Chàng thanh niên tạo “thương hiệu” cho hợp tác xã

Vi Vân 07:52, 12/04/2023

Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Hồng Kỳ, xã Úc Kỳ (Phú Bình) do anh Dương Văn Duy làm Giám đốc. Anh cũng chính là người tạo nền tảng và xây dựng thương hiệu cho HTX với 3 sản phẩm “Gạo nếp Thầu Dầu”, “Tương Úc Kỳ” và “Tương nếp Hồng Kỳ” đã được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao vào cuối năm 2022.

Anh Dương Văn Duy kiểm tra sản phẩm gạo nếp Thầu Dầu sau đóng gói.
Anh Dương Văn Duy kiểm tra sản phẩm gạo nếp Thầu Dầu sau khi đóng gói của HTX.

Anh Dương Văn Duy chia sẻ: Trước đây, tôi học chuyên ngành Luật Kinh tế (Đại học Thành Đông, tỉnh Hải Dương). Sau này, khi trở về địa phương, tôi nhận thấy quê mình có một lợi thế rất lớn, đó là cánh đồng sản xuất lúa nếp Thầu Dầu đã được quy hoạch thành vùng sản xuất tập trung; bà con có nhiều kinh nghiệm trong canh tác lúa… Tuy nhiên, giá trị sản phẩm mang lại chưa cao, chưa được thị trường biết đến vì người dân còn sản xuất theo phương thức truyền thống, chưa có sự liên kết. Chính vì thế, tôi đã có ý tưởng thành lập HTX để liên kết các hộ dân nhằm nâng cao giá trị sản phẩm lúa ở địa phương.

Tuy nhiên, "vạn sự khởi đầu nan". Sinh năm 1994, còn quá trẻ và không học chuyên ngành về nông nghiệp, anh Duy phải mất một thời gian khá dài để tìm hiểu về quy trình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP (sản xuất và thu hoạch theo đúng quy trình, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm), hữu cơ từ những người có kinh nghiệm; tự mày mò, học hỏi, xin hướng dẫn về quy trình thành lập HTX…

Cũng theo anh Duy, lúc đầu, bà con chưa hiểu thế nào là làm kinh tế tập thể nên việc vận động người dân tham gia vào HTX gặp không ít khó khăn. Chính vì thế, anh đã tìm hiểu kiến thức trên mạng Internet; tham khảo ý kiến từ các cơ quan chuyên môn của huyện; đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở các HTX nông nghiệp trong và ngoài địa bàn để về áp dụng tại địa phương và vận động bà con nhân dân. Năm 2020, HTX Dịch vụ nông nghiệp Hồng Kỳ được thành lập với 22 thành viên, chuyên sản xuất lúa nếp Thầu Dầu và tương.

Những ngày đầu, các thành viên chưa có nhiều kinh nghiệm trong xây dựng thương hiệu nên số lượng sản phẩm bán ra thị trường còn hạn chế. Chẳng hạn như, gạo nếp Thầu Dầu chưa sản xuất theo quy trình VietGAP nên HTX không thể xuất bán được hết (năm 2020, chỉ bán được khoảng 20 tấn gạo); ít người biết đến thương hiệu của HTX.

Từ thực tế đó, tháng 8/2021, dưới sự hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn huyện Phú Bình, anh Duy đã liên kết với 90 hộ dân ở các xóm: Múc, Ngoài và Tân Lập, để hình thành vùng sản xuất lúa nếp Thầu Dầu theo tiêu chuẩn VietGAP, với diện tích 10ha. Cùng với đó là, HTX tích cực tuyên truyền bà con sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao giá trị sản phẩm.

Nhờ đó, năm 2022, HTX Dịch vụ nông nghiệp Hồng Kỳ đã xuất bán được khoảng 40 tấn gạo nếp (tăng gấp 2 lần so với năm 2020). Bà Dương Thị Tưởng, thành viên HTX, cho hay: Gia đình tôi hiện có hơn 6 sào cấy giống lúa nếp Thầu Dầu. Trước đây, khi chưa áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP, năng suất lúa chỉ đạt 1,5-1,6 tạ/sào. Nhưng từ ngày tham gia HTX, được sự hướng dẫn của anh Duy về cách chăm sóc lúa và bón phân theo quy trình, đến nay, năng suất lúa của gia đình tôi đạt trung bình 2 tạ/sào.

Không dừng lại ở đó, để sản phẩm được nhiều người biết đến hơn, anh Duy đầu tư máy hút chân không; thiết kế bao bì, tạo mẫu mã bắt mắt cho sản phẩm gạo nếp Thầu Dầu của HTX. Trên bao bì có tem nhãn, mã vạch truy xuất nguồn gốc, số điện thoại…

Còn đối với việc sản xuất tương, với 10ha vùng nguyên liệu sẵn có, anh Duy tích cực vận động các hộ làm tương trong HTX áp dụng máy móc hiện đại (như: máy sấy đỗ, máy nghiền, tủ nấu cơm bằng điện...) vào sản xuất để tăng công suất, chất lượng sản phẩm. Anh cũng chú trọng đầu tư “hình ảnh” cho sản phẩm tương của HTX bằng việc sử dụng chai thủy tinh (850ml/chai), dán tem nhãn, đóng hộp, mã vạch truy xuất nguồn gố… HTX Dịch vụ nông nghiệp Hồng Kỳ cũng tích cực quảng bá sản phẩm trên nhiều “kênh” khác nhau như Facebook, Zalo… để mở rộng thị trường tiêu thụ. Hiện nay, trung bình một tháng, HTX xuất bán được 800-1.000 lít tương (nếp và tẻ)...

Chia sẻ về những dự định trong thời gian tới, anh Duy cho biết thêm: Tôi sẽ cùng các thành viên HTX tìm hiểu, đưa sản phẩm gạo nếp và tương vào các siêu thị, cửa hàng nông sản trong và ngoài địa bàn. Mặt khác, HTX sẽ đầu tư thêm máy sấy thóc nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm; xây dựng cửa hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại xã Úc Kỳ để quảng bá những sản phẩm thế mạnh của địa phương tới nhiều người tiêu dùng hơn nữa...