Gỡ khó cho tăng trưởng dư nợ tín dụng

Thu Hằng 10:40, 22/05/2023

Tính đến thời điểm này, dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh chỉ tăng 1,72%, thấp hơn mức tăng toàn ngành 0,37%. Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh Thái Nguyên, đây là một trong những năm có mức tăng trưởng dư nợ 4 tháng đầu năm thấp nhất trong 10 năm qua. Điều này phần nào cho thấy khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp (DN) bị hạn chế.

Với 394 tỷ đồng dư nợ cho vay tăng thêm so với cuối năm 2022, BIDV Thái Nguyên là tổ chức tín dụng có mức tăng trưởng cao nhất trong 4 tháng đầu năm nay trên địa bàn tỉnh.
Với 394 tỷ đồng dư nợ cho vay tăng thêm so với cuối năm 2022, BIDV Thái Nguyên là tổ chức tín dụng có mức tăng trưởng dư nợ cao nhất trong 4 tháng đầu năm nay trên địa bàn tỉnh.

Khách hàng tiềm năng cũng gặp khó

Nguyên nhân mức tăng trưởng dư nợ cho vay thấp được xác định là do sau hơn 2 năm chịu tác động của dịch COVID-19, tài chính của nhiều DN đã bị bào mòn. Cùng với đó là sự tác động từ cuộc xung đột Nga - Ukraine khiến thị trường thế giới cũng như trong nước đều giảm sút đáng kể. Giá nhiều loại nguyên vật liệu đầu vào tiếp tục duy trì ở mức cao; thị trường xuất khẩu thu hẹp; đầu tư công, thị trường bất động sản tiếp tục gặp khó khăn. Ngoài ra, những vi phạm về phát hành trái phiếu ở một số DN; thị trường chứng khoán điều chỉnh cũng đã và đang tác động trực tiếp đến hoạt động ngân hàng, sản xuất - kinh doanh của các DN…

Đối với Thái Nguyên, có nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kim loại, kinh doanh sắt thép đang chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực của thị trường thế giới trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ thép yếu và không ổn định. Điều này cũng ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động cho vay của nhiều ngân hàng. Trong tổng số 27 ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) Nhà nước và NHTMCP khác trên địa bàn tỉnh, có tới 40% chi nhánh có mức tăng trưởng âm.

Ông Phạm Quang Đạt, Phó Giám đốc NHTMCP Ngoại thương (Vietcombank) Chi nhánh Thái Nguyên, chia sẻ: Từ đầu năm đến nay, khách hàng vay vốn chủ yếu để duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh, mà ít có khả năng mở rộng. Như với khách hàng may mặc, trong khi các năm trước, từ quý I hoặc đầu quý II đều đã có được đơn hàng đến hết quý III, thậm chí là cả năm, nhưng năm nay, chủ yếu mới được đến hết quý II. Chính vì thế, việc duy trì, mở rộng hoạt động sản xuất đối với DN vốn là thế mạnh của tỉnh cũng khó khăn.

Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH SSNewtech (Khu công nghiệp Điềm Thụy).

Nỗ lực đồng hành

Theo ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh: Trước bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, nhằm tiếp tục thực hiện chủ trương của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ DN và người dân, trong tháng 3/2023, NHNN đã 2 lần quyết định điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành. Trên cơ sở này, các ngân hàng đều đồng loạt điều chỉnh giảm lãi suất cho khách hàng.

Tại Ngân hàng BIDV Chi nhánh Thái Nguyên - đơn vị có dư nợ cho vay sản xuất - kinh doanh lớn nhất trên địa bàn tỉnh, từ đầu năm đến nay đã 5 lần giảm lãi suất, với mức giảm tối đa lên đến 2%/năm cho cả khách hàng hiện hữu và vay mới.

Ông Hà Mậu Quý, Giám đốc Chi nhánh BIDV Thái Nguyên, cho biết: Theo định hướng của BIDV, Chi nhánh Thái Nguyên áp dụng hạ lãi suất cho cả khách hàng DN và cá nhân. Với quy mô tín dụng trên 15,8 nghìn tỷ đồng như hiện tại, tính ra, đơn vị đã hỗ trợ lên tới hàng trăm tỷ đồng tiền lãi đối với khách hàng…

Còn đối với Ngân hàng Vietinbank Thái Nguyên, với khoảng 2.700 tỷ đồng cho vay DN (chiếm khoảng 45% tổng dư nợ), Chi nhánh cũng đã và đang áp dụng linh hoạt các chương trình ưu đãi lãi suất phù hợp với quy mô, ngành nghề của từng khách hàng DN.

Có thể kể đến như giảm tới 1%/năm so với sàn lãi suất thông thường (áp dụng cho khách hàng tốt, sử dụng đa dạng sản phẩm dịch vụ của Vietinbank); gói ưu đãi thúc đẩy khách hàng DN xuất, nhập khẩu, với mức lãi suất giảm tới 1,8%/năm; lãi suất cho vay tiền USD cũng giảm tới 1% so với sàn cho vay thông thường…. Hiện, tổng dư nợ được ưu đãi lãi suất theo các chương trình tín dụng tại Chi nhánh đạt gần 1.500 tỷ đồng. Mức lãi suất đang áp dụng cho khách hàng DN vay kinh doanh 6 tháng thấp nhất là 7,2%/năm.

Ở Ngân hàng Vietcombank Thái Nguyên, từ đầu năm đến nay, Chi nhánh cũng đã thực hiện giảm 2 lần lãi suất (mỗi lần giảm 0,5%/năm) cho tất cả khách hàng sản xuất - kinh doanh. Hiện, mức lãi suất thấp nhất mà đơn vị này áp dụng cho khách hàng đáp ứng được các tiêu chí của Vietcombank là 7%/năm (vay dưới 6 tháng).

Đối với các NHTMCP đại chúng, mức lãi suất cho vay cao hơn khoảng 1-3% (tùy sản phẩm) so với các NHTMCP Nhà nước.

Ở chiều ngược lại, đối với người vay vốn, không ít DN, hộ kinh doanh lại không dễ trong việc tiếp cận với nguồn vốn vay, hoặc nâng hạn mức cho vay, do không đáp ứng được các điều kiện của ngân hàng. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu do không có phương án đầu tư, kinh doanh hiệu quả.

Theo đại diện lãnh đạo Ngân hàng Vietinbank Thái Nguyên: Các DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa thường không quan tâm đến sổ sách kế toán, tài chính nên thông tin thường thiếu chuẩn mực, khiến ngân hàng rất khó đánh giá chính xác tình hình tài chính, cũng như xếp hạng tín nhiệm của DN khi cho vay.

Hiện tại, các ngân hàng vẫn đang tiếp tục đưa ra nhiều giải pháp nhằm đồng hành, hỗ trợ khách hàng, đặc biệt là các DN, để thúc đẩy phát triển sản xuất - kinh doanh. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng đang nỗ lực tìm kiếm những khách hàng tiềm năng mới, các DN FDI có dự án đầu tư khả thi để gia tăng dư nợ tín dụng trong thời gian tới. Qua đó nhằm hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 theo kế hoạch, cũng như góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng chung của toàn ngành.