Thái Nguyên: Dư nợ cho vay tăng thấp

Thu Hằng 09:58, 12/04/2023

Tính đến đầu tháng 4 năm nay, tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt 87.719 tỷ đồng, tăng 1,21% so với cuối năm 2022 và thấp hơn nhiều so với cùng kỳ (đầu tháng 4/2022 tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2021).

Trong quý I/2023, có 3/8 đơn vị khối các NHTMCPNN huy động vốn bị giảm so với cuối năm 2022.
Trong quý I/2023, có 3/8 đơn vị khối các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước huy động vốn bị giảm so với cuối năm 2022.

Trong đó, dư nợ cho vay của 8 chi nhánh ngân hàng thương mại nhà nước (NHTMNN), cổ phần nhà nước (CPNN) là 58.198 tỷ đồng, tăng 2.053 tỷ đồng (tương đương 3,66%); dư nợ cho vay của 19 chi nhánh NHTM cổ phần khác là 20.054 tỷ đồng, giảm 1.167 tỷ đồng (tương đương 5,5%). Còn lại là dư nợ của 2 ngân hàng nước ngoài, các quỹ tín dụng nhân dân, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh và tài chính vi mô.

Đáng chú ý, trong số các NHTMNN, ngân hàng CPNN, chỉ 1/8 đơn vị có dư nợ giảm. Trong khi đó, khối các NHTMCP khác có tới 10/19 đơn vị có dư nợ giảm.

Một trong những nguyên nhân của việc tăng, giảm dư nợ cho vay giữa 2 khối ngân hàng là do từ tháng 1/2023, việc tiếp cận nguồn vay của các NHTMCPNN đã trở nên thuận lợi nên nhiều doanh nghiệp, hộ cá nhân kinh doanh đã chuyển khoản vay từ các NHTMCP khác sang các ngân hàng này để được hưởng lãi suất thấp hơn.

Ở chiều huy động vốn thì ngược lại. Do các NHTMCPNN thường có mức lãi suất thấp hơn các NHTMCP khác nên tốc độ huy động tiền gửi trong nhiều năm gần đây của khối này có xu thế thấp hơn. Cụ thể, trong khi các NHTMCPNN đạt 59.421 tỷ đồng, tăng 1.152 tỷ đồng (tương ứng 1,98%) thì các NHTMCP khác đạt 31.1 74 tỷ đồng, tăng 3.024 tỷ đồng (tương ứng 10,75%) so với cuối năm 2022.


Từ khóa:

dư nợ tín dụng

ngân hàng