năm 2022 vẫn tăng nhẹ.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh Thái Nguyên, từ cuối năm 2022 trở về trước, nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên địa bàn thường duy trì ở mức dưới 1%. Tuy nhiên, đến cuối tháng 6, con số này đã "tăng vọt" lên 1.981 tỷ đồng (chiếm 2,31%/tổng dư nợ) và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm.

Đề cập về nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, theo ông Nguyễn Minh Hạnh, Giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương (Vietinbank) Chi nhánh Thái Nguyên: Do kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, Mỹ và các nước châu Âu duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất cao; cuộc xung đột Nga - Ukraine vẫn tiếp diễn, khiến nhu cầu nhiều mặt hàng trên thị trường quốc tế giảm; một số nguyên vật liệu nhập khẩu tăng giá.

Nhiều DN không có đơn hàng, trong khi lãi suất ngân hàng vẫn ở mức cao. Một số ngành sản xuất vật liệu xây dựng vốn là thế mạnh của tỉnh, như: sắt thép, xi măng… cũng rơi vào tình trạng ế ẩm. Thêm vào đó, thị trường bất động sản trầm lắng cũng làm ảnh hưởng đến khả năng tài chính của nhiều cá nhân, hộ kinh doanh do sử dụng vốn đầu tư vào bất động sản.

Trước khó khăn của kinh tế, sắt thép tiêu thụ chậm, khiến nhiều DN phải cơ cấu lại nợ, thậm chí đã có DN phá sản.
Sản phẩm sắt, thép tiêu thụ chậm khiến nhiều DN phải cơ cấu lại nợ.

Bên cạnh đó, bà Nguyễn Khuê Chính, Phó Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) Chi nhánh Thái Nguyên, cho rằng: Quy mô chủ yếu của DN trên địa bàn là nhỏ và vừa, thậm chí là siêu nhỏ. Do đó, mỗi khi khi thị trường biến động bất lợi, khả năng chống đỡ của DN rất hạn chế.

Ngoài ra, việc "thắt chặt" đầu tư trong kinh doanh bất động sản, điều khoản thanh khoản, thị trường trái phiếu DN và các vấn đề pháp lý về điều kiện kinh doanh, hoạt động, khai thác… cũng khiến các DN bị kiểm soát chặt chẽ hơn.

Trong khi đó, chính sách hỗ trợ giảm lãi suất đem lại hiệu quả không đáng kể và khó cho các tổ chức tín dụng thực hiện. Vấn đề về xử lý nợ xấu còn chậm và gặp nhiều vướng mắc, nhất là trong việc xử lý tài sản đối với bất động sản.

Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, trong thời gian tới, tình hình kinh tế trong nước và quốc tế vẫn có nhiều biến động khó lường, sức tiêu thụ sản phẩm còn yếu, nhiều khả năng nợ xấu sẽ tiếp tục tăng.

Trước thực trạng đó, theo ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh: Một số ngân hàng trên địa bàn đã tiến hành xử lý đối với nhiều khoản nợ lớn, nên đến cuối tháng 7, số nợ xấu trên địa bàn tỉnh có khả năng giảm. Tuy nhiên, thực chất không phải do thanh khoản của nền kinh tế tốt lên. Thực tế cho thấy, có ngân hàng cho vay DN lớn, chỉ cần một vài khách hàng gặp khó khăn, mất khả năng trả nợ thì lập tức tỷ lệ nợ xấu sẽ tăng cao trên tổng dư nợ.

Ngoài ra, với việc thực hiện Thông tư số 02/2023/TT-NHNN của NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, hiện có hàng chục DN trên địa bàn tỉnh đã được cơ cấu lại nợ, với số tiền lên tới hàng nghìn tỷ đồng, nên khả năng trở thành nợ xấu rất cao. Chính vì thế, các ngân hàng cũng đang phải tăng mạnh cho việc trích lập dự phòng rủi ro. Điều này đã phần nào trực tiếp làm giảm lợi nhuận của nhiều ngân hàng.

Trước bối cảnh đó, để hạn chế tình trạng gia tăng nợ xấu, theo bà Nguyễn Khuê Chính, Phó Giám đốc BIDV Chi nhánh Thái Nguyên: Chi nhánh sẽ tiếp tục quan tâm rà soát, đánh giá thường xuyên thực trạng hoạt động của các DN, cá nhân để có giải pháp hỗ trợ kịp thời như cơ cấu nợ, giảm lãi suất. Đồng thời tiếp tục tìm kiếm nguồn thị trường để hỗ trợ DN tiêu thụ hàng hóa, duy trì sản xuất. Đơn vị cũng sẽ phát triển tín dụng một cách thận trọng, an toàn; tăng cường phát triển dịch vụ, tăng năng suất lao động, tiết giảm chi phí để có nguồn trích lập dự phòng; quyết liệt, sát sao trong công tác xử lý nợ. ..

Có thể nói, trước bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thì việc gia tăng nợ xấu của các tổ chức tín dụng là điều khó tránh. Tuy nhiên, nếu không có các giải pháp nhằm kiềm chế sự gia tăng này, thì nguy cơ và hậu quả mang lại đối với ngân hàng cho vay nói riêng, hệ thống ngân hàng nói chung, thậm chí là cả nền kinh tế là rất lớn. Cùng với đó, bản thân người vay cũng sẽ không còn cơ hội được chấp nhận cho vay các khoản vay mới tại các ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng khác, do Hệ thống dữ liệu sẽ lưu trữ thông tin về lịch sử tín dụng của khách hàng.

Chính vì thế, các cá nhân, DN cần hết sức cân nhắc, tính toán và sử dụng đồng vốn vay sao cho hợp lý, tránh những hệ lụy đáng tiếc có thể xảy ra. Về phía các ngân hàng cũng cần quan tâm quản lý tốt hơn các nguồn vốn cho vay, tránh tình trạng chạy theo chỉ tiêu kế hoạch mà cho vay không đảm bảo các yêu cầu. Đây cũng là thời điểm các DN cần hơn nữa sự quan tâm, hỗ trợ từ phía các cơ quan quản lý Nhà nước nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các thủ tục hành chính trong quá trình hoạt động…


Từ khóa:

tín dụng ngân hàng

nợ xấu